Những ngày gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin người đẹp Nguyễn Thị Hà, có mái tóc đẹp nhất Hoa hậu Việt Nam 2014 bất ngờ bị tố giật chồng của chuyên gia trang điểm trong cuộc thi Hoa hậu 2014.
Chia sẻ trên báo chí, người đẹp này phủ nhận rằng: “Em không giật chồng ai, là anh ấy đến với em. Mình không có nên mình vẫn thản nhiên thôi... Em cũng quan niệm rằng, tình yêu không có lỗi gì cả, khi yêu con người hay mất lý trí... Lên tiếng về chồng con là chuyện của chị đó và anh T., em không xen vào”.
Mặc dù vậy, trên mạng xã hội, dư luận cũng đưa ra nhiều ý kiến tranh luận trái chiều, nhất là khi người vợ của anh T. đăng đàn “tố” mối quan hệ này.
Dù cho câu chuyện còn nhiều điều cần làm rõ, thế nhưng không ít người tranh luận về khái niệm “giật chồng”, thế nào là vi phạm luật hôn nhân gia đình? Từ những thắc mắc này, PV đã lắng nghe chia sẻ, phân tích từ chuyên gia, luật sư.
Theo đó, nói về khái niệm “giật chồng” chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho biết: “"Giật chồng" được hiểu theo nghĩa một gia đình đang hạnh phúc, nhưng có một người xen vào làm người thứ 3. Như vậy đồng nghĩa với việc “tranh cướp”. Để ám chỉ việc "giật chồng, mất chồng", các cụ ngày xưa thường dùng câu “tranh vợ cướp chồng”. Theo tôi được biết, ở miền Bắc mọi người thường dùng từ "cướp chồng", còn từ “giật chồng” xuất phát từ tiếng miền Nam và dư luận thường lên án hành động “giật chồng” đặc biệt liên quan về mặt đạo đức”.
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy không bàn luận sâu về trường hợp cụ thể của người đẹp Nguyễn Thị Hà, nhưng bà cho hay việc “tranh vợ cướp chồng” là hiện tượng mang tính chất phổ biến trong xã hội.
Chuyên gia Lê Thị Túy cho biết: “Tình yêu không phân biệt chân dài hay đại gia, giàu hay nghèo mà phải xuất phát từ con tim, trong sáng, tinh khiết. Nhưng, trong xã hội hiện nay, khi có câu chuyện tình nào liên quan đến chân dài đại gia là mọi người hay có thành kiến xấu. Bởi lẽ, có những cô chân dài chỉ thích lấy đại gia để họ được chiều chuộng, được đáp ứng nhu cầu về vật chất. Thế nhưng, đây không thể gọi là tình yêu mà là sự lợi dụng lẫn nhau, tôi cho rằng điều này cần phải lên án.
Thêm một giả thiết, nếu người đàn ông ruồng rẫy vợ con và đi theo người phụ nữ khác, còn người phụ nữ khác biết người đàn ông đã có gia đình, nhưng vì tiền lại chấp nhận làm người thứ 3, phá hoại hạnh phúc gia đình cũng là điều không thể chấp nhận được, xã hội phải lên án mạnh mẽ. Ngược lại, nếu một trong hai người đã ly hôn thì họ thoải mái đến với nhau, không vi phạm luật pháp”.
Trao đổi thêm với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Phạm Văn Phất (văn phòng luật sư An Phát Phạm) cho biết: “Trong Bộ luật Hình sự có quy định về tội Vi phạm chế độ một vợ một chồng. Cụ thể: “Người nào có vợ có chồng mà lại chung sống như vợ chồng với người khác thì bị xử lý”. Tuy nhiên, theo tôi thấy, nhiều người hay gọi là “giật chồng”. Đây là từ ngữ dân gian xưa nói, từ này không dùng trong thuật ngữ pháp lý".
Điều 182, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội "Vi phạm chế độ một vợ, một chồng".
Người nào đang có vợ, chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, vợ thuộc một trong các trường hợp: Làm cho quan hệ hôn nhân của một trong hai bên dẫn đến ly hôn, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát, đã có quyết định của tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.