Báo Người Lao Động thông tin, sau nhiều lần điều chỉnh lương hưu, ông P.P.N.T. đã nhận được mức lương lên tới 140 triệu đồng/tháng và có thể tăng thêm từ tháng sau.
Trước thời điểm tăng lương cơ sở vào tháng 7/2023, lương hưu của ông T. là hơn 124 triệu đồng/tháng. Sau khi điều chỉnh lương hưu, mức lương hiện tại của ông T. lên tới 140 triệu đồng/tháng.
Lý giải về mức lương hưu "khủng" này, cơ quan bảo hiểm xã hội cho biết trước khi nghỉ hưu, ông T. là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc của một công ty và đã có quá trình đóng với mức rất cao trong 23 năm tham gia bảo hiểm xã hội.
Trong đó, giai đoạn trước năm 2007 khi quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương thực tế (không bị giới hạn mức trần như quy định hiện hành), mức đóng của ông T. rất cao. Có những thời điểm, mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bình quân của ông T. là hơn 200 triệu đồng/tháng.
Thông tin trên báo Chính phủ, khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 có hiệu lực, quy định mức trần tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung (hoặc lương cơ sở). Theo đó, từ tháng 1/2007 đến tháng 3/2015, ông T. luôn đóng bảo hiểm xã hội ở mức cao nhất theo quy định, với mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bình quân là 15,4 triệu đồng/tháng. Trong đó, gần 2 năm trước thời điểm nghỉ hưu (mức lương cơ sở khi đó là 1,15 triệu đồng), mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng của ông T. là 23 triệu đồng/tháng.
Tháng 4/2015, ông T. nghỉ hưu với mức lương hưu hơn 87,3 triệu đồng/tháng. Từ ngày 1/7/2024, sau khi thực hiện cải cách tiền lương, lương hưu cũng sẽ được điều chỉnh tăng thêm một lần nữa thì lương hưu của ông T. có thể sẽ còn tăng thêm.
Điều chỉnh tăng lương hưu từ 1/7/2024, không để ai thiệt thòi
Theo báo Tiền Phong, từ 1/7/2024, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đóng BHXH dự kiến sẽ hưởng mức lương mới cao hơn so với hiện tại. Với cách tính lương hưu dựa trên số năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu như hiện nay, việc tăng mức lương đóng BHXH sẽ dẫn đến việc tăng lương hưu.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức có thời gian hưởng tiền lương mới càng dài thì lương hưu càng tăng cao so với người nghỉ hưu trước 1/7/2024.
Như vậy, người nghỉ hưu sau 1/7/2024 có thể sẽ được hưởng mức lương hưu cao hơn nhiều so với những người nghỉ hưu trước cải cách tiền lương, điều này dẫn đến sự phát sinh chênh lệch lương hưu giữa những người nghỉ hưu trước và sau ngày 1/7/2024 khi cải cách tiền lương.
Theo BHXH Việt Nam, để đảm bảo tính cân đối về mức hưởng giữa những người nghỉ hưu trước và sau 1/7/2024 đồng thời đảm bảo tính cân đối trong khả năng thu - chi, đơn vị đã đề xuất điều chỉnh mức tăng lương hưu từ 1/7 tới với mức tăng khoảng 8%.
Căn cứ vào từng đối tượng cụ thể, mức lương hưu sau cải cách sẽ được xây dựng và điều chỉnh để cả những người nghỉ hưu trước hay sau thời điểm cải cách tiền lương đều không bị thiệt thòi.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, từ 1/7/2024 sẽ có 3 mức điều chỉnh lương hưu cho 3 nhóm đối tượng khi cải cách tiền lương bao gồm:
-Với nhóm người nghỉ hưu sau 1/7/2024, hiện nay, mức lương hưu tăng bao nhiêu sẽ được Bộ và các cơ quan liên quan tính toán kỹ lưỡng và hợp lý, hài hòa giữa những người có cùng chức vụ, công việc chuyên môn trước và sau thời điểm cải cách 1/7/2024.
-Đối với những người nghỉ hưu trước 1/7/2024, do đây là nhóm đối tượng sẽ được lưu ý khi thực hiện cải cách tiền lương nên Nhà nước sẽ sắp xếp mức bù giảm phần chênh lệch lương giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách tiền lương.
Những người nghỉ hưu trước 1/7/2024 ngoài được áp dụng chính sách BHXH thì sẽ vẫn được đảm bảo đầy đủ các chế độ như người nghỉ hưu bình thường.
Việc điều chỉnh mức lương hưu không được thấp hơn 50% so với mức tăng sau cải cách nhằm đảm bảo sự cân đối, không để người nghỉ hưu trước 1/7 bị thiệt thòi sau cải cách tiền lương.
-Đối với những người nghỉ hưu trước năm 1995, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sẽ có chính sách đặc biệt để đẩy lương hưu lên cao hơn nữa đối với nhóm đối tượng này.
Minh Hoa (t/h)