Theo VTC, bệnh nhân vừa được cấp cứu là anh P.H.B (34 tuổi, trú tại TP. Hồ Chí Minh), nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, nôn ra dịch dạ dày lẫn thức ăn nhiều lần, cảm giác khó thở, tức ngực, nổi nhiều mẩn đỏ trên da, hai mắt sung huyết.
Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn (nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng) chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ độ 2 do thức ăn.
Do được cấp cứu và xử trí kịp thời hiện sức khỏe bệnh nhân đã dần ổn định, không còn nôn, khó thở, các mẩn đỏ giảm dần. Sau khi tỉnh dậy, bệnh nhân cho biết trước đây anh đã từng nhiều lần ăn các món chế biến từ thịt ba ba nhưng không bị dị ứng như lần này, báo Infonet thông tin thêm.
Theo các chuyên gia y tế, thịt ba ba tuy giàu chất dinh dưỡng, có tác dụng điều trị nhiều bệnh như lao phổi, khí hư, ốm yếu. Nhưng cũng như nhiều thực phẩm khác đều có thể gây dị ứng. Đặc biệt thực phẩm có nguồn gốc động vật có nguy cơ gây dị ứng cao hơn thực phẩm có nguồn gốc thực vật, đặc biệt đối với những ở người có cơ địa dị ứng.
Đa số các trường hợp ngộ độc, dị ứng là do ăn phải các loại thịt ba ba chết, thịt ba ba không được chế biến đúng cách gây ngộ độc và dị ứng cho cơ thể người. Khi ba ba còn sống, cơ thể chúng sẽ tự đào thải độc tố ở trong ruột ra ngoài, nhưng khi chết đi hoạt động này bị ngưng trệ, dẫn đến việc ăn phải thịt ba ba độc. Ngoài ra, khi ba ba chết, các thành phần đạm, acid amin trong thịt sẽ chuyển hóa thành chất amin, gây ngộ độc cho người ăn.
Minh Hoa (t/h)