Cách đây hơn 30 năm, gia đình anh Hoàng Văn Lẹo (SN 1978) rời quê hương tỉnh Cao Bằng vào xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk lập nghiệp.
Tại đây, gia đình anh Lẹo tăng gia sản xuất bằng việc trồng cà phê, cây ăn quả và chăn nuôi gà, vịt, bò. Thế nhưng, cuộc sống của gia đình anh Lẹo gặp không ít khó khăn bởi thời gian gần đây, giá cả các mặt hàng nông sản bấp bênh, diện tích đồng cỏ chăn nuôi dần bị thu hẹp.
Không nản lòng trước khó khăn, sau một thời gian tìm hiểu, năm 2019, anh Lẹo quyết định đầu tư chuồng trại nuôi thử nghiệm 50 con thỏ New Zealand, với số vốn đầu tư ban đầu gần 50 triệu đồng.
Để đàn thỏ khỏe mạnh và phát triển tốt, anh Lẹo tự lên mạng internet mày mò, học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời, anh còn tham gia các lớp tập huấn do hội nông dân các cấp tổ chức.
Nhờ vậy, anh Lẹo đã xây dựng được chuồng trại đúng kỹ thuật, bảo đảm vệ sinh môi trường và cách phòng, chữa bệnh hiệu quả cho thỏ. Đến nay, đàn thỏ của gia đình anh Lẹo đã có trên 100 con. Trong đó, có 20 con thỏ giống và trên 50 thỏ thương phẩm.
Theo anh Lẹo, thỏ phát triển rất nhanh, chỉ khoảng 6 tháng là bắt đầu sinh sản, mỗi năm sinh từ 6 - 7 lứa, mỗi lứa từ 6 - 7 con. Sau khi nuôi khoảng 3 tháng trở lên, thỏ đạt trọng lượng khoảng 2,5kg là có thể xuất bán với giá khoảng 70-75.000đồng/kg.
Bên cạnh đó, việc nuôi thỏ New Zealand cũng rất thuận lợi, thức ăn chủ yếu có sẵn trong tự nhiên như các loại cỏ, rau đậu, cám…
Trung bình mỗi tháng, sau khi đã trừ chi phí đầu tư, chăm sóc, gia đình anh Lẹo thu lãi hơn 10 triệu đồng từ bán thỏ thương phẩm và thỏ giống.
Không chỉ gia đình anh Lẹo, việc nuôi thỏ New Zealand cũng giúp cho gia đình anh Ngôn Văn Thoan, SN 1987, trú tại thôn Tam Thanh, xã Ea Tam thu nhập từ 10-15 triệu đồng/tháng.
Anh Thoan cho hay, trong một lần tình cờ xem trên tivi về mô hình nuôi thỏ New Zealand, anh rất thích thú nên đã mua 10 con thỏ mẹ về nuôi thử nghiệm.
Chỉ sau một thời gian ngắn, anh Thoan nhận thấy giống thỏ ngoại này có nhiều ưu điểm như: Dễ nuôi, ít dịch bệnh và cũng dễ chữa trị nếu thỏ bị bệnh. Hơn thế nữa, việc nuôi thỏ New Zealand đầu tư ít vốn nhưng giá trị kinh tế mang lại tương đối khá.
Từ những ưu điểm nói trên, cuối 2019, anh Thoan quyết định mua hơn 100 con thỏ giống về chăn nuôi. Đến nay, tổng số đàn thỏ của gia đình anh đã lên tới hơn 200 con. Trong đó, có hơn 25 con thỏ sinh sản. Trung bình mỗi tháng, anh Thoan bán ra thị trường gần 5 tạ thỏ thương phẩm.
Với ưu điểm thịt thơm ngon, thỏ New Zealand được nhiều người ưa chuộng, thương lái đến tận nhà để thu mua. Nhờ đó, mỗi tháng anh Thoan thu lãi từ 10 - 15 triệu đồng.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, bà La Bế Thủy Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tam cho biết, trên địa bàn toàn xã có 19 dân tộc cùng sinh sống, chủ yếu dân tộc phía Bắc, trong đó người Tày, Nùng chiếm hơn 80%. Toàn xã có 2.622 hộ dân, với hơn 11.000 nhân khẩu, trong đó có 511 hộ nghèo.
Trước đây, người dân trên địa bàn chủ yếu sinh sống bằng việc trồng cây cà phê. Những năm gần đây, người dân còn trồng thêm một số cây trồng có giá trị khác như: bơ, sầu riêng, dỗi… Bên cạnh đó, bà con nông dân còn chăn nuôi gia súc lớn như trâu, bò... Thế hưng, hiện nay, diện tích đồng cỏ bị thu hẹp nên người dân ít chăn nuôi hơn.
Trước tình hình trên, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và nhu cầu thị trường.
Cũng theo bà Trang, hiện nay, nghề nuôi thỏ trên địa bàn xã Ea Tam phát triển rất khả quan vì tiết kiệm được chi phí đầu tư do tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có và thời gian nông nhàn của bà con. Mặt khác, không gian chuồng trại cũng không cầu kỳ...
Hiện, toàn xã có hơn 100 hộ nuôi thỏ. Việc nuôi thỏ đã góp phần phát triển kinh tế gia đình. Nhiều hộ dân được cải thiện cuộc sống, cải thiện thu nhập và từng bước thoát nghèo.
Vào đầu tháng 6/2022, Hội Nông dân xã Ea Tam đã thành lập tổ hội nghề nghiệp nuôi thỏ với 14 thành viên. Qua đó, nhằm tạo mối liên kết giữa các hộ chăn nuôi, giúp đỡ nhau về con giống và kỹ thuật nuôi, chăm sóc thỏ.
Trong thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân phát triển, nhân rộng mô hình nuôi thỏ.
Khánh Ngọc