Trái tim không tàn tật
Đang đi trên triền đê tả ngạn sông Hồng chúng tôi gặp nhóm người dân trò chuyện với nhau về người đàn ông có "biệt tài" chữa bệnh nan y. Họ vừa kể vừa chỉ tay vào ngôi nhà cấp bốn nơi có đông người ra vào. Trong nhà một người đàn ông đang cần mẫn châm cứu cho người bệnh. Đến chiều tối, khi ông Tiến vãn khách chúng tôi mới có dịp chuyện trò cùng ông. Không được như bao người khác, suốt mấy chục năm qua ông Tiến chưa bao giờ đứng thẳng được bởi từ nhỏ ông đã bị một trận ốm "thập tử nhất sinh" dẫn đến gù lưng.
Những bước đi nặng nhọc, khó khăn của ông do lưng gù.
Ngồi trên ghế, ông Tiến gật gù kể về cuộc đời kém may mắn và đầy sóng gió của mình. Ông sinh năm 1955 trong một gia đình có đến 9 anh chị em ở một vùng quê nghèo Tam Nông của tỉnh Phú Thọ. Tuy cuộc sống khó khăn nhưng ngay từ nhỏ ông là người rất ham học nên được gia đình nuôi ăn học đầy đủ. Tuy nhiên, cuộc đời ông phải rẽ sang hướng khác khi đang theo học lớp 10 thì mắc phải một căn bệnh quái ác khiến ông bị đau nhức toàn thân, không thể đi lại được.
Dù được gia đình đưa đi chữa trị nhiều nơi nhưng mọi cố gắng đều trở nên vô ích, các bác sỹ kết luận ông bị bệnh lão hóa cột sống. Sau một thời gian chữa trị nhưng căn bệnh của ông vẫn không hề thuyên giảm và gia đình đã đưa về nhà tìm cách chữa trị khác. Từ khi mắc căn bệnh, ông không đi lại được, đặt đâu nằm đó. Mỗi khi trái nắng trở trời, ông lại bị những cơn đau dữ dội hành hạ khiến ông nghĩ cuộc đời mình coi như chấm hết.
Một thời gian sau, ông nghe một số người mách bảo có vị lương y châm cứu chữa bệnh rất giỏi (quê ở Lâm Thao, Phú Thọ) có thể chữa khỏi bệnh của ông. "Còn nước còn tát", ông bảo bố mẹ đưa mình đến điều trị. Sau 2 năm chữa trị với sự phấn đấu nỗ lực của bản thân ông đã khỏi bệnh nhưng lưng ông teo lại và không thể đứng thẳng như trước nữa. Nhưng với ông, đó vẫn là một niềm hạnh phúc bởi một lần nữa được bước đi bằng chính đôi chân của mình.
Trong suốt 2 năm chữa bệnh, ông chịu khó học hỏi và đã học được một số phương pháp châm cứu của người thầy. Sau đó ông vừa học vừa làm 6 tháng, có được chút kinh nghiệm và học thêm sách vở về phương pháp châm cứu. Ông bắt đầu chữa trị tại nhà. Với phương pháp châm cứu hiệu quả, tay nghề của ông ngày càng điêu luyện, nhiều người ở khắp mọi nơi tìm đến ông chữa trị.
Đánh giá về việc chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu của ông Tiến, bác sỹ Đỗ Hữu Xạ, Trưởng trạm y tế xã Hương Nộn chia sẻ: "Phương pháp châm cứu chữa bệnh của ông Lại Đức Tiến đã chữa được nhiều căn bệnh như sụp mi mắt, tai biến dẫn đến bại liệt... Bản thân ông Tiến là người tật nguyền, trước đây cũng mắc bệnh nan y và được chữa khỏi nên bệnh nhân rất tin tưởng. Y tế địa phương cũng tạo điều kiện giúp ông chữa bệnh cho mọi người".
Ông Tiến đang châm cứu cho chị Lê Thị Anh bị sập mi mắt.
Khi bệnh nhân tự nguyện xin... làm vợ
Nhắc đến chuyện cuộc đời mình, ông Tiến kể lại: "Với thân hình như tôi có mơ tôi cũng không nghĩ mình sẽ có vợ, càng không nghĩ có người phụ nữ dám lấy mình làm chồng". Thế nhưng, ai cũng cảm phục câu chuyện tình của ông với hai người phụ nữ mà ông đã chung sống hạnh phúc 20 năm qua.
Ông Tiến nhớ lại, cách đây hơn 30 năm, ông có chữa trị cho một bệnh nhân nữ bị hỏng mắt khi người phụ nữ ấy mới 19 tuổi. Đó là cô Phạm Thị Điền, sinh năm 1959 (Việt Trì, Phú Thọ). Trước khi tìm đến ông Tiến chữa bệnh, gia đình cô Điền đã đưa cô đi chữa trị ở nhiều nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Với lòng nhiệt huyết, tận tình, hơn một năm sau châm cứu, đôi mắt của cô Điền đã sáng trở lại. Niềm hạnh phúc vô bờ bến không gì có thể tả được, cô Điền rất biết ơn, cảm phục và trái tim đã rung động trước vị thầy thuốc tật nguyền. Năm 1978, hai người đã nên nghĩa vợ chồng, sinh hạ được hai trai một gái.
Đến năm 1989, một ca bệnh nặng khác đến tìm ông chữa trị, đó là chị Nguyễn Thị Tới, sinh năm 1970, cũng ở Việt Trì, Phú Thọ. Do bị thần kinh tọa, người phụ nữ xinh đẹp ấy đã bị liệt nửa người không thể đi lại được. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì, sau hai năm chữa trị tại nhà ông Tiến, chị Tới đã bình phục hoàn toàn. Và một lần nữa người con gái này cảm phục, rung động trước ông và tình nguyện làm vợ mặc dù ông đã có gia đình. Do đã có vợ con nên ông Tiến từ chối, thế nhưng gia đình cô gái rất khó khăn, cô gái ấy lại có tình cảm sâu đậm với ông và rất cần sự chăm sóc chữa bệnh của người đàn ông đã cứu mình. Trước tấm chân tình của cô gái, ông Tiến đã không thể từ chối...
Bố nuôi của hàng chục người con
Ông Tiến không nhớ nổi mình đã chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu nữa, chỉ biết rằng ngày nào nhà ông cũng có 20 - 30 người từ khắp miền Bắc đến châm cứu, có người ở tận vùng cao Lai Châu, Lào Cai, rồi Quảng Ninh, Hải Phòng..., nghe danh cũng tìm đến ông chữa bệnh, những người ở xa ông cho ở nhờ nhà mình luôn mà không hề tính toán.
Cần mẫn suốt ngày đêm chữa trị chăm lo cho người bệnh như một người bạn tri ân, tri kỷ hơn 40 năm qua nhưng đến nay ông Tiến vẫn chưa có nổi một ngôi nhà tử tế để ở. Hỏi ra mới biết số tiền công chữa bệnh ông nhận của bệnh nhân rất ít, chỉ đủ nuôi sống gia đình qua ngày, thậm chí gia đình nào nghèo ông không lấy tiền công mà còn cho thêm tiền đi lại. Ông Tiến nói: "Niềm vui sướng hạnh phúc nhất của tôi là chữa trị khỏi bệnh cho bệnh nhân, tôi cũng đã một thời bị bệnh như họ!".
Số lượng bệnh nhân đến chữa trị ngày càng nhiều, ông quyết định xây một phòng nhỏ cho những người nơi xa ở lại chữa trị dài ngày. Bằng phương pháp hiệu quả ông có thể chữa các loại bệnh như: Viêm não, sụp mi mắt, tai biến dẫn đến... Ngoài ra, có rất nhiều người khi khỏi bệnh nhận ông làm bố nuôi, ông đếm các đốt trên ngón tay cũng đến hơn hai chục người.
Mặc dù, có đến sáu người con nhưng ông sống đúng với vai trò là một người chồng, người cha mẫu mực. Ngồi bên cạnh ông Tiến, chị Nguyễn Thị Tới ngượng ngùng tâm sự: "Ngày ấy, sau khi được chữa lành bệnh tôi đã đề nghị được về sống chung để chăm sóc anh ấy nhưng anh sợ tôi thiệt thòi nên kiên quyết từ chối. Bẵng đi một thời gian sau đó, khi anh ấy hiểu hết về hoàn cảnh gia đình tôi thì anh mới dám mạnh dạn hỏi cưới tôi. Đến bây giờ tôi vẫn thấy mình thật may mắn".
Để cuộc sống bớt khó khăn, ông Tiến dần tích góp vốn và mua một căn nhà nhỏ cho bà Điền sinh sống và chăm sóc con cái ở TP.Việt Trì. Hiện tại, ông đang ở cùng chị Tới và nuôi dạy ba con nhỏ đang tuổi đến trường. Người dân nơi đây vẫn thường thấy đại gia đình của ông Tiến quây quần, hạnh phúc bên nhau vào những ngày cuối tuần. Họ bảo: Đó là tấm lòng, tình cảm của những trái tim khuyết tật.
Tiếp xúc với ông Tiến mới thấy được cái tài ăn nói pha chút hài hước của ông khiến nhiều người phải cuốn hút. "Tình cảm của tôi với bà Điền và cô Tới là sự đồng cảm của những trái tim. Tôi rất trân trọng tình cảm của họ" - ông Tiến cười vui vẻ. |
Cao Tuân