Bác sĩ Nguyễn Thị Cảnh, Trưởng Đơn nguyên Cấp cứu của Bệnh viện đa khoa Thạch Thất (Hà Nội), cho biết thời điểm nhập viện bệnh nhân đã ngừng tim, ngừng thở.
Sau khi cấp cứu ngừng tuần hoàn thành công, bệnh nhân được chuyển tuyến điều trị tiếp. Tại đây, hình ảnh cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân có xuất huyết não. Bệnh nhân tử vong sau đó.
Lãnh đạo Bệnh viện Thạch Thất cho biết, thời gian gần đây Bệnh viện liên tục tiếp nhận ca bệnh phản vệ do ong đốt từ mức độ vừa đến mức độ nguy kịch.
Gần đây nhất là vào ngày 5/10, Đơn nguyên Cấp cứu tiếp nhận 5 ca phản vệ do ong đốt, nguyên nhân do đốt phá vỡ tổ ong (không rõ loại). Trong số 5 bệnh nhân nhập viện điều trị, bệnh nhân nặng nhất có biểu hiện phản vệ độ 2, đau nhiều tại vị trí ong đốt , tức ngực, đau đầu.
Các bệnh nhân đều được xử trí theo phác đồ phản vệ tuỳ theo mức độ và chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực điều trị. Hiện sức khỏe các bệnh nhân đều dần ổn định.
Bác sĩ Cảnh cảnh báo, các loại ong như ong vò vẽ, ong bắp cày thường là loài có độc tính cao. Khi bị ong đốt, cần đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất khi có các dấu hiệu sau: vết đốt nhiều (trên 10 nốt), bị ong vò vẽ, ong bắp cày, ong mật hoặc một số ong chưa rõ loại (ở các vùng rừng núi) đốt.
Hoặc khi nạn nhân có các biểu hiện như: đau nhiều, sưng nề nhiều vùng bị đốt, mẩn ngứa, nổi mề đay, khó thở, mệt, tiểu đỏ, tiểu ít... cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất. Nạn nhân bị ong đốt có thể bị sốc phản vệ, đây là một cấp cứu cần được xử trí nhanh, kịp thời vì rất dễ dẫn đến tử vong do suy hô hấp cấp và tụt huyết áp.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Tp.HCM, cho biết nếu bị ong đốt, lấy vòi chích ra nếu có bằng cách khều nhẹ, dùng nhíp lấy ra, tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra. Nạn nhân cũng cần được rửa sạch vùng bị đốt bằng xà phòng và nước ấm, đắp băng lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng. Cần đưa nạn nhân đến viện nếu có các biểu hiện như trên.
Lưu ý, để phòng tránh ong đốt, chúng ta nên:
-Tránh tiếp xúc với ong, không kích động hoặc chọc phá tổ ong. Khi ong bay đến, không chạy, nên đứng hoặc ngồi im không cử động.
- Thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà. Khi ong vào nhà làm tổ cần phát hiện sớm tổ ong và phá bỏ nếu ở nơi đông người, nơi nhiều người đi lại hoặc trong hộ gia đình. Nên phá ngay khi tổ mới xây (thường tháng 3-4)
- Khi đi vào rừng, đi dã ngoại cần tránh mặc quần áo sặc sỡ. Không dùng nước hoa, dầu gội đầu, mỹ phẩm… có mùi thơm và ngọt. Không đi chân đất, không mặc quần áo quá rộng, đội mũ có lưới che, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín.
- Nếu bị ong tấn công có thể dùng bất cứ loại bình xịt nào có mùi khó chịu hoặc dùng khói để xua đuổi. Để loại bỏ tổ ong nên dùng khói, bình xịt côn trùng xua ong đi hết sau đó dùng lưới mắt nhỏ hoặc màn bọc tổ ong gỡ đi. Người thực hiện cần mặc quần áo dày, áo mưa (loại nhựa dày) đi găng và đầu đội mũ kín.
Minh Hoa (t/h theo VietNamNet, VTV)