Chân dung “cô nữ sinh viên” xinh đẹp Nguyễn Mai Phương. |
Vậy mà, tới năm thứ 2, Phương đã trúng tiếng sét ái tình của chàng trai cùng trường, để rồi, cả hai đã trượt dài…
Đến bây giờ, khi cả hai phải đứng trước vành móng ngựa, để trả giá cho lỗi lầm của mình bằng chục năm tù khiến Phương tiếc nuối. Giá như, ngày ấy, biết được việc người yêu làm, Phương phải ngăn chặn để bảo vệ hạnh phúc của mình mới đúng. Nhưng vì đua đòi, thích chạy theo đồng tiền, thích được tặng những thứ quà xa xỉ khiến cho Phương và người tình lạc lối.
Đường đi của những chuyến “hàng” trắng tại Hà Nội
Theo điều tra, Nguyễn Mai Phương và bạn trai là Nguyễn Anh Thắng (tức Thắng Trì), SN 1985, trú tại thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội, sinh viên năm thứ 4 trường ĐHTDTT đã tham gia và là mắt xích tiêu thụ ma túy trong đường dây buôn bán ma túy tổng hợp xuyên quốc gia của cặp vợ chồng “trùm ma túy” Nguyễn Bá Thủy, SN 1969 và Đoàn Thị Thúy Hồng, SN 1968, trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội. Cặp vợ chồng này đã tạo thành mạng lưới có tổ chức khi đưa “hàng” từ Campuchia về TP HCM ra Hà Nội và từ Trung Quốc về Hà Nội và vào TP HCM. Ở hai TP lớn Hà Nội và TP HCM, cặp vợ chồng Thủy và Hồng “cắm chốt”, tạo thành hai mạng lưới cung cấp trái phép chất ma túy tổng hợp khép kín với số lượng rất lớn. Chỉ tính riêng từ cuối năm 2009 đến ngày 21-4-2010, các đối tượng trong vụ án đã thực hiện trót lọt trên 80 lượt mua bán, với nhiều loại ma túy khác nhau, trọng lượng lên đến 4kg, với thủ đoạn rất tinh vi. Cùng với đó, cặp vợ chồng này đã sử dụng mắt xích quan trọng là Phạm Quang Hưng, SN 1975, trú tại phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vận chuyển ma túy cho vợ chồng Thủy và Hồng từ TP HCM ra Hà Nội và ngược lại. Để thuận lợi cho việc vận chuyển ma túy qua đường hàng không, Thủy đã sử dụng “chân rết” làm ở xí nghiệp Thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất làm giấy tờ giả để qua mặt lực lượng an ninh.
Sau khi vận chuyển trót lọt, Hưng sẽ chuyển “hàng” về Hà Nội cho Hồng. Tại đây, bà “trùm ma túy” này sẽ chuyển cho các “chân rết” khác tiêu thụ. Trong đó, có Nguyễn Thị Ngọc Điệp, SN 1976, trú tại ngõ Trại Cá, phường Tr¬ương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tại đây, Điệp chia nhỏ và đưa cho người tình kém mình đến cả chục tuổi là Đặng Thanh Sơn và các ”chân rết” khác tiêu thụ, trong đó có Phương và Nguyễn Anh Thắng. Điều đáng nói Sơn và Nguyễn Anh Thắng từng là bạn thân và cùng nhau đi thi đấu trong nhiều mùa giải. Tuy nhiên, đồng tiền đã làm lóa mắt hai vận động viên này.
Theo đó, Thắng chuyên đảm nhiệm mảng mang “hàng” giao cho các vũ trường của Hà Nội. Cuối năm 2009, Điệp gọi điện cho một đối tượng tên Tuấn Anh đặt vấn đề mua 100 viên thuốc lắc màu hồng in hình trái tim, với giá 13 triệu đồng. Sau đó, Điệp đã giao cho Thắng tiền đi lấy “hàng”. Thắng đã cùng với một ”chân rết” khác của Điệp đến phố Bà Triệu, (cạnh Vincom) gặp Tuấn Anh và nhận 100 viên thuốc lắc. Sau khi có số hàng trên, Điệp bán cho Nguyễn Mai Phương và Nguyễn Anh Thắng 12 viên. Tiếp theo, khoảng tháng 10-2009, Điệp gọi Thắng lên tầng hai giao cho hắn ta 30 viên thuốc lắc màu hồng in hình cây xăng (với trọng lượng 9,51g ma túy tổng hợp ở thể rắn) và bảo Thắng chở Tráng mang đến đường Láng, bán cho Hồng giá 3,9 triệu đồng.
Thắng cầm gói thuốc lắc xuống tầng một đưa cho Tráng, Tráng cho vào vỏ bao thuốc lá và ngồi sau xe Thắng mang đến bán cho Hồng ở một quán cà phê trên đường Láng. Sau đó, Thắng lại cùng với Tráng mang tiền về nơi trọ cho bà chủ Điệp. Tiếp đến cuối năm 2009, Điệp giao cho Tráng sáu viên thuốc lắc in hình con cá ngựa (với trọng lượng 1,872g ma túy ở thể rắn) tại phòng trọ của Điệp, sau đó, Thắng chở Tráng mang đến cổng BV Bạch Mai, giao cho khách của Điệp và nhận gần 1,4 triệu đồng. Ngoài ra, Phương còn hai lần khác đã cùng người tình “vác” ma túy đi bán tại Đầm Trấu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
“Bóng hồng” trẻ trung, xinh đẹp trong đường dây…
Giờ đây, khi đối diện với những năm tháng trong trại giam khiến cô sinh viên xinh đẹp ngày nào thấy đắng ngắt. Theo lời Phương thì cô là con lớn trong gia đình có 3 chị em. Bố là huấn luyện viên bóng bàn của trường nghiệp vụ Thể dục thể thao tỉnh Hưng Yên, còn mẹ làm ở một cơ quan ở tỉnh Hưng Yên. Nhà Phương thuộc diện khá giả.
Tuy nhiên, cuộc sống bất hạnh lại ập đến gia đình Phương khi hai em gái của cô lần lượt bỏ bố mẹ ra đi khi mới lên 1 và 3 tuổi vì chứng bệnh suy tim. Đau buồn, nhưng cả cha lẫn mẹ đều quyết định không sinh thêm con nữa mà dồn tất cả tình thương yêu, nuôi dạy Phương với hy vọng cô sẽ làm rạng danh cho họ. Và đúng như thế, cô bé Phương ngày nào như thấu hiểu được nỗi bất hạnh của những người sinh thành nên cô đã cố bù đắp khi ngay từ nhỏ, Phương đã thích cái “nghiệp” bóng bàn. Lên 6 tuổi, Phương được cha rèn luyện và đi thi đấu nhiều giải trên toàn quốc.
Trong đó, cô đã góp phần cùng đồng đội mang về cho đội nhà tấm Huy chương Bạc đơn nữ ở giải Bóng bàn trẻ thiếu niên toàn quốc năm 2003. Ngoài ra, ở giải 12 cây vợt xuất sắc, Phương cũng đã mang về cho đội nhà tấm Huy chương Bạc và đạt giải cao nhất trong nghiệp thi đấu của mình là giải 16 vận động viên cấp 1... Lúc ấy, ai cũng mừng cho bố mẹ Phương khi có cô con gái rượu biết cách bù đắp cho cha mẹ bằng những thành tích đáng nể phục. Thế rồi, dù biết Phương có lợi thế về thể dục thể thao, nhưng lo cho con gái theo nghiệp thể thao sẽ khổ, nên gia đình đã định hướng cho Phương học văn thư lưu trữ. Nhưng Phương một mực không nghe và xin bằng được bố mẹ cho thử sức ở trường ĐHTDTT.
Hè năm 2008, Phương như vỡ òa trong sung sướng khi cô nhận được giấy báo nhập học của trường ĐHTDTT. Dù trong lòng không muốn con theo nghiệp mình, nhưng bố Phương đành chấp nhận những cố gắng và sở thích của con. Lên trường nhập học, Phương hứa với cha mẹ sẽ phấn đấu học tập, rèn luyện và mang nhiều thành tích về cống hiến cho thể thao tỉnh nhà. Đúng như những gì cô đã hứa, ngay từ khi nhập trường, sở hữu khuôn mặt xinh đẹp lại cá tính, nổi bật với nhiều thành tích thể thao đáng nể, Phương được bầu làm lớp trưởng ngay năm đầu tiên.
Cũng như nhiều bạn bè khác, Phương chọn KTX là nơi sinh hoạt để tiện học tập. Dù nhà có điều kiện, nhưng Phương dành rất ít tiền cho việc ăn uống mà chủ yếu sắm những bộ quần áo cho hợp thời trang. Cũng có lẽ vì thế, cô được rất nhiều chàng trai trong trường để mắt tới. Nhưng, như duyên trời định, trong một lần cô cùng nhóm bạn “tứ quái” tổ chức nấu cơm trộm trong KTX thì bất ngờ bị đồng chí tổ trưởng tổ trực trường Nguyễn Anh Thắng, sinh viên năm thứ 4 bắt gặp.
Thắng cũng là con trai duy nhất trong gia đình bố mẹ làm trong lực lượng vũ trang ở Hà Nội. Sở hữu chiều cao lý tưởng 1,78m, khuôn mặt điển trai, khiến cho “sự cố” nấu cơm trong KTX ấy lại là kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời sinh viên của Thắng và Phương. Đó cũng là cái ngày đánh dấu bước ngoặt của cuộc đời cả hai người với bao niềm vui, nhưng cũng đầy đắng cay…
Theo Nguyễn Vũ (Pháp Luật Xã Hội)