Chủ đầu tư dễ “lách luật”
Ở nhiều địa phương, các dự án "treo", "quy hoạch treo" tồn tại hàng chục năm nay đang là vấn đề hết sức nóng bỏng. Có những hộ dân phải sống "treo" cùng quy hoạch, đi không được ở cũng không xong, rất mong có một quy định mới giải quyết "vấn nạn" này để "cởi trói" cho họ. Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Nghị định 64/2012/NĐ - CP về cấp giấy phép xây dựng tạm và rút giấy phép xây dựng, trong đó điều mà người dân mong chờ nhất là sẽ được cấp giấy xây dựng tạm trong khu vực "quy hoạch treo".
Bao giờ cho hết “quy hoạch treo”.
Theo nội dung Nghị định 64, công trình được cấp phép xây dựng tạm nếu đáp ứng được các điều kiện sau: Nằm trong khu vực đã có quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch điểm dân cư nông thôn được cấp thẩm quyền phê duyệt và công bố nhưng chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước. Công trình đó phù hợp với mục đích sử dụng đất, mục tiêu đầu tư. Mặt khác, để được cấp phép xây dựng tạm, công trình phải đảm bảo an toàn về môi trường, phòng cháy chữa cháy, hạ tầng kỹ thuật...và không xâm phạm đến các công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Hồ sơ thiết kế công trình phải đáp ứng các quy định của pháp luật. Ngoài ra, chủ đầu tư phải cam kết tự phá dỡ công trình khi thời hạn tồn tại của công trình ghi trên giấy phép xây dựng tạm hết hạn và không yêu cầu bồi thường. Nghị định 64 nêu rõ, giấy phép xây dựng tạm chỉ cấp cho từng công trình, nhà ở riêng lẻ, không cấp theo giai đoạn và cho dự án.
Đối với người dân, Nghị định này như cởi được tấm lòng và niềm hi vọng sẽ giải quyết được một loạt các khâu khi vướng "quy hoạch treo". Tuy nhiên, khi "mổ xẻ" Nghị định này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản cho rằng, Nghị định 64 tuy hay nhưng khó thực hiện.
Trao đổi với PV báo Người đua tin, ông Trần Viết Ngôn, phó chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, Nghị định lần này được nhiều người dân đón đợi, đặc biệt là những người đang ở trong "quy hoạch treo". Tuy nhiên, để thực hiện triệt để những quy định này không phải là chuyện dễ dàng đối với cơ quan quản lý. Quy định về thời hạn 6 tháng kể từ khi gia hạn giấy phép xây dựng mà chủ công trình không tiến hành thi công sẽ rút giấy phép là không phù hợp với thực tiễn. "Trên thực tế việc "lách luật" có thể diễn ra một cách đơn giản. Việc khởi công công trình chưa có tiêu chí cụ thể, chủ xây dựng có thể tiến hành làm lễ đào móng, xây móng hoặc đại loại chỉ một công đoạn liên quan đến công trình là có thể gọi là khởi công", ông Ngôn phân tích.
Ông Ngôn băn khoăn, trong trường hợp chủ công trình cố tình chây lỳ không triển khai xây dựng công trình. Họ chỉ cần một động thái lách luật đơn giản như trên nghiễm nhiên sẽ đạt được mục đích. Vì vậy, việc rút ngắn thời gian 6 tháng sẽ chẳng có tác dụng gì nhằm ràng buộc chủ công trình đảm bảo tốc độ xây dựng theo yêu cầu. Trên thực tế, nhiều công trình đã tiến hành khởi công mà ba bốn năm sau vẫn chưa hoàn thành là có thật.
Ông Ngôn đưa ra ví dụ: Dự án Nam Đàm Plaza, nằm trên đường Phạm Hùng, rộng gần 10.000 m2 có địa chỉ tại Lô E2.1 (Mỹ Đình, Từ Liêm), do Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) và CTCP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương (Transco, ..JSC) hợp tác đầu tư. Theo phê duyệt, đây là tổ hợp 5 sao, trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng và khu vui chơi giải trí, mua sắm cao cấp. Dự án được khởi công từ năm 2008 và theo kế hoạch, sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2010. Tuy nhiên, nhiều năm sau khi khởi công, dự án chưa được triển khai. Đến thời điểm này, toàn bộ mặt bằng dự án được cho thuê làm sân bóng đá.
Ông Trần Viết Ngôn, phó chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội.
Liệu có hết treo?
Xung quanh những bàn luận này, chúng tôi đã tham khảo ý kiến của một số luật sư về quyền lợi của người dân khi vướng phải "quy hoạch treo" và liệu Nghị định này có thay đổi được số phận của họ hay không?.
Luật sư Nguyễn Duy Hùng, Văn phòng luật sư Phượng Hoàng, (Nguyễn Ngọc Vũ, Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, quyền xây dựng nhà ở trên đất chính chủ của người dân được pháp luật thừa nhận và bảo vệ tuyệt đối. Trước đây, những hộ dân sống trong vùng "quy hoạch treo", "dự án treo" “không được phép xây dựng công trình nhà ở trên đất của mình đó là thiệt thòi lớn, một biểu hiện xâm phạm đến quyền và lợi ích của người dân".
Theo luật sư Hùng, điểm nhấn mới nhất trong Nghị định 64: "Lần đầu tiên quyền xây dựng nhà ở, sửa chữa nhà ở của những hộ dân sống trong khu vực quy hoạch đã được thừa nhận. Ngoài ra, sự thay đổi khác so với những Nghị định trước đó chính là việc rút ngắn thời gian xử phạt. Trong quy định trước đây, sau 12 tháng kể từ ngày được gia hạn giấy phép xây dựng mà chủ đầu tư vẫn chưa khởi công công trình sẽ bị rút giấy phép xây dựng. Nghị định vừa ban hành đã rút xuống chỉ còn 6 tháng".
Luật sư Hùng cũng cho rằng, Nghị định 64 đã giải quyết được các khó khăn của người dân sống trong tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" ở vùng "quy hoạch treo". Nghị định cũng phù hợp với tình hình thực tế ngày càng có nhiều "dự án treo" trong vùng "quy hoạch treo" ở nước ta. Tuy nhiên, khi "mổ xẻ" Nghị định này, Luật sư Hùng đã đưa ra những điều bất hợp lý gây khó cho người dân. Ông Hùng ví dụ: "Điều bất hợp lý nhất là nhà nước hoặc chủ đầu tư không có bất kỳ sự hỗ trợ nào cho người dân đối với công trình đã được cấp giấy phép xây dựng tạm (việc xây dựng hợp pháp). Điều này có nghĩa người dân sống trong khu vực "quy hoạch treo" vẫn chịu nhiều thiệt thòi hơn so với những người dân bình thường. Đó là điều bất cập hiện nay liên quan đến quyền bình đẳng của công dân".
Theo luật sư Hùng, vấn đề nan giải hiện nay là làm thế nào để đảm bảo quyền lợi về xây dựng của người dân sống trong vùng dự án treo đã có quyết định thu hồi đất nhưng chủ đầu tư không có tiền để triển khai. Ông đưa ra ví dụ, những người dân trong khu vực có quyết định thu hồi 7.851 m2 tại phường Phương Liên (quận Đống Đa) để xây dựng nhà ở di dời dân GPMB tuyến đường Kim Liên - La Thành vẫn không được xây dựng nhà ở tạm. Dự án này có từ năm 1998 đến nay nhưng vẫn chưa triển khai. Những hộ dân sống trong khu vực này sẽ không thuộc phạm vi cấp phép xây dựng theo Nghị định 64 vì đã có quyết định của UBND TP. Hà Nội về thu hồi đất.
Cũng có nhiều người quan ngại, có thể dẫn đến những tiêu cực xảy ra trong quá trình xử lý vi phạm theo Nghị định 64. Ông Trần Viết Ngôn đã chỉ ra một số lỗ hổng có thể lợi dụng: Trong điều khoản thu giấy phép xây dựng có ghi "quá thời hạn ghi trong văn bản xử lý vi phạm, đối với trường hợp xây dựng sai với giấy phép xây dựng được cấp mà chủ đầu tư vẫn chưa khắc phục các vi phạm theo yêu cầu của cơ quan thẩm quyền thì giấy phép sẽ bị thu hồi". Chính sự không rõ ràng về thời gian sẽ là kẽ hở đối với công tác quản lý.
Cùng chung quan điểm với ông Ngôn, Luật sư Hùng cũng tỏ ra băn khoăn, các chủ công trình xây dựng sẽ viện mọi cớ kéo dài thời hạn để khắc phục sửa chữa. Thậm chí, sẽ nảy sinh tiêu cực, có sự bắt tay giữa cơ quan quản lý và chủ xây dựng dẫn đến tình trạng dự án "treo" chưa thể giải quyết được tận gốc.
Là một người công tác lâu năm trong ngành xây dựng, ông Trần Viết Ngôn cũng cho biết, để Nghị định 64 đi vào thực tiễn còn tiến hành nhiều cuộc hội nghị hướng dẫn, triển khai. Khi đó, nhiều vấn đề mà mọi người quan ngại mới được làm rõ.
Thực hiện nghiêm để tránh lách luật TS. Phạm Sĩ Liêm, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, "Nghị định 64 của Chính phủ đã phần nào giải quyết được những vướng mắc trong quá trình giải quyết một vấn đề đang rất nóng trong dư luận: "Dự án treo". Tuy nhiên vẫn có một số điểm chưa hợp lý trong việc quy định 6 tháng không thi công sẽ rút giấy phép xây dựng. Tôi cho rằng 6 tháng hay 12 tháng không phải là vấn đề, mà quan trọng nhất là thực hiện giám sát việc đó như thế nào. Nếu việc giám sát không nghiêm, quy định thiếu rõ ràng thì "lách luật" là điều khó tránh khỏi". |
Trinh Phúc - Quốc Triều