Trong suốt những năm qua, người dân thôn Phụ Chính đã rất nhiều lần làm đơn đề nghị lên các cấp chính quyền để bán bởi cây Sưa quý hơn 200 năm tuổi đang có dấu hiệu chết dần để phục vụ việc sửa chữa, xây dựng nhiều công trình phúc lợi và trùng tu các di tích nhưng không được sự đồng ý của chính quyền.
Điều này khiến người dân ở thôn Phụ Chính vô cùng lo lắng, họ đã phải dùng dây thép quấn xung quanh cây và cử người thường xuyên canh giữ bởi từ khi cây Sưa này có người trả giá đến 100 tỷ đồng đã có nhiều tên trộm đến để cưa trộm cây nhưng không thành công.
Sau khi biết được thông tin cây Sưa quý sẽ được bán đấu giá công khai thì người dân ở đây rất phấn khởi bởi sau bao nhiêu lần kiến nghị, nguyện vọng của người dân đã được giải quyết.
Tuy nhiên, với giá trị của cây Sưa đỏ lên đến hàng trăm tỷ đồng thì nhiều người vẫn còn tỏ ra khá lo lắng rằng quy trình bán đấu giá sẽ thực hiện như thế nào và với số tiền thu được sử dụng ra sao, ai quản lý?
Liên quan về vấn đề này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết: "Theo quy định của pháp luật, mặc dù cây Sưa đỏ ở xã Hòa Chính là loại cây thuộc nhóm 1A (nhóm đặc biệt quý hiếm, Nhà nước nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại) nhưng đây không phải là cây trồng ở trong rừng mà đã được trồng ở thôn Phụ Chính từ rất lâu. Do đó, cây Sưa này không thuộc sự quản lý, không là tài sản của Nhà nước nên nếu tất cả người dân đồng thuận thì hoàn toàn có thể đem bán đấu giá. Như vậy sẽ không vi phạm luật pháp".
Trước những lo ngại của nhiều người về việc bán đấu giá cây Sưa đỏ tại thôn Phụ Chính sẽ tạo thành tiền lệ xấu thì ông Tuyên khẳng định: "Việc cho người dân thôn Phụ Chính bán đấu giá công khai cây Sưa đỏ sẽ không trở thành tiền lệ xấu hoặc bị tịch thu, tiêu hủy bởi đây không thuộc vào loại hàng cấm mà cây Sưa này trùng với gỗ nhóm 1 là cây thuộc quyền sở hữu chung của cả cộng đồng dân cư, không thuộc di tích cấp Quốc gia nên người dân có quyền tự do khai thác".
"Tuy nhiên, việc tổ chức bán đấu giá gỗ Sưa sau khai thác phải thực hiện công khai theo đúng trình tự, quy định của pháp luật", ông Lê Minh Tuyên cho biết thêm.
Trả lời câu hỏi của PV báo Người Đưa Tin về quy trình thực hiện bán đấu giá cây Sưa đỏ ở thôn Phụ Chính, ông Lê Minh Tuyên thông tin rằng, quá trình làm thủ tục bán đấu giá khá là đơn giản và không mất quá nhiều thời gian.
Qua đó, để có thể thực hiện việc này, cán bộ thôn Phụ Chính sẽ họp dân lại, làm biên bản thống nhất chọn ra những người có uy tín nhất trong thôn để đại diện cho cộng đồng dân cư đứng ra thực hiện việc bán cây gỗ Sưa. Sau đó, ban đại diện sẽ thuê một đơn vị tổ chức đấu giá chuyên nghiệp thực hiện việc bán đấu cây Sưa đỏ và có trách nhiệm báo cáo với chính quyền xã Hòa Chính để theo dõi, giám sát quá trình bán cây.
“Sau khi hoàn tất các thủ tục bán đấu giá cây Sưa, cộng đồng dân sẽ phải thông báo cho hạt Kiểm lâm huyện Chương Mỹ (chi cục Kiểm lâm Hà Nội) về vụ việc. Lúc đó, chúng tôi sẽ phối hợp với người dân xác nhận khối lượng gỗ và đóng dấu búa Kiểm lâm theo quy định để người mua mang đi tiêu tụ”, ông Tuyên cho hay.
Để giải đáp thắc mắc của người dân về số tiền thu được sau khi bán đấu giá sẽ được sử dụng như thế nào và ai là người được đứng ra trực tiếp quản lý số tiền đó, luật sư Nguyễn Hồng Thái, công ty luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp cho biết: "Pháp luật hiện nay không quy định cụ thể số tiền sau khi bán đấu giá công khai phải được sử dụng dưới hình thức nào. Tuy nhiên, vì là tài sản cộng đồng, nên số tiền sau khi bán đấu giá gỗ Sưa phải được cộng đồng định đoạt. Người dân sẽ đồng thuận cách sử dụng số tiền miễn sao để đạt được lợi ích chung của toàn bộ người dân xã và không trái pháp luật. Chẳng hạn, sau khi chi trả thù lao, chi phí đấu giá, và nghĩa vụ với Nhà nước, người dân có thể thỏa thuận sử dụng số tiền trên để tu bổ di tích và xây dựng công trình phúc lợi tập thể của địa phương”.
"Tuy nhiên, để quá trình bán đấu giá cây Sưa đúng quy trình và không vi phạm luật pháp thì chính quyền xã Hoà Chính sẽ là người đứng ra đại diện mở một tài khoản ngân hàng để người mua cây gỗ Sưa chuyển tiền vào đó. Sau đó, số tiền bán cây dùng vào việc gì hay chia như thế nào thì do cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính tự quyết định", luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết thêm.