Rạng sáng 10/4, đoàn Liên ngành Văn hóa - Xã hội phối hợp phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM ập vào kiểm tra karaoke XO trên đường Trường Chinh, quận 12, TP.HCM.
Chủ quán karaoke là Trần Ngọc Phúc, tức Phúc XO (SN 1983, ngụ quận 12) cũng bị tạm giữ để điều tra, vì tình nghi hoạt động có liên quan đến ma túy tại tụ điểm kinh doanh của nhân vật này.
Có thể nói, thông tin này nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng, bởi trước đó Phúc XO nổi tiếng trên internet, và được biết đến là người đeo vàng nhiều nhất Việt Nam. Có những thời điểm, Phúc XO đeo đến 17kg vàng trên người.
Phúc XO từng cho biết, Phúc đeo vàng từ năm 2013 và mỗi năm lại thêm mỗi món bằng vàng khủng. Lý giải cho việc đeo nhiều vàng trên người, Phúc XO nói do được thầy phong thủy “mách” đeo nhiều vàng để mang về vận may và tốt cho sức khỏe.
Ngoài ra, trong trận bán kết lượt về giữa Việt Nam và Philippines tại giải bóng đá AFF Suzuki Cup 2018, Phúc XO cũng xuất hiện tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, trên người đeo nhiều trang sức bằng vàng khủng, có khối lượng lên đến 13kg vàng.
Việc đại gia phúc XO bị bắt khiến dư luận dậy sóng, trước đó chính những hình ảnh hào nhoáng, vàng đeo khắp người của vị đại gia này chính là thứ khiến nhiều người thích, thậm chí ao ước được như vị đại gia này. Từ thực tế mạng ảo – đời thực, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có một cơ chế quản lý, giáo dục đến đại bộ phận giới trẻ để tránh bị ảo tưởng, học đòi làm theo những điều không tốt trên mạng xã hội.
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, chuyên gia tâm lý Lê Thị Tuý cho hay: “Việc Phúc XO đeo nhiều vàng trên người, đi ra đường thật lố bịch. Phải hỏi xem ông ta đeo đầy vàng đi ra ngoài đường để làm gì? Lý do đeo vàng là gì có phải khoe mẽ, làm màu hay không? Tôi cho rằng, vấn đề ở đây là việc nhận thức, chuẩn giá trị đang bị lệch lạc. Phúc XO cứ nghĩ rằng khoe vàng là đúng, khoe vàng là nổi tiếng nhưng tôi chỉ thấy phản cảm”.
Thế nhưng, xét về mặt tâm lý, chuyên gia tâm lý Lê Thị Tuý cho rằng: “Giới trẻ mới lớn hiện nay được tiếp cận với mạng xã hội rất nhiều, bố mẹ có khi còn lạc hậu không biết đến mạng, nên con trẻ học theo những “thần tượng bẩn” như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền và Phúc XO… là điều vô cùng nguy hiểm, lệch chuẩn. Trẻ không phân biệt được đó là điều xấu, càng khiến chúng tò mò, thậm chí coi đó là thần tượng và muốn làm theo”.
Để giới trẻ tránh bị ảo tưởng, đua theo những cái tên nêu trên, chuyên gia tâm lý Lê Thị Tuý bày tỏ: “Cần phải có những phần tuyên truyền làm sao để giới trẻ phân biệt được đâu là tốt - xấu, cái tốt thì tuyên truyền rộng rãi còn cái xấu thì nên phê phán mạnh mẽ”.
Cũng trao đổi thêm với PV, nguyên ĐBQH Bùi Thị An cho rằng: “Đây là vấn đề giáo dục rất cốt lõi, giáo dục nhân cách con người. Chỉ khi có nhân cách, phẩm cách thì mới phân biệt được đúng sai. Nên việc giáo dục cần kết hợp cả gia đình, nhà trường, xã hội…”.
Tuy nhiên, theo nguyên ĐBQH Bùi Thị An để giáo dục được còn nhiều yếu tố: “Thứ nhất, mạng xã hội không thể dẹp bỏ được, chỉ có điều có thể đưa lên mạng nhiều hình ảnh đẹp để át những hình ảnh không thực. Tiếp nữa, cố gắng kiểm soát những dòng thông tin, hình ảnh “độc” tiếp cận đến trẻ em, hoặc với những người chưa có khả năng phân biệt đúng sai. Nên việc kết hợp giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội là vô cùng quan trọng”.
Đánh giá về các cơ quan quản lý xử lý sự việc như của Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền và gần đây nhất là Phúc XO đang gây xôn xao dư luận. Nguyên ĐBQH Bùi Thị An bày tỏ: “Tôi đánh giá cao sự xử lý kịp thời của cơ quan quản lý trong việc ngăn chặn những không gian độc hại đến công chúng, đặc biệt đến giới trẻ. Để giới trẻ dần dần nhận ra rằng, những thần tượng mà trẻ em nhìn thấy trên mạng và ngoài hiện thực khác hẳn nhau, từ đó có thể tránh, adua làm theo”.