Khán giả truyền hình hẳn chưa quên những hình ảnh ấn tượng của diễn viên điện ảnh Lê Niềm thủ vai trung úy Vi trong phim Ván bài lật ngửa hay ông Ba Điền trong Cô thư kí xinh đẹp, chánh án Lê Anh Thức trong Hướng nghiệp... Một nhân vật phản diện luôn xuất hiện với những bộ đồ bóng loáng, nụ cười có duyên rất điển trai và phong cách bệ vệ của tầng lớp có chức có quyền. Phía sau màn ảnh, người diễn viên ấy sống lặng lẽ, khép mình trong khoảng trời riêng nên báo chí biết rất ít thông tin về anh. Tìm được anh là một may mắn, được anh trò chuyện, tâm sự lại là cả một hành trình gọi, hẹn, gặp.
Nụ hôn đầu tiên mở màn cho cuộc Cách mạng hôn môn trong điện ảnh trong phim Ván bài lật ngửa
Sinh ra là để vào vai “quyền cao chức trọng”
Cơ duyên đưa anh đến với điện ảnh cứ như trong giấc mơ bởi trước đó, anh chỉ là một người dân lao động bình thường trong gần 10 triệu dân của Sài Gòn. Một hôm, đạo diễn Lê Văn Dung tình cờ gặp anh trong một quán ăn ở Sài Gòn. Vừa nhìn thấy anh, ông đã hỏi một người bạn của mình về anh chàng có tướng mạo rất “phong trần” này. Ông đạo diễn liên tưởng đến ngay một nhân vật trong kịch bản phim của mình và ngỏ lời mời Lê Niềm tham gia đóng phim ngay.
Lê Niêm quá bất ngờ còn chưa hết ngạc nhiên thì được anh bạn đang là diễn viên động viên: “Cứ thử sức xem sao, không khó đâu. Miễn là khi đóng thoải mái tự nhiên như mình đang sống ngoài đời vậy đó. Còn lời thoại chỉ cần nắm được cái cốt, cái hồn là diễn tốt”.
Cũng muốn thử sức xem mình làm được đến đâu, Lê Niềm đồng ý đóng vai một nhà báo trong bộ phim Phượng. Từ thành công của bộ phim đầu tiên, Lê Niềm được mời đóng phim Ván bài lật ngửa của đạo diễn Khôi Nguyên với vai trung úy Vi, một vai phản diện mà Lê Niềm thể hiển rất thành công. Trong vai một sĩ quan ngụy quyền, Lê Niềm đã tạo nên hình ảnh ăn chơi trác táng, ngông cuồng của tầng lớp sĩ quan, binh lính dưới thời chế độ cũ. Và, chính từ vai diễn để đời này, Lê Niềm đã mở một cuộc cách mạng hôn môi cho điện ảnh thời bấy giờ.
Thời đó, điện ảnh con rất hạn chế những cảnh đóng ân ái và hầu như chưa có hôn môi. Lúc ấy, đạo diễn yêu cầu phải có cảnh viên trung úy Vi thể hiện thói ăn chơi sa đọa theo lối phương Tây bằng việc hôn môi một cô gái. Bắt đầu cảnh diễn (vì đây là lần đầu tiên diễn cảnh hôn môi thật sự-PV), ai nấy đều hồi hộp đặc biệt là hai diễn viên chính.
Trước khi diễn, Lê Niềm nói với bạn diễn phải thật bình tĩnh, lấy hết can đảm và dũng khí để thực hiện nụ hôn thật tốt. Cô gái này còn rất trẻ đang là sinh viên năm 3 tham gia đóng phim nên ngượng tím hết mặt. Lê Niềm tay chân run lật bật. Nhưng được sự động viên của cả ê kíp, cuối cùng anh đã thực hiện được màn hôn môi tuyệt đẹp mở đầu cho trường phái hôn môi trong điện ảnh.
Bây giờ, ngồi nhớ lại cảm giác ngày ấy, anh bảo vẫn ấn tượng và không bao giờ quên được. Một kỉ niệm khó quên trong đời diễn viên của mình là lần anh bị “bắn vào ngực”. Lúc đó, anh phải đeo thuốc nổ vào trước ngực, sau đó kéo giây điện chạy theo ống quần ra ngoài. Khi bên kia nổ súng thì cũng là lúc bên ngoài bấm nút cho khối thuốc trên ngực anh nổ tung. Mặc dù đã được lót tấm sắt bảo vệ nhưng Lê Niềm vẫn cảm thấy run sợ. Anh lại nghe mọi người xì xầm rằng, chỉ cần hai dây điện chập vào nhau là “toi” luôn nên càng hoảng.
Nhưng nỗi sợ nhanh chóng biến mất nhường chỗ cho sự lo lắng. Anh sợ mình diễn không đạt thì mất luôn chiếc áo đang mặc, ảnh hưởng đến các cảnh quay tiếp theo. Tiếng súng nổ vừa dứt cũng là lúc ngực anh đổ gục, máu chảy lênh láng ra ngoài. May là lần đó, anh diễn đạt chỉ phải thay mất hai cái áo.
Chánh án Lê Anh Thức trong phim Hướng Nghiệp
Duyên tình và những con số buồn
Lê Niềm được sinh ra và lớn lên ở đất Thần Kinh, chàng trai xứ Huế đầy thơ mộng ấy đã kém may mắn hơn các bạn đồng trang lứa khi chưa đủ tuổi đến trường đã trở thành cậu bé mồ côi cha. Trong tiềm thức non dại của mình, Lê Niềm chỉ biết rằng, cha mình đã vĩnh viễn rời bỏ gia đình để đi theo tiếng gọi trái tim. Cậu bé Lê Niềm sống trong tình thương khổ đau của người mẹ sống an phận với mái tranh nghèo.
Thời thơ ấu của một đứa trẻ nhà nghèo là những ngày tháng phải vật lộn với cái ăn cái mặc. Nhưng may thay, anh vẫn được cắp sách đến trường học hành đàng hoàng. Đôi chân từng bôn tẩu khắp các cung đường để nuôi dưỡng sự học của mình bởi anh nghĩ nếu không học thì vĩnh viễn không bao giờ thoát ra ngoài cái lớp vỏ của cái nghèo. Cánh cổng đại học luật đã mở rộng chào đón anh sau những tháng ngày miệt mài đèn sách.
Năm 1961, học xong đại học, Lê Niềm dứt áo ra đi tìm về phương Nam theo lời khuyên của bạn bè. Vào chốn đô hội của một thành phố náo nhiệt bậc nhất cả nước, Lê Niềm bắt đầu những chuỗi ngày lăn lộn với đủ các công việc chân tay nặng nhọc. Khi thì làm anh công nhân, khi lại làm thầy giáo đi dạy kèm mong sao nuôi đủ cái thân.
Gần 10 năm bám trụ Sài Gòn, từ một thầy giáo gõ đầu trẻ, anh rẽ ngang sang một lĩnh vực hoàn toàn đối lập đó là nhà kinh doanh. Sự bứt phá và liều mình của một con người không có gì để mất, đi lên từ hai bàn tay trắng. Dần dần anh đã xây dựng cho mình một vị trí nhất định trong vai trò người kinh doanh, một thương gia có tiếng ở tài thao lược và tầm nhìn vĩ mô. Ba cuộc tình ba lần đổ vỡ đã làm trái tim anh tan nát. Trong cơn tuyệt vọng tột cùng của số phận, anh tưởng mình sẽ gục ngã, muốn buông xuôi tất cả. Khi đứa con trai chào đời, người vợ đầu tiên đã ôm con bỏ đi viễn xứ không để lại một dòng thông tin nào. Sau gần 20 năm, anh mới bắt được liên lạc của người vợ đầu ở bên Mỹ.
Từ khi tan vỡ hạnh phúc đầu, Lê Niềm có một khoảng thời gian lạc lõng, hụt hẫng và chao đảo. Anh đi lang thang khắp nơi tìm chốn bình yên để tĩnh tâm. Anh bảo cũng có lúc mình “bồ bịch khủng khiếp” để trả thù đời. Con chim bay mãi cũng mỏi cánh, cuối cùng Lê Niềm gặp được người con gái mà anh muốn dừng chân. Chặng dừng chân này, anh có một đứa con trai nhưng rồi cũng theo gió bay đi. Chuyến đò kết thúc bằng một nỗi đau xé nát trái tim anh. Những ngày ân ái chẳng được là bao khi vợ anh đã sớm trở về với cát bụi.
Đóng chung với diễn viên Lý Hương
Trái tim đã bị thương tổn do hai cuộc tình mang lại, Lê Niềm vẫn lạc quan, chứ không chán chường như nhiều người nghĩ. Với suy nghĩ cởi mở, anh tiếp tục bước sang chuyến đò thứ 3 với hai đứa con ngoan hiền. Cuộc sống ghép đôi không bằng phẳng như anh tưởng, Lê Niềm bỏ lại tất cả cho người vợ thứ ba, ra đi hai bàn tay trắng. Anh bảo đó là cái số của mỗi con người. Mình chỉ biết sống và biết chấp nhận thực tế. Gần 50 tuổi, trải qua 3 đời vợ, thượng đế đã an bài đế không ưu ái cho anh. Nhiều đêm một mình ngồi ngắm trời đêm, anh buột miệng đọc lên những vần thơ chua chát: “Ta như chiếc thuyền con không bến đỗ/ Quãng đời dài cứ trôi dạt bơ vơ/ Mà bao năm chẳng có kẻ đợi chờ/ Lòng nặng trĩu ôm chuyện tình dang dở”.
Anh lại lê bước khắp các nẻo đường của thành phố về đêm mông lung xây lâu đài cát trong miền nhớ. Đêm nối đêm anh gọi mãi người thương mà bao cố nhân không bao giờ quay lại. Càng nhớ càng đau khổ họ càng trở nên xa xôi cách trở. Sau mỗi lần ra đi, anh bắt đầu lại bằng con số 0 và dường như, ông trời không lấy đi của anh tất cả. Trên đường tình duyên, anh gặp trắc trở nhưng con đường làm ăn có những lúc phất lên như diều gặp gió. Anh kiếm tiền rất giỏi. Anh làm đủ thứ nghề mà chẳng nghề nào là chuyên môn của anh. Anh được mời làm trợ lý Tổng biên tập tạp chí Kỹ nghệ Kim hoàn Việt Nam rồi cố vấn đặc biệt của một số công ty kinh doanh.
Đóng vai người nghèo không nổi Vóc người đậm chắc, sở hữu khuôn mặt sang trọng cùng mái tóc lúc nào cũng vuốt keo bóng mượt, Lê Niềm được các đạo diễn nhắm tới trong các vai quan lớn hoặc địa chủ và các vai phản diện. Sau thành công của Ván bài lật ngửa, Lê Niềm luôn bận rộn với các lời mời đóng phim. Mỗi khi vào vai là anh quên hết mình là ai, anh hóa thân một cách xuất sắc làm các đạo diễn luôn yên tâm. Lê Niềm chia sẻ: “ Tôi chỉ đóng được các vai quan lớn, giám đốc hay địa chủ là đạt còn đóng những vai nhà nghèo, ăn mày khố rách áo ôm là đóng không nổi. Có lần vào vai người nông dân nhà quê mà sao khó quá, đóng cứ ngượng ngùng, lúng túng làm sao ấy. Vậy là phải hủy bỏ vai diễn”. |
Hoa Nguyên