Từ bỏ thế giới hiện đại để sống hoang dã
Mark Boyle bắt đầu cuộc sống tuyệt giao với tất cả những gì dính líu tới tiền bạc vào tháng 11 năm 2008, anh chọn cách sống hoang dã và đang sống rất ổn. Vốn là một người làm kinh doanh nhưng Mark Boyle hiến tất cả tài sản, từ bỏ cuộc sống vật chất của thế giới hiện đại, chọn cuộc sống hoàn toàn tự nhiên, hoang dã, không phụ thuộc vào tiền bạc, không nỗi lo về stress. Thật đáng ngưỡng mộ khi anh sống được một thời gian dài trong điều kiện không nhà, không ô tô, không tiêu tiền… hoàn toàn dựa vào thiên nhiên, bản năng sinh tồn, khả năng thích nghi của mình.
Mark Boyle
Việc đầu tiên cần làm khi bước vào cuộc sống này là tìm một chỗ che mưa, che nắng ổn định. Mark đã tìm được một chiếc xe tải cũ mà người ta đã vất đi rồi sửa sang, dọn dẹp nó. Nhưng đặt “mái nhà” này ở đâu bây giờ? Anh xin làm thuê một tuần ba buổi trong một nông trại hữu cơ hẻo lánh, có phần hoang dại gần rừng và một dòng sông ở Bristol để đổi lấy một chỗ đặt “mái nhà” của mình.
Anh đã dùng nốt số tiền ít ỏi còn lại mua một tấm pin mặt trời, tự làm ra điện đủ để có chút ánh sáng và có thể sử dụng laptop và điện thoại (điện thoại của anh chỉ nhận cuộc gọi đến). Năng lượng mặt trời với tấm pin thô sơ này không phải là lý tưởng, nhưng với bước đầu tiên chuẩn bị một cuộc sống lâu dài thì không thể mong mọi thứ hoàn hảo ngay.
Để có thể nấu ăn và sưởi ấm, Mark đã tự thiết kế một chiếc bếp làm từ vỏ thùng thiếc đựng dầu ô liu nhặt được ở bãi rác. Củi thì anh có thể kiếm ở nông trại và bìa rừng. Nhưng chiếc bếp không thể đặt trong xe có nghĩa là từ giờ anh sẽ phải nấu ăn ở ngoài trời. Anh tâm sự “Tôi đã hơi choáng một chút với suy nghĩ sẽ nấu ăn trong mưa, tuyết, và gió mùa đông bắc của Anh. Tuy nhiên, thật ngạc nhiên, nó đã trở thành một trong những niềm vui của cuộc đời tôi”.
Phương tiện đi lai của anh là xe đạp. Tuy đạp xe mất nhiều thời gian hơn lái xe hơi hoặc đi xe buýt nhưng lại là cách giúp anh tập thể dục hằng ngày. Và việc nướng bánh ngoài trời cũng khiến anh cảm thấy thú vị hơn rất nhiều sơ với việc ngồi trong phòng kín, nướng thời gian vào các chương trình trên ti vi.
Sống ở một nơi khá hoang dã, xung quanh không một bóng người, chàng thanh niên thường dựa vào mặt trăng và mặt trời để tính giờ chuẩn bị các bữa ăn cho mình. “Chim chóc trên cây cối xung quanh nhà bếp đã trở thành iPod mới của tôi và quan sát động vật hoang dã đã dạy cho tôi về tự nhiên nhiều hơn bất cứ chương trình thế giới động vật nào tôi từng xem trên ti vi”.
Một thử thách khác là phải thiết kế chỗ đi vệ sinh. Đây là một trong những yếu tố quyết định cho một cuộc sống bền vững, lâu dài. Mark đã đào một chiếc hố đủ rộng và lắp lên đó một mặt cầu cũ xin được từ một cửa hàng gần đó. Cứ sau 2 tuần anh lại lấp hố đó đi và đào một hố mới. Một công đôi việc, anh đã có một hố phân ủ và sau một thời gian có thể sử dụng phân đó cho việc trồng trọt. Anh không mua giấy vệ sinh mà sử dụng báo cũ bị loại bỏ ở một số quầy bán báo địa phương gần đó. Chàng trai hài hước: “Nó không được mềm lắm nhưng tôi nhanh chóng thích nghi, thậm chí tôi còn từng sử dụng tờ báo có bài viết về câu chuyện của mình một lần.”
Mark hay tắm rửa ở dòng sông gần chỗ ở. Dòng sông khá sạch và thay vì dùng xà phòng anh phát hiện ra một số loài cây cỏ có tính kiềm có thể dùng để tắm rất tốt. Anh còn tự chế ra kem đánh răng bằng cách trộn hỗn hợp bột xương mực (xương mực thủy triều đánh dạt vào bờ biển Anh khá nhiều) và bột của hạt cây thì là dại. Mark khá yên tâm khi giặt quần áo trong nước đun sôi cùng một số loại hạt có tác dụng diệt trùng anh tìm được trong rừng.
Với chàng trai trẻ, việc tìm kiếm thức ăn ở một nơi hoang dại – nơi sẽ là khắc nghiệt và thiếu thốn đủ thứ với những con người quen được cung phụng trong xã hội hiện đại - không quá khó khăn. Mark được dành cho một mảnh đất nhỏ để trồng trọt. Trên mảnh đất của mình anh trồng đủ thứ rau củ như khoai tây, đậu, cải xoăn, cà rốt, xà lách, bí, hành tây… Ngoài ra anh còn vào rừng tìm kiếm rất nhiều loại rau quả nhiều chất dinh dưỡng như quả cây tầm ma, các loại nấm, chuối… và cây tiêu huyền để chữa bệnh sốt trong mùa hè.
Việc lao động chân tay, hít thở không khí trong lành và ăn những thứ thực phẩm tươi ngon, an toàn lấy sẵn từ thiên nhiên hoặc do mình trồng ra khiến cơ thể chàng trai ngày càng trở nên săn chắc, khỏe mạnh và tinh thần ngày càng sảng khoái, vui vẻ. Để nâng cao chất lượng sống anh còn mầy mò cách làm nhiều món đồ ăn, thức uống ngon lành, độc đáo để có thể tự phục vụ mình. Anh tự làm được bia rất ngon từ cây hoa bia, kim thông, nấm men, chiết xuất mạch nha từ ngũ cốc như lúa mạch… Chàng trai thấy mình nhiều năng lượng hơn bao giờ hết.
Một phần những thực phẩm mà anh sử dụng hằng ngày là những thực phẩm bị loại bỏ từ các cửa hàng bán thực phẩm và hàng ăn.
Ở Bristol có những cửa hàng thực phẩm bán theo ngày luôn tống tất cả đồ thừa vào xe rác cuối ngày mà không cần biết chúng còn sử dụng được hay không. Anh thường liên hệ với những cửa hàng này để lấy những thực phẩm còn tốt để vừa sử dụng, vừa phân phát cho một số người khác, “thật lãng phí nếu như con người vất bỏ đi những thức ăn còn tốt như vậy” - anh nói.
Tuy nhiên anh cũng phải công nhận: “Một điều tôi sớm nhận ra là, trong một thế giới không tiền, mọi thứ đều cần rất nhiều thời gian. Giặt quần áo bằng cách đun sôi chúng cùng với các loại hạt có thể mất đến 2 giờ thay vì mười phút khi sử dụng máy giặt. Tìm tòi, nấu ăn mất nhiều thời gian hơn đến một cửa hàng thực phẩm mua đồ ăn sẵn. Và thú thật, việc đi vệ sinh vào một hố phân rắc rối hơn nhiều so với việc “xả” nó đi”. Nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ, anh vẫn cảm thấy rất thoải mái và hạnh phúc với cuộc sống của mình và không có ý định quay trở lại cuộc sống như trước đây “Đây là quyết định đúng đắn nhất trong đời tôi” – Anh quả quyết.
“Tôi không điên rồ!”
Chọn lối sống như vậy, nhiều người nói Mark điên rồ. Nhưng anh khẳng định “Tôi không điên rồ!”. Quả thật, tìm hiểu về cuộc sống của anh, về những thông điệp anh muốn gửi tới tất cả mọi người, chúng ta buộc phải nghi hoặc: Mark Boyle cùng những người chung ý tưởng sống với anh và phần còn lại của thế giới, ai sáng suốt, tỉnh táo hơn ai?
Mark Boyle sinh ngày 8-5-1979 tại Ballysannon phía Tây Bắc Ireland. Anh có bằng kinh doanh tại Học việc công nghệ Mayo trước khi chuyển đến Anh sinh sống vào năm 2002. Trong năm năm đầu tiên của mình tại Anh, anh quản lý hai công ty thực phẩm hữu cơ. Càng ngày, anh càng nhận thức được nhiều vấn đề xung quanh việc cạn kiệt tài nguyên, thoái hóa đất, thay đổi khí hậu, chiến tranh tài nguyên, phòng thí nghiệm trên động vật và rất nhiều vấn đề tiêu cực khác. Anh nhận ra việc phát triển bền vững sẽ không chỉ là “thay bóng đèn và ấm nước tiết kiệm điện”. Ngay cả công ty thực phẩm hữu cơ mà anh quản lý cũng xả ra môi trường một lượng lớn túi nilon hằng ngày.
“Tôi cho rằng nguyên nhân chính của rất nhiều vấn đề trong thế giới ngày nay là do chúng ta không trực tiếp nhìn thấy những hậu quả hành động của mình, mức độ tiêu thụ tăng lên rất nhiều và người dân hoàn toàn không biết về sự tàn phá khủng khiếp liên quan đến việc sản xuất thực phẩm và những thứ mình mua. Thứ khiến ta không nhận ra điều này chính là tiền. Nếu chúng ta phải tự sản xuất thực phẩm, chúng ta sẽ không lãng phí một phần ba nó như chúng ta làm ngày hôm nay. Nếu chúng ta tự làm bàn ghế, chúng ta sẽ không dễ dàng ném nó đi. Và nếu chúng ta phải tự làm sạch nguồn nước uống của chúng ta, chúng ta sẽ sử dụng tiết kiệm và không làm bẩn nó”. Với Mark, tiền chính là nguyên nhân khiến con người ỷ lại, cơ giới và ích kỉ.
Với suy nghĩ như vậy, Mark đã thành lập tổ chức Freeconomy – một tổ chức cổ vũ lối sống không tiền, không thẻ tín dụng. Tổ chức ban đầu chỉ là một trang web chia sẻ kĩ năng thích nghi với cuộc sống không tiền, hòa hợp với thiên nhiên. Giờ đây, tổ chức này đã có trên 25.000 thành viên trên 150 quốc gia trên thế giới. “Có người bảo tôi là kẻ đạo đức giả, tại sao tôi không ngừng luôn cả việc sử dụng máy tính đi. Nhưng tôi muốn có máy tính để có thể giao lưu, chia sẻ những suy nghĩ với những người cùng suy nghĩ hoặc muốn tìm hiểu về cuộc sống của tôi. Tôi muốn mọi người đừng thờ ơ với những gì nghiêm trọng đang xảy ra trên hành tinh này”.
“Mọi người thường hỏi liệu tôi có nhớ về thế giới cũ không… căng thẳng, ùn tắc giao thông, báo cáo ngân hàng, các loại hóa đơn… Tại sao tôi phải nhớ về những điều đó? Giờ đây, trải nghiệm cuộc sống không tiền, tôi không bao giờ muốn quay trở lại với cuộc sống trước đây”.
Nhưng tiền không phải là điều duy nhất anh phải từ bỏ. Anh mới chia tay bạn gái từ thời đi học của mình. “Cô ấy ủng hộ nhưng không muốn làm mọi thứ với tôi. Vì thế sau sáu tháng tôi đã chia tay cô ấy… Đây quả là quyết định khó khăn với tôi nhưng tôi muốn gắn kết đời tôi với người cũng sẵn sàng với cuộc sống này”. Anh không biết chắc trái tim cô đơn của mình liệu có tìm được người sưởi ấm không vì anh “không tiền, không xe, không sự nghiệp, không nước nóng”. Nhưng anh vui vẻ bật mí về mình: “Tôi khá đẹp trai, tôi có nhân phẩm tốt đẹp và khá nóng bỏng”.
Nếu như cái mà Robinson hướng tới khi đối xử với tự nhiên là sự chinh phục thì hai trăm năm sau, với Mark Boyle là sự hòa hợp. Hai thời đại khác nhau, hai thái độ sống đều thật đáng cho chúng ta suy ngẫm.
Thu Hương
*Bài đăng trên ấn phẩm phụ báo ĐSPL.