Đời lang bạt kỳ hồ
Những ngày đầu năm Quý Tỵ, chúng tôi có cơ duyên gặp Phú Thảo ở TP.HCM. Mặc dù gia đình sinh sống ở Long An nhưng anh lại rong ruổi khắp nẻo đường của Tổ quốc. Dáng vẻ phong trần, lãng tử với mái tóc dài, bộ ria rậm và nước da ngăm đen vì sương gió, Phú Thảo vung kéo như múa trước những đôi mắt hiếu kỳ. Với anh, tết xa nhà chỉ là chuyện thường tình. Anh bảo: "Đời mình gắn với việc đi nên cứ phải nay đây mai đó, nó vừa là thú vui vừa là đặc thù công việc".
Phú Thảo đang cắt bóng cho một vị khách.
Đợi mãi thì "kỷ lục gia" cắt hình bóng nhanh nhất Việt Nam mới bớt khách và có thời gian trò chuyện với chúng tôi. Sinh năm 1973, nhưng trên gương mặt Phú Thảo đầy những nét phong trần. Đôi mắt anh long lanh khi kể chuyện đời cho chúng tôi nghe. Anh nói: "Từ nhỏ, do có máu nghệ sỹ thừa hưởng từ cha mẹ nên tôi rất thích vẽ vời, đàn hát. Nhưng thời đó cha mẹ bắt tôi phải theo nghiệp con chữ để thành người trí thức. Tôi không chịu nên tìm cách trốn tránh. Riết rồi ông bà phải gửi tôi đi học nghề, từ thợ bạc cho tới sửa xe rồi thủ công mỹ nghệ. Thật sự tôi không hợp nghề nào, tôi muốn tự kiếm một nghề mà tôi ưa thích nhưng lại sợ ba mẹ rày la. Cuối cùng tôi quyết định bỏ nhà đi bụi".
Quyết định bỏ nhà đi bụi cũng chính là một cách tìm đến những giá trị đích thực của Phú Thảo. Khi anh ra đi, cha mẹ anh không những không la mà còn cho anh một chiếc xe đạp và năm phân vàng. Khi lên tới Sài Gòn, Phú Thảo đã cầm cố những thứ ấy để đi theo tiếng gọi của nghệ thuật. Anh kể: "Năm ấy là năm 1986, lúc đó tôi 16 tuổi. Khi tình cờ vào Thảo cầm viên chơi, tôi thấy có người cầm kéo cắt hình giống người mẫu quá, mình thấy mê. Cuối cùng tôi theo học và chỉ sau nửa tháng là đã có thể cắt thành thạo. Sau một tháng, tôi tự đi làm rồi chuộc lại đồ đạc. Tôi khi về nhà trình bày công việc với ba mẹ thì ông bà cũng ủng hộ hết mình. Sau đó, tôi trở lại thành phố làm được 2 năm thì bắt đầu rong ruổi khắp nơi".
Cuộc đời Phú Thảo bắt đầu có những dấu son và cả sự truân chuyên. Ngày xưa không có nhiều sự kiện được tổ chức, không có hội chợ, vì vậy Phú Thảo chỉ đi theo các lễ hội. Anh tâm sự: "Có chỗ đông khách thì dư dả, có chỗ thì không làm được. Khi hết tiền, tôi phải làm đủ nghề, phụ hồ rồi trồng cây, cuốc đất để có kinh phí để đi tiếp. Có chỗ làm thì êm xuôi, có chỗ tôi vào thì bị người ta đuổi ra ngoài. Nhưng nhờ những cuộc rong ruổi như vậy mà tôi có cơ hội quen biết nhiều nghệ sỹ lang thang. Nhiều người trong số đó về sau rất nổi tiếng. Hơn nữa cuộc sống lang bạt cho tôi nhiều trải nghiệm từ việc giao tiếp với dân bản xứ, đến cách ứng xử sao cho tới đâu họ cũng mến, họ cũng yêu. Muốn hành nghề phải thích nghi với môi trường, phải ổn định chỗ ăn ở thì mới chuyên tâm được".
Cái máu lang bạt của Phú Thảo còn thể hiện cả trong sáng tác. Phú Thảo tôn trọng khách nhưng khi làm một tác phẩm nghệ thuật cho khách thì khách lại phải theo ý của anh. Anh cho biết: "Nếu làm với tôi thì phải tin tưởng tôi. Tôi đã làm thì phải phiêu lưu. Tôi đưa ra ý tưởng để khách duyệt, thích thì làm chứ khách bảo mình phải làm thế này thế kia mình không làm được vì có theo ý mình thì mới có sáng tạo, tìm tòi mới có tác phẩm đẹp”. Có những công trình rất lớn, như hội kiến trúc mời anh nhưng anh không làm vì sợ trách nhiệm, anh chỉ thích làm theo cảm xúc. Dự định của Phú Thảo trong năm tới là tới thăm Singapore và Malaysia. Ở đây, anh muốn rong ruổi như ở Việt Nam, muốn lang thang từng con phố và múa kéo cho người xem.
Dáng vẻ phong trần của gã lãng tử Phú Thảo.
Chuyên gia lập kỷ lục
Để đến với danh hiệu "Kỷ lục gia" cắt hình bóng nhanh nhất Việt Nam, Nguyễn Phú Thảo đã có một cuộc thách đấu. Trước đó người giữ kỷ lục cắt hình bóng nhanh nhất là họa sĩ Vũ Anh với thành tích 23 giây cắt được một hình. Phú Thảo đã vượt qua kỷ lục ấy để xác lập một kỷ lục mới chưa từng có là 13 giây một hình. Điều này chứng tỏ khả năng hình tượng trác tuyệt của anh. Anh cho biết: "Trăm hay không bằng tay quen". Tôi trẻ hơn người ta và tôi cũng đã có một khoảng thời gian rất lâu làm công việc này. Hơn nữa lại đi nhiều nơi, có những sự kiện khách yêu cầu rất đông, thành thử tôi phải đẩy nhanh tốc độ, lâu dần thành quen". Việc đạt được kỷ lục ấy với anh chứng tỏ bản lĩnh của một nghệ sỹ đầy đam mê.
Nhưng dường như kỷ lục ấy vẫn không làm Phú Thảo hài lòng. Anh cho rằng việc đi sau người khác giống như một cái bóng thì chẳng có gì hay ho. Thế nên anh lại nghĩ cách để làm mới mình và làm mới nghệ thuật. Anh tìm cách để tạo ra nghệ thuật bằng sự cảm nhận, bằng trí nhớ và tình yêu. Đêm đêm, anh lấy kéo, lấy giấy ra để luyện ngay trong bóng tối. Chẳng lâu sau, người ta phải ngỡ ngàng vì Phú Thảo lại biểu diễn kỹ năng bịt mắt cắt bóng. Người nghệ sỹ tài hoa ấy lại lập kỷ lục: "Người bịt mắt cắt bóng nhanh nhất, nhiều nhất".
Ngoài ra, với loại hình cắt hình bóng, Phú Thảo còn khiến nhiều người kinh ngạc khi liên tiếp là: Người cắt hình bóng cho nhiều người nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất; Người cắt hình bóng liên tục trong nhiều giờ nhất...
Đối với người đàn ông đa tài này, việc chinh phục những kỷ lục tưởng như đơn giản. Ngoài các kỷ lục về cắt hình bóng, Nguyễn Phú Thảo còn nổi danh với biệt tài viết thư pháp trên hạt gạo. Nhiều người viết thư pháp trên giấy đã khó, đằng này Phú Thảo viết được trên cả hạt gạo mà hình hài của chữ vẫn nguyên vẹn quả là điều khó tin. Phú Thảo cho biết: "Mới đầu chỉ là loại hình cắt hình bóng, nhưng về sau do yêu cầu của khách là cần có một số chữ nên tôi phải mày mò học thư pháp. Tôi học chữ thư pháp cũng khá nhanh. Nhưng dường như với tôi, không có cái gì là hài lòng cả, tôi muốn tạo sự độc đáo khác biệt. Thế là tôi lại luyện cách viết trên những vật rất nhỏ hoàn toàn bằng mắt thường và tôi đã làm được".
Tuy lập nhiều kỷ lục nhưng đó chưa phải là điều mà Phú Thảo tự hào nhất. Anh cho rằng nghệ thuật thì không có sự hoàn mỹ bởi thế điều mà anh tự hào nhất chính là con người phong trần của anh, là khoảng thời gian bôn ba đường đời. Chị Đỗ Thiên Hương, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tạo nghệ thuật thuộc Trung tâm UNESCO cho biết: "Làm việc với anh Thảo chưa bao giờ tôi phải lo nghĩ điều gì. Cứ việc gì cần mà anh Thảo đã đồng ý là tôi yên tâm. Vì anh Thảo sống rất uy tín, luôn giữ lời hứa, đúng hẹn đúng giờ. Và cái quan trọng nhất là một khi anh Thảo đã nhận làm là làm hết mình, không đắn đo suy nghĩ. Tuy Phú Thảo tài thế nhưng anh chưa bao giờ khoe khoang, nếu lỡ có lần đụng những người cùng ngành nghề trong một hội hè, lúc nào anh cũng sẵn sàng rút lui nhường sân chơi cho họ".
Không ngủ quên trên những thành công, anh lại bắt đầu một trang mới. Sau một sự kiện của một đạo diễn truyền hình, họ yêu cầu Phú Thảo tìm thêm một loại hình nghệ thuật mới. Họ gợi ý cho anh là vẽ tranh cát trong khi anh thì chưa hề biết một chút gì về nó. Nhưng Phú Thảo luôn cho rằng không có gì là không thể nên anh bắt đầu lên mạng tìm tòi. Chỉ sau hai ngày, anh đã có thể vẽ được bức tranh cát như những họa sỹ thực thụ.
Sau sự kiện hết sức thành công ấy, Phú Thảo dự định sẽ bắt đầu nghiên cứu và cho ra một sản phẩm mới. Anh cho biết: "Tôi bắt đầu cảm thấy thích thú với vẽ tranh cát. Nó là một cách diễn tả nhanh nhất, trừu tượng nhất và rất truyền cảm một quá trình, một sự kiện nào đó. Tôi dự định qua tết sẽ đầu tư tìm hiểu và cho ra những tác phẩm mới nhất phục vụ công chúng".
Cần một sân chơi Chia sẻ những khó khăn trong nghề, Nguyễn Phú Thảo cho biết: "Điều những người làm nghệ thuật cần nhất là một sân chơi, một nơi để sinh hoạt trao đổi. Với loại hình cắt bóng này tôi cũng muốn có một đơn vị tài trợ tìm kiếm sự kiện cũng như tạo điều kiện cho chúng tôi mở lớp đào tạo. Trong khi báo chí, truyền hình đã có những bài viết về cái tài của chúng tôi nhưng thực tế còn rất nhiều khó khăn trong vấn đề gìn giữ những khả năng ấy. Bởi về cơ bản, loại hình nghệ thuật cần phải được dân chúng hiểu và đón nhận. Khi ấy, giá trị nghệ thuật của loại hình đó mới thực sự được khẳng định". |
Hoàng Minh