Cụ thể, 2 thanh niên đi xe máy đến địa bàn xã hỏi thăm đường về nhà một người bạn quen qua facebook để chúc Tết. Một đứa trẻ xung phong dẫn đi, mẹ bé không thấy con nên đi tìm, và hiểu nhầm 2 thanh niên là bắt cóc trẻ em, hô hoán dân làng xúm vào đánh nhừ tử.
Sau đó, 2 thanh niên mới có cơ hội phân trần, muốn đến thăm nhà người bạn ảo để tạo sự bất ngờ, những không may lại bị đánh tập thể. Bất ngờ hơn khi Trưởng công an xã xác nhận trên địa bàn không có cô gái nào như 2 thanh niên đang cần tìm.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch công ty Luật Basico, trường hợp sai phạm đã rõ ràng, cho dù 2 thanh niên có hành vi sai phạm gì cũng không thể tự ý đánh người như vậy, huống hồ, 2 thanh niên này chỉ mới bị hiểu nhầm là bắt cóc trẻ em. Sự việc hy hữu trên xảy ra cũng từ việc thiếu lòng tin giữa con người với con người, thiếu lòng tin vào pháp luật, nên nhiều người “manh động”, muốn xử bằng “luật rừng”.
Luật sư Đức nhận định: “Trường hợp này, tùy thuộc vào kết quả giám định thương tật hay tổn hại sức khỏe và khả năng lao động của 2 thanh niên để xử lý trách nhiệm. Hành vi cố ý gây thương tích là hành vi phạm pháp bị truy cứu theo 02 mức độ, nặng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhẹ thì bị xử phạt vi phạm hành chính.
Nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11%, có thể chỉ bị xử phạt hành chính. Nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11%, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội Cố ý gây thương tích. Cùng với đó, xem xét việc có sử dụng hung khí hay không để xác định mức độ xử lý”.
Luật sư Đức cho biết: “Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội thì người nào có hành vi đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính mà xử lý truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo khoản 1 Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017), về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Theo điểm b khoản 2 Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017), phạm tội Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%; thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm.
Bên cạnh đó, những người cùng tham gia đánh 2 thanh niên có trách nhiệm phải đền bù chi phí điều trị và phục hồi sức khỏe”.
“Một điểm khó khăn trong những cuộc “ẩu đả” đông người như này thường không xác định được ai là người gây thương tích để xử lý, quy trách nhiệm”, luật sư Đức phân tích thêm.
Luật sư Vũ Văn Tính, Giám đốc công ty Luật TNHH LT & Cộng sự cũng cho rằng: “Nhóm người tham gia đánh 2 thanh niên không có lý do có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 5, Nghị quyết 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính, vi phạm quy định về trật tự công cộng.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, 2 thanh niên bị thương nếu mức độ thương tổn từ 11% có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích”.