Người đàn ông xưng “Tiến sĩ, làm ở VTV ” chửi bới tại chốt kiểm soát sẽ đối diện án phạt nào?

Người đàn ông xưng “Tiến sĩ, làm ở VTV ” chửi bới tại chốt kiểm soát sẽ đối diện án phạt nào?

Nguyễn Thị Thúy

Nguyễn Thị Thúy

Thứ 2, 16/08/2021 20:02

Lăng mạ và chống đối lực lượng kiểm soát phòng chống dịch Covid-19, người đàn ông tự xưng “tao là VTV,” có thể đối diện với việc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngày 16/8, trên mạng xã hội lan truyền clip một người đàn ông đi xe máy, không đội mũ bảo hiểm và không đeo khẩu trang, định vượt chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 vào trong khu đô thị tại Hà Nội. Theo nội dung clip, người đàn ông này có biểu hiện say xỉn. Khi bị lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát yêu cầu kiểm tra giấy tờ, người đàn ông đã có hành vi chống đối và xúc phạm lực lượng chức năng.

Không dừng lại ở đó, người này còn tự xưng "tao là VTV, tao là tiến sĩ đấy...". Khi lực lượng chức năng yêu cầu xuất trình giấy tờ liên quan, người đàn ông đã lấy một tập giấy tờ ném xuống đất, rồi sau đó lên xe bỏ chạy.

Góc nhìn luật gia - Người đàn ông xưng “Tiến sĩ, làm ở VTV ” chửi bới tại chốt kiểm soát sẽ đối diện án phạt nào?

Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh).

Dưới góc nhìn của chuyên gia pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh) cho rằng: Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, cùng với những cán bộ, nhân viên y tế nơi tuyến đầu là các lực lượng công an, quân đội... đảm đương trọng trách như tấm lá chắn đầu tiên ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các lực lượng này cũng có thể được xếp vào nhóm đối tượng “dễ bị tổn thương” nhất trong dịch bệnh. Họ không những là những người có nguy cơ mắc bệnh cao mà còn bị chính cách hành xử không đúng chuẩn mực của những cá nhân xem thường pháp luật, xem thường công cuộc phòng chống dịch của cả nước. Chính vì thế mà chúng ta cần phải tôn trọng và xử lý nghiêm các hành bạo lực, xúc phạm lực lượng nơi tuyến đầu này.

Theo quan điểm của luật sư Diệp Năng Bình: Qua nghiên cứu clip và thông tin báo chí nêu, có thể dựa vào các quy định của pháp luật sau đây để xử lý vi phạm của người đàn ông trong clip:

Thứ nhất, căn cứ Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định về xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Tùy nồng độ cồn mà có mức phạt từ 2.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

Thứ hai, hiện nay Hà Nội đang thực hiện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nghĩa là người dân không ra đường khi không có việc cần thiết. Bên cạnh đó thì Hà Nội còn có các quy định riêng như phải có Giấy đi đường do cơ quan cấp. Như vậy, với hành vi không tuân thủ, không áp dụng các biện pháp chống dịch, không tham gia chống dịch sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 12  Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Thứ ba, theo quy định tại khoản 2 và 3 Điều 20 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình. Theo đó, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: “a) Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;…”

Hoặc bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sau đây: “Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ...”.

Luật sư Bình còn cho biết thêm: Ngày 30/3/2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC hướng dẫn về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhằm kịp thời góp phần phòng, chống dịch bệnh hiện nay. Theo đó, người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330, BLHS.

Dưới góc độ tâm lý, Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Minh - Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, có thể người đàn ông khoe “tao là VTV, tao là tiến sĩ” tức là muốn cho người khác biết bản thân ông này cũng là một người có địa vị, có giá trị trong xã hội, giỏi giang, có quan hệ, để được người khác nể mặt, được tạo điều kiện. 

“Khi con người ta rơi vào một tình huống, đối với họ lúc này đơn giản chỉ là muốn tìm một giải pháp nào đó để tháo gỡ, để giải quyết được vấn đề một cách nhanh nhất. Lúc này, họ chỉ nghĩ được đến thế chứ không hề nghĩ được hậu quả đằng sau câu chuyện này là gì?", Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh nhìn nhận.

Chiều 16/8, Công an huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết, hiện đã xác định danh tính người đàn ông định thông chốt kiểm soát dịch bệnh. Người này được xác định là Nguyễn Đ (38 tuổi, hộ khẩu thường trú tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP Hà Nội). Anh này hiện sống tại tổ dân phố số 4 Khu đô thị Đặng Xá và làm Giám đốc marketing một công ty.

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.