Người đề xuất gộp Tết ta với Tết tây ăn Tết thế nào?

Người đề xuất gộp Tết ta với Tết tây ăn Tết thế nào?

Nguyễn Văn Báo

Nguyễn Văn Báo

Thứ 5, 01/02/2018 18:45

GS. Võ Tòng Xuân, người khởi xướng ý tưởng gộp Tết Nguyên đán cổ truyền với Tết tây (dương lịch) tiết lộ, bản thân và gia đình đã giảm bớt đáng kể thời gian ăn Tết Nguyên đán, thậm chí có năm, ông vẫn đi công tác bình thường.

Ý tưởng gộp Tết Nguyên đán vào Tết Dương lịch của GS. Võ Tòng Xuân từ cách đây 11 năm đến nay vẫn là chủ đề gây tranh cãi. Nhiều người thắc mắc, bản thân GS. Xuân là người đưa ra ý tưởng, vậy ông cùng gia đình đã thực hiện ý tưởng đó thế nào? Đã thực hiện việc bỏ ăn Tết Nguyên đán hay chưa?

Trước thắc mắc trên, PV báo Người Đưa Tin đã đặt câu hỏi với GS. Võ Tòng Xuân. Ông Xuân cho hay: “Tết Dương lịch, gia đình tôi thường tổ chức lớn hơn một chút, tối giản việc đón Tết Nguyên đán âm lịch”.

Xã hội - Người đề xuất gộp Tết ta với Tết tây ăn Tết thế nào?

Quan điểm gộp Tết Nguyên đán với Tết tây (dương lịch) gây nhiều tranh cãi. (Ảnh: Internet).

 

Theo GS. Võ Tòng Xuân, thông thường Tết Nguyên đán, ông và gia đình chỉ ăn Tết trong 3 ngày. Những ngày Tết vẫn có đầy đủ bánh chưng và lễ nghi cổ truyền như mừng tuổi, xông nhà…

“Nhà tôi vẫn có bánh chưng nhưng không tự gói mà đi mua, vẫn có mọi thứ nhưng đơn giản thôi, không cầu kỳ, tốn kém”, GS. Võ Tòng Xuân nói.

Thời gian cụ thể, GS. Xuân cho biết: “Ngày mùng 1 Tết, tôi mừng tuổi con, cháu, sau đó sang thăm họ hàng. Mùng 2 tôi lên trường chúc Tết, khách khứa ở trường. Mùng 3 Tết, tôi về cúng giỗ ông bà. Rồi có những năm, dù Tết nhưng tôi vẫn đi công tác ở nước ngoài”.

Người đề xuất gộp Tết ta với Tết tây tiết lộ về dự định đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 này: “Dịp Tết Nguyên đán năm nay, tôi dự định sẽ đi thăm mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Quảng Bình. Nhưng đi như thế, tôi sẽ mất 4 ngày liền nên đang tính toán cho hợp lý”.

Ngoài ra, GS. Võ Tòng Xuân còn cho rằng, bên cạnh những người tin tưởng vào lễ nghi, phong tục, cũng có những người hiện đại, có lối sống mới không màng về Tết và những phong tục xưa. Chưa kể, ở đất nước ta, mỗi vùng miền sẽ có phong tục riêng, bản sắc riêng nên những thủ tục cúng lễ có thể đúng hay quan trọng với vùng này mà lại không cần thiết với vùng kia.

Qua đó, ông cho rằng mọi thứ nên vừa phải, đừng to tát quá, chỉ nên giữ lại những gì tốt đẹp nhất. “Tôi thí dụ như phong tục con cái mừng tuổi bố mẹ, ông bà mừng tuổi con cháu đó là nét đẹp chúng ta nên giữ lại… còn những hủ tục mê tín thì nên bỏ đi. Với lễ hội cũng thế, tôi nghĩ lễ hội không nên bỏ mà chỉ nên cải tiến theo hướng văn minh, đừng mê tín quá bởi lễ hội còn tạo ra việc làm, thu nhập cho địa phương thu hút khách du lịch”, GS. Võ Tòng Xuân bày tỏ.

Trước đó, GS. Võ Tòng Xuân cho biết, qua 11 năm đề xuất gộp Tết ta với Tết tây, ông khảo sát ý kiến độc giả trên một số tờ báo thì thấy lượng người ủng hộ quan điểm của ông tăng dần theo từng năm.

Mặc dù ý tưởng gộp Tết ta với Tết tây của ông gặp phải nhiều phản ứng nhưng ông vẫn có niềm tin rằng, một ngày nào đó, ý tưởng này sẽ thành hiện thực. Khi ấy, Tết Nguyên đán đối với người dân Việt Nam sẽ là một ngày để tưởng nhớ tổ tiên.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.