Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) vừa tiếp nhận cấp cứu cho một nam bệnh nhân bị chó cắn. Tuy nhiên, vào thời điểm nhập viện các bác sĩ cũng choáng váng vì vết thương chó cắn gây ra quá trầm trọng, băng vết thương vùng cổ của nạn nhân thấm đẫm máu, bệnh nhân sốc mất máu nguy kịch.
Trước đó, bệnh nhân nam 49 tuổi (Thanh Xuân, Hà Nội) nhập viện sau khi bị chó béc giê tấn công. Người đàn ông này bị cụt chân phải do từng bị tai nạn giao thông nên phải di chuyển bằng nạng. Khi thấy 2 con chó nhà cắn nhau, anh cầm nạng đánh để can ngăn, thấy vậy, cả 2 con chó quay lại cắn chủ vào vùng cổ.
Khi bị cắn, bệnh nhân rơi vào tình trạng máu chảy rất nhiều từ vết thương, được đưa vào sơ cứu cầm máu tại bệnh viện gần nhà rồi chuyển thẳng đến bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sau gần 3 tiếng.
Theo bác sĩ Dương Ngọc Thắng - khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực cho biết, bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốc rất nặng do mất máu cấp, hôn mê sâu, huyết áp và mạch ngoại vi không đo được, băng vết thương sũng máu. Qua kiểm tra có 2 vết thương ở vùng cổ bên phải, mép nham nhở - nằm trên đường đi của bó mạch cảnh (mạch máu chính nuôi não) đang tiếp tục chảy máu.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân sốc mất máu rất nặng và rối loạn đông máu do vết thương cổ phải và được đưa thẳng vào phòng mổ cấp cứu.
Lúc này, các bác sĩ phát hiện động mạch cảnh phải của bệnh nhân bị vết thương giập nát, nham nhở trên suốt đoạn dài 5cm, tới tận sát góc hàm, vết thương động mạch đốt sống phải. Điều đó có nghĩa bị tổn thương cả 2 động mạch chính nuôi não ở bên cổ phải.
Các bác sĩ đã tiến hành cắt đoạn động mạch cảnh tổn thương, ghép bằng tĩnh mạch hiển tự thân, khâu cầm máu động mạch đốt sống.
Tuy nhiên, do sốc quá nặng trước mổ, mất tri giác và hôn mê sâu, rối loạn đông máu nặng với tiểu cầu còn 12.000 (bình thường là 150.000), không còn khả năng điều trị, nên gia đình đã xin đưa bệnh nhân về nhà sau ca phẫu thuật.