Theo PGS.TS.Tạ Văn Bình, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, trong danh mục "Các loại thuốc có thể và không thể dùng cùng với vắc-xin Covid-19", do Bộ Y tế khuyến cáo, có mục "Thuốc tuyến giáp".
Theo đó, có giải thích: Bệnh tuyến giáp là một bệnh làm suy giảm sự trao đổi chất và hoạt động của nội tiết tố. Tuy nhiên, bộ phận trong hệ thống miễn dịch gây ra bệnh tuyến giáp tự miễn tách biệt với bộ phận chịu trách nhiệm chống lại các bệnh nhiễm trùng. Do đó, hầu hết các loại thuốc tuyến giáp đang được sử dụng sẽ không gây ra các triệu chứng hoặc làm cho vắc-xin kém hiệu quả hơn.
Levothyroxine là hormone tuyến giáp tổng hợp, không thuộc nhóm thuốc nằm trong danh mục hạn chế tiêm vắc-xin Covid-19. Vậy nên những người đang sử dụng thuốc này vẫn có thể được tiêm vắc-xin Covid-19 bình thường.
Hơn nữa, Bộ Y tế cũng khuyến cáo: Những bệnh nhân điều trị ung thư ở trong giai đoạn ổn định đều có thể tiêm vắc-xin Covid-19. Một vài trường hợp được khuyến khích tiêm vắc-xin sớm để hạn chế những biến chứng nguy hiểm do Covid-19 gây ra.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS. TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân & Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết bệnh nhân ung thư thuộc nhóm nhạy cảm với Covid-19 do có hệ miễn dịch yếu. Người bệnh được chẩn đoán ung thư tuyến giáp, đã được phẫu thuật vẫn nên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 và duy trì uống levothyroxine theo liều đang dùng mà không phải dừng thuốc.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Phương, bệnh nhân cần xét nghiệm để kiểm tra hiện tại đã đạt bình giáp hay chưa. Nếu bạn đang suy giáp hoặc cường giáp, bác sĩ sẽ điều trị liều hormone tuyến giáp. Tốt nhất người bệnh ung thư cần trao đổi với bác sĩ điều trị cũng như bác sĩ khám sàng lọc để tiêm chủng hiệu quả và an toàn.
Bác sĩ Lâm Quốc Trung, Phó trưởng khoa Hóa trị ung thư Bệnh viện Đại học Y Dược Tp.Hồ Chí Minh, thông tin thêm, tất cả khuyến cáo trên thế giới đều đề nghị bệnh nhân ung thư nên được tiêm phòng ngay khi có thể nếu không có chống chỉ định, giúp giảm nhẹ triệu chứng hoặc mức độ nghiêm trọng khi mắc bệnh. Trong đó, bệnh nhân suy giảm miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối đang xạ trị và hóa trị thuộc nhóm thận trọng tiêm chủng, cần sàng lọc kỹ, theo "Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19" của Bộ Y tế, ngày 10/8.
Với người đang điều trị bệnh ổn định, sức khỏe bình thường, để tiêm vắc-xin phòng Covid-19 chỉ cần tuân thủ các hướng dẫn chung cho mọi người là đủ. Bên cạnh đó, trước tiêm vắc-xin Covid-19, bạn cần trả lời các câu hỏi sàng lọc. Bác sĩ sẽ thăm khám sàng lọc trước tiêm và đưa ra quyết định tiêm chủng. Sau tiêm, người bệnh cần được theo dõi sát sao để phát hiện và xử lý kịp thời các tác dụng phụ, nếu có.
Minh Hoa (t/h theo VnExpress, Sức khỏe và Đời sống)