Theo đó, hệ thống quy tắc ứng xử này sẽ được xây dựng cụ thể, đơn giản, dễ thực hiện nhưng lại cơ bản, thiết thực, vừa đảm bảo được quyền của mỗi công dân nhưng cũng làm rõ được nghĩa vụ của mỗi cá nhân trước cộng đồng xã hội.
Ông Tô Văn Động, giám đốc sở VH - TT - DL cho biết, dự thảo hệ thống quy tắc ứng xử này sẽ được lấy ý kiến thảo luận rộng rãi của nhân dân và các chuyên gia trong vòng 6 tháng, sau đó sẽ được xây dựng và áp dụng thực hiện thí điểm vào quý II/2014. Những bất cập sẽ được điều chỉnh trước khi ban hành áp dụng chính thức. Ngoài ra, thành phố cũng triển khai xây dựng website "Hà Nội đẹp - chưa đẹp" để thu thập ý kiến, quan điểm của cộng đồng về văn hóa ứng xử của người Hà Nội.
Tuy chưa rõ "hình thù" của bộ quy tắc ứng xử này sẽ như thế nào, đối tượng điều chỉnh là những ai và chưa được đưa ra lấy ý kiến chính thức nhưng nhiều người dân Thủ đô đang bàn tán sôi nổi về việc này. Nếu Hà Nội có bộ quy tắc ứng xử, thì những địa phương khác không có liệu có thiệt thòi cho họ? Như vậy liệu có phải là sự phân biệt đối xử giữa người Hà Nội và dân tỉnh lẻ? Nhiều người lo ngại, những quy tắc ứng xử đó nếu được ban hành sẽ khó áp dụng trong thực tế, bởi ngay cả quy định hút thuốc lá đã trở thành luật nhưng nhiều người vẫn thản nhiên vi phạm.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, GS. Ngô Đức Thịnh (nguyên Viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển) cho rằng vấn đề quan trọng là phải biết xem bộ quy tắc đó như thế nào, nội dung ra làm sao, quy chế áp dụng như thế nào thì mới có thể bàn luận về nó được. Còn hiện giờ vẫn đang ở giai đoạn chủ trương chứ chưa có một bộ quy tắc ứng xử nào được ban hành ở thủ đô cả. Theo GS. Ngô Đức Thịnh, tại một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản… một số địa phương ở các quốc gia đó họ cũng đưa ra một số quy tắc và được dán công khai ở những địa điểm công cộng. Cái này cũng có thể tạm gọi là những quy tắc ứng xử ở địa điểm đó để mọi người tuân theo. Nó không hẳn là bắt buộc vì nó không phải là văn bản quy phạm pháp luật.
"Theo tôi, việc Hà Nội có ban hành bộ quy tắc ứng xử cho người dân Thủ đô hay không nó không phải là vấn đề gì to tát. Nếu mục tiêu của việc đưa ra bộ quy tắc ứng xử này để người dân Thủ đô văn minh hơn, thanh lịch hơn, sống có văn hóa hơn… tôi nghĩ khó đạt được điều đó. Và cách làm này không phải là giải pháp tốt để giải quyết tận gốc vấn đề. Vấn đề cốt lõi là anh phải tạo điều kiện môi trường xã hội, môi trường văn hóa như thế nào để người dân có thể thực hiện được cái đó", GS. Ngô Đức Thịnh nhấn mạnh.
Theo nguyên viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển, môi trường văn hóa là rất quan trọng, chỉ trong môi trường văn hóa thì mới xây dựng được những quy tắc ứng xử văn hóa một cách lành mạnh. Chưa rõ Hà Nội làm bộ quy tắc ứng xử đó theo kiểu nào rồi ai sẽ thực hiện? Chỉ người dân Hà Nội gốc phải thực hiện hay bất kỳ ai đến với Hà Nội cũng phải thực hiện theo quy tắc đó? Ai sẽ giám sát quá trình thực hiện?
"Quan điểm của tôi, nếu làm văn hóa mà chỉ nêu quy tắc không thì không ổn, không giải quyết được tận gốc vấn đề. Quan trọng nhất, vẫn là tạo ra được một môi trường văn hóa để mọi người cùng sống trong đó. Trong môi trường văn hóa thì mọi thứ sẽ dễ dàng thực hiện được, còn không thì những bộ quy tắc đó chỉ là trên lý thuyết mà thôi", GS. Thịnh chia sẻ.
Hà khê