Liên quan đến đề xuất bãi bỏ các quy định về hộ khẩu - được cho là điều kiện đang cản trở và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số, của bộ Y tế, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, GS.TS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch hội đồng Khoa học, viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em nhận định: “Sổ hộ khẩu đang được coi là giấy tờ căn cứ để xét duyệt chuyện học hành, xin việc... Cá nhân tôi ủng hộ việc bỏ những quy định về sổ hộ khẩu".
PV: Tại buổi gặp gỡ báo chí mới đây, bộ Y tế đã thông báo một số điểm mới trong Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đại diện bộ Y tế cũng đề nghị bãi bỏ các quy định về hộ khẩu. Ông đánh giá sao về đề xuất này?
GS.TS Nguyễn Đình Cử: Hộ khẩu được áp dụng từ năm 1964 bởi Nghị định 104-CP theo đề nghị của bộ Công an. Mục đích để tăng cường việc giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phục vụ lợi ích của nhân dân; giúp thống kê dân số các vùng trong nước nhằm phục vụ xây dựng và thực hiện các chính sách, kế hoạch của Nhà nước. Tuy nhiên, quy định về hộ khẩu đang làm khó người dân.
Tôi đồng tình với đề xuất của bộ Y tế. Hộ khẩu đang là điều kiện cản trở và hạn chế quyền công dân, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số. Nên bãi bỏ các quy định về hộ khẩu, người dân phải có nghĩa vụ đăng ký tại nơi cư trú và khi thay đổi cũng phải đăng ký lại nhưng không nhất thiết phải lệ thuộc vào sổ hộ khẩu.
PV: Ông có thể chỉ rõ những rào cản đối với người dân khi áp dụng điều kiện “có hộ khẩu”?
GS.TS Nguyễn Đình Cử: Số liệu khảo sát mà các cơ quan chức năng thực hiện tại 5 địa bàn (TP.HCM, TP.Hà Nội, TP.Đà Nẵng, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đắk Nông) cho thấy, ít nhất 5,6 triệu người hiện không có hộ khẩu thường trú. Như vậy, nếu tính trên phạm vi cả nước, con số này có thể lên đến hàng chục triệu người.
Không có hộ khẩu đã ảnh hưởng đến cuộc sống nói chung và chất lượng dân số nói riêng, đơn cử những điểm sau: Hộ khẩu đã hạn chế dòng di cư từ nông thôn ra đô thị, chính là hạn chế sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, từ nông nghiệp sang dịch vụ và công nghiệp.
Trong khi đó, tỉ lệ lao động nông nghiệp của nước ta rất cao, khoảng 42%, năng suất lao động rất thấp, chỉ xấp xỉ bằng 5% của Singapore, 20% của Malaysia, 35% của Thái Lan, 50% của Philippines và Indonesia. Người không có hộ khẩu khó tiếp cận công việc khu vực công.
Vấn đề tiếp cận của nhóm người nhập cư tại các thành phố lớn gặp nhiều khó khăn và trở ngại như việc cho con em các hộ tạm trú theo học trường công (không thể học đúng tuyến) hoặc các vấn đề khác liên quan đến việc tiếp cận y tế, bảo trợ, tiếp cận dịch vụ công, việc làm… gây ảnh hưởng không nhỏ cho sự phát triển xã hội chung của Việt Nam.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những người không có hộ khẩu thường trú phải đi chữa bệnh xa hơn và có thể chịu chi phí y tế cao hơn. Người tạm trú có ít cơ hội hơn nhiều trong việc tham gia các tổ chức địa phương và hoạt động xã hội. Người tạm trú gặp những rào cản trong việc tiếp cận bảo trợ xã hội. Họ khó có thể được đưa vào danh sách “hộ nghèo”.
PV: Như ông vừa nói, có nhiều bất cập trong các quy định về hộ khẩu. Vậy theo ông, đâu là giải pháp để chính sách dân số không bị “cản trở” bởi quy định về hộ khẩu?
GS.TS Nguyễn Đình Cử: Hàng chục thủ tục hành chính cần có hộ khẩu đang làm “điêu đứng” những người xa quê. Hộ khẩu cần thiết cho quản lý dân cư trong nền kinh tế kế hoạch hóa, bao cấp. Hộ khẩu là cơ sở để phân phối nhu yếu phẩm. Chẳng hạn, có hộ khẩu ở thành thị mới được cấp “sổ gạo”, tem phiếu thực phẩm… Nay chuyển sang kinh tế thị trường, nên bãi bỏ hộ khẩu.
Theo quan điểm của tôi, nếu bộ Công an muốn giữ điều kiện “có hộ khẩu” vì lý do an ninh thì cũng nên bỏ những nội dung kinh tế, xã hội của cuốn sổ này. Người dân không phải “xin” hộ khẩu thường trú mà chỉ cần “báo” Công an để nhằm phục vụ công tác an ninh.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!