Chiều 30/10, tại trụ sở UBND huyện Sóc Sơn, Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng UBND huyện Sóc Sơn, MTTQ huyện Sóc Sơn,… tổ chức đối thoại với nhân dân 3 xã (Bắc Sơn, Nam Sơn, Hồng Kỳ) trong vùng bị ảnh hưởng môi trường từ Khu liên hợp Xử lý chất thải Sóc Sơn để giải quyết những vấn đề liên quan đến việc giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường cho các hộ dân ảnh hưởng quanh khu vực bãi rác từ 0-500m sau 15 lần người dân lập lều, lán chặn xe rác vào bãi.
Phát biểu mở đầu buổi đối thoại, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã chia sẻ những khó khăn, vất vả với người dân sống quanh các bãi rác trên địa bàn 3 xã. Đồng chí Nguyễn Văn Phong khẳng định đây là sự hy sinh rất lớn của người dân để đóng góp chung vào công tác vệ sinh môi trường của Thủ đô. Trên tinh thần thẳng thắn, dân chủ tại buổi đối thoại này, Thành phố mong muốn lắng nghe ý kiến của người dân và cán bộ địa phương, trên cơ sở đó, dựa trên thẩm quyền cho phép, trong khuôn khổ của pháp luật giải quyết dứt điểm vụ việc.
"Việc người dân kiến nghị là hoàn toàn bình thường và hợp pháp, thông qua các kiến nghị này các cơ quan chức năng của Thành phố sẽ giải quyết. Tuy nhiên, việc người dân tiến hành chặn xe rác là hành vi vi phạm pháp luật, Thành phố sẽ tiến hành xử lý vi phạm"- Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu ý kiến.
Ông Phạm Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, trong quá trình triển khai dự án, gặp khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các hộ dân, huyện đã có văn bản báo cáo đề xuất với Thành phố để giải quyết vướng mắc về giá bồi thường, hỗ trợ, giá đất tái định cư, chính sách bồi thường đất, tài sản trên đất, tiêu chuẩn tái định cư, các dự án tái định cư...
Người dân đề nghị tăng mức hỗ trợ
Theo đó, tại hội trường UBND huyện Sóc Sơn rất nhiều người dân thuộc 3 xã nằm trong vùng ảnh hưởng đã trực tiếp đối thoại với lãnh đạo Thành phố, lãnh đạo huyện.
Ông Nguyễn Bình Hùng (người dân tại xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn) cho biết, gia đình ông nằm trong vùng ảnh hưởng môi trường tại gần bãi rác Nam Sơn, hiện nay bãi rác gây ô nhiễm và quá tải. Mặc dù huyện đã có kiến nghị tăng mức bồi thường là 10.000 đồng/ngày. Tuy nhiên theo ông Hùng với mức giá này vẫn còn quá thấp đối với việc nhân dân 3 xã đã phải chịu ô nhiễm hơn 20 năm nay.
Anh Bùi Văn Chính (xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) ngoài những ý kiến chung của các hộ dân, anh Chính kiến nghị Thành phố xem xét về việc tăng giá cây trồng ăn quả trong vườn, vì hiện nay giá đề bù quá thấp so với giá trị thực của cây ăn quả. Ngoài ra, đất lâm nghiệp hiện nay cũng chưa được quy định giá.
"Tôi mong muốn Thành phố và các cấp lãnh đạo xem xét việc thuở đất lâm nghiệp trồng cây lâu năm sẽ được hỗ trợ sang đất ở được bao nhiêu? Hoặc như thế nào cũng mong muốn lãnh đạo chỉ rõ"- anh Chính nói.
Ông Lê Văn Hộ (82 tuổi, trú tại xóm 16 thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn) cho hay sau 15 lần chặn rác, Thành phố chưa thực hiện được lời hứa. Tháng 7/2020 vừa qua, khi đồng chí Nguyễn Quốc Hùng – Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã đối thoại với người dân, và hứa nhiều điều khiến người dân rất phấn khởi. Tuy nhiên khi nhận được văn bản thì hoàn toàn không phải vậy.
Cụ thể, theo ông Hộ, chính sách đền bù không đủ tài chính tối thiểu cho dân di chuyển.
"Đất ở làm nhà giá đền bù chênh lệch so với đất tái định cư và liền kề. So với dự án 1 và 2 khác nhau hoàn toàn và khi đối thoại với Phó chủ tịch UBND đối thoại tháng 7 vừa qua nếu luật không cho phép, thì Thành phố sẽ không gọi là đền bù nữa mà gọi là hỗ trợ. Tuy nhiên văn bản trả lời thì không như lời hứa"- ông Hộ cho hay.
Thêm nữa, ông Hộ cho biết thêm, vừa đây bãi rác Nam Sơn không biết quá tải chưa nhưng ruồi, muỗi quá nhiều, khiến cuộc sống người dân nơi đây vô cùng khổ cực. Việc Thành phố cho rằng người dân lập lán, căng bạt chặn xe rác là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, người dân cho rằng, người dân không vi phạm pháp luật giao thông, họ chỉ chặn những xe rác vào bãi, những loại xe khác vẫn đi bình thường.
"Hiện nay, ô nhiễm môi trường khiến dân tại thôn tôi đã có 2 người chết vì ung thư. Như chính gia đình tôi có 5 năm anh em đều bị ung thủ phổi, cá nhân tôi hiện mắc ung thư phổi giai đoạn 3. Chính vì thế người dân chúng tôi đề nghị thành phố nghiên cứu đề án giúp dân bớt khổ"- ông Hộ nói.
Ngoài ra theo ông Hộ, một số hộ dân không còn chỗ ở thì cho dân đổi đất. Thêm nữa Thành phố nên kiên quyết không hỗ trợ những hộ dân có hành vi lợi dụng chính sách, từ nơi khác vào.
Ngoài những ý kiến trên, người dân 3 xã còn kiến nghị, về việc phun thuốc ruồi muỗi trong Khu LHXLCT Sóc Sơn chưa đạt chất lượng, phun qua loa, có hiện tượng người tham gia Tổ công tác phun thuốc bán thuốc ra ngoài. Công khai kết quả quan trắc môi trường để nhân dân kiểm tra, giám sát. Di chuyển hàng cây hoa sữa đã trồng dọc đường vào Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn vì mùi hoa sữa ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân.
Lập tổ công tác xử lý nhanh giúp bà con
Giải quyết những thắc mắc của người dân, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, Thành phố luôn tiếp thu ý kiến của người dân, những ý kiến nào trách nhiệm của TP sẽ giải quyết, những ý kiến nào của huyện, huyện phải giải quyết.
"Tại bãi rác Nam Sơn có rất nhiều vấn đề, Thành ủy đã có những cơ chế chính sách cố gắng hỗ trợ cho người dân. Những nội dung nào vượt thẩm quyền TP sẽ được đề xuất lên Trung ương. Tôi sẽ giữ nguyên lời hứa từ tháng 7/2020, vì lời hứa nói ra là dựa trên pháp luật, nhiều chính sách nhà nước bấp cập thì mình phải tổng hợp, báo cáo xem xét”- ông Hùng cho hay.
Theo đó, qua những thắc mắc của người dân Phó chủ tịch UBND đề nghị Giám đốc sở Xây dựng công khai trực tiếp công khai chi tiết kết quả quan trắc môi trường để nhân dân kiểm tra, giám sát.
"Hạn chế, giảm thiểu tối đa tình trạng dò rỉ nước từ bãi rác ra môi trường, đề xuất những biện pháp giảm thiểu ô nhiễm tối đa, phun hóa chất phù hợp đảm bảo môi trường, tránh ảnh hưởng đến người dân. Thành phố sẵn sàng chi kinh phí để phục vụ giải quyết vấn đề ô nhiễm cho bà con, xử lý ruộng đồng, kênh mương cho bà con để đảm bảo an toàn không để xảy ra sự cố dù là nhỏ nhất như dò rỉ nước. Thành phố đã triển khai rất nhiều đề xuất, tuy nhiên việc triển khai của các ngành các cấp vẫn chậm"- ông Hùng khẳng định.
"Chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, Thành phố đồng ý giao cho huyện Sóc Sơn xây dựng mức độ hỗ trợ phù hợp với bà con. Sáng nay Bí thứ Thành ủy đã trực tiếp lắng nghe và chỉ đạo địa phương thực hiện nghiêm để giải quyết cho bà con. Giải thích công khai minh bạch cho người dân. Huyện nên rút kinh nghiệm về việc lựa chọn khu tái định cư cho người dân, người dân muốn ở đâu thì cần phải chiều người dân ở đó. Thêm nữa, Thành phố đồng ý hỗ trợ giá đất đền bù nông nghiệp cho bà con như giá đất 64" - ông Hùng chỉ đạo.
"Từ tuần sau Thành phố yêu cầu sở Tài nguyên cử 30 cán bộ xuống phối hợp cùng các đơn vị khác trực tiếp xuống địa phương để giải quyết việc giải phóng mặt bằng, xử lý ô nhiễm dò rỉ cho nhanh để kịp tiến độ từ nay đến Tết âm lịch phải giải quyết xong. Chúng ta có chính quyền, có bộ máy, có pháp luật, danh giới giữa đấu tranh đòi quyền lợi và vi phạm pháp luật rất mong manh, chính vì thế yêu cầu bà con ngồi lại bàn bạc trên tinh thần, trên cơ sở pháp luật- ông Hùng nói.
Sau đợt cuộc đối thoại này, ông Hùng khẳng định Thành phố sẽ giám sát, đôn đốc hơn việc giải quyết những khúc mắc cho bà con. Và cũng mong bà con hợp tác hỗ trợ cùng các tổ công tác để đạt hiệu quả tốt nhất.
Lê Liên - Phạm Tùng