Nghiên cứu này được thực hiện trên gần nửa triệu người tại Anh và diễn ra trong 6 năm, do Kristen Knutson và các đồng nghiệp tại ĐH Northwestern tiến hành. Kết luận thu được của nghiên cứu là những người thường thức khuya có khả năng tử vong sớm hơn 10% so với những người đi ngủ đúng giờ.
Lý do nghiên cứu tìm được là vì những người thường thức đêm dễ mắc các bệnh rối loạn sức khỏe tâm thần, béo phì và các chứng bệnh thần kinh khác. Bên cạnh đó, do việc thức đêm nên họ thường không ngủ đủ, không tập luyện sức khỏe, thường sử dụng thuốc và đồ uống có cồn,…
Kristen Knutson cho biết: "Bạn không nên cố ép họ phải thức dậy để đi làm ca sáng lúc 8 giờ. Thay vào đó, hay sắp xếp các ca làm việc phù hợp với đồng hồ sinh học của từng người - một số người có lẽ thích hợp hơn để làm các ca đêm". Tức là những người thường thức đêm có lẽ có đồng hồ sinh học không khớp với môi trường bên ngoài.
Một nghiên cứu khác được thực hiện năm 2012, công bố trên tạp chí Emotion cho thấy những người dậy muộn có tâm trạng tệ hơn những người dậy sớm. Một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Psychiatry and Clinical Neurosciences cho biết nguy cơ mắc bệnh trầm cảm của những người dậy muộn cao gấp 3 lần những người dậy sớm.
Nguyên nhân là vì những người dậy muộn thường thiếu thời gian để lên kế hoạch tốt hơn dẫn đến cảm giác thiếu tự tin, từ đó sinh ra các suy nghĩ âu lo, thiếu tích cực. Một số nhà khoa học của ĐH Toronto cũng khẳng định những người dậy sớm thường tỉnh táo hơn, vui vẻ hơn và hệ miễn dịch của họ hoạt động tốt hơn.
Vì thế, Kristen Knutson đưa ra lời khuyên là những người khó thức dậy vào buổi sáng nên có giải pháp để khắc phục tình trạng này. Chẳng hạn đặt giờ ngủ nghiêm khắc, không để công việc dồn lại đến tối khuya và cố gắng tiếp xúc với ánh sáng sớm.