Hơn 10 năm nay, nếu không có việc đột xuất hoặc bệnh tật ập đến bất ngờ thì mỗi tuần cứ vài lượt sáng, chiều ông Sáu lại mang trạm phát thanh “lưu động” chạy khắp ấp An Quới để truyền, phát tin (văn bản, thông báo của ấp, xã, huyện, tỉnh,…) đến người dân.
Trước kia, xã Mỹ An Hưng B có một máy truyền thanh nhưng âm lượng chỉ đến được bốn ấp, riêng ấp An Quới vì quá xa nên bà con thường mù tịt các thông tin thời sự. Những lần họp dân, thông báo của chính quyền các cấp bà con đều không nắm bắt kịp thời để thực hiện theo.
Khi còn trẻ, ông Sáu làm việc tại đội văn phòng, hội nông dân của ấp nên càng hiểu rõ những thiệt thòi của bà con, xóm làng khi không biết thông tin từ chính quyền.
Năm 2001, ông Sáu về hưu, đội thuế mượn tạm nhà ông để làm điểm thu thuế nông nghiệp. Sau đó đội gửi lại loa phát thanh và amply. Hằng ngày, ông luôn “chạm mặt” hai vật dùng để truyền âm này, niềm khao khát mang thông tin đến với bà con ngày một lớn.
Ngày nọ, ông chợt sáng kiến lập một trạm truyền thanh ấp ùa đến trong suy nghĩ của ông. Ý tưởng này ngay sau đó được ấp, xã phê duyệt nhằm góp phần “phổ cập” kịp thời thông tin thời sự đến với bà con để giúp ấp ngày càng phát triên. Từ đó, trạm truyền thanh đầu tiên của tỉnh tại đình thần xã Mỹ An Hưng B ra đời.
Tuy nhiên, trạm truyền thanh “tạm bợ” này chỉ truyền âm thanh trong bán kính 500 mét. Thế là những nơi xa hơn, ông mang theo loa rời, micro, đạp xe đến từng đoạn đường và đọc lại những bản tin, thông báo của chính quyền cho tất cả bà con được nắm vững.
Đều đặn, mỗi ngày ông bỏ ra hơn một tiếng đồng hồ chạy xe đạp rong ruổi khắp ấp nghèo mà không đòi hỏi tiền lương hay tiền bồi dưỡng gì. Lúc đầu, nhiều người biết chuyện còn nghĩ ông là người dở hơi, vô công rỗi nghề khi “ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng”.
Tuy nhiên, với sự bền bỉ, kiên trì và lòng yêu nghề vẫn cháy bỏng, bà con ấp dần dần quen thuộc và yêu mến cái giọng nói trầm ấm của ông lão ở cái độ tuổi thất thập cổ lai hy này.
Nhờ vậy, những buổi họp dân, phổ cập kiến thức nông nghiệp,… bà con đều kịp thời nắm bắt và đến tham dự đầy đủ. Những thông báo của các cấp chính quyền người dân cũng dễ dàng biết rõ chứ không còn phải đợi người này truyền tai người kia như trước.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Sáu thường cười để lộ hàm răng không còn cái nào của mình. Ông tâm sự: “Cũng nhờ đọc những tin tức như vầy mà tôi biết và quen thân nhiều người trong ấp hơn. Những lúc trái gió trở trời tôi không đi làm được thì bà con thường hay hỏi thăm, tặng đường sữa để tôi mau bình phục. Cả đời mình chỉ cần vậy là vui lắm rồi. Giờ tôi thấy yêu nghề này lắm, tôi sẽ làm đến khi mình không còn đủ sức đạp xe nữa”.
Lộc Bình