Người đẹp Việt thi Hoa hậu online: Nghi vấn dùng chiêu trò “lách luật"

Người đẹp Việt thi Hoa hậu online: Nghi vấn dùng chiêu trò “lách luật"

Hà Thị Linh

Hà Thị Linh

Chủ nhật, 11/10/2020 19:00

Mang danh là người đại diện Việt Nam tranh tài tại Hoa hậu Trái đất 2020 - Miss Earth, nhưng người đẹp Thái Thị Hoa lại bị đối diện nghi án "lách luật".

Những khúc mắc cần làm rõ

Mới đây, trang chủ của cuộc thi Mis Earth 2020 (Hoa hậu Trái đất 2020) chính thức công bố đại diện của Việt Nam là người đẹp Thái Thị Hoa (sinh năm 1994, quê Gia Lai). Về phía Thái Thị Hoa, cô cũng xác nhận thông tin sẽ dự thi Hoa hậu Trái đất năm nay. Đáng nói, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên các thí sinh tham dự năm nay sẽ thi online (trực tuyến), chứ không đến Philippines dự thi trực tiếp.

Chưa bàn đến chuyện người đẹp này tài sắc vẹn toàn đến đâu, nhưng việc Thái Thị Hoa có đáp ứng được những tiêu chí “danh chính, ngôn thuận” để đại diện Việt Nam “chinh chiến” tại đấu trường sắc đẹp quốc tế hay không đang là thắc mắc chung của số đông. Sẽ chẳng có gì đáng ồn ào, nếu khán giả không phát hiện ra những điểm bất thường liên quan đến chân dài sinh năm 1994.

Giải trí - Người đẹp Việt thi Hoa hậu online: Nghi vấn dùng chiêu trò “lách luật'

Người đẹp Thái Thị Hoa gây tranh cãi khi đại diện Việt Nam thi Hoa hậu Trái đất 2020.

Điều kiện và thủ tục cấp giấy phép dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế, nêu rõ: Được một tổ chức Việt Nam có đăng ký kinh doanh dịch vụ văn hóa, nghệ thuật hoặc quyết định thành lập có chức năng hoạt động văn hóa, nghệ thuật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền làm đại diện, thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế và đưa đi dự thi. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, dù tên và hình ảnh của Thái Thị Hoa đã xuất hiện trên trang chủ của Miss Earth 2020, song phía người đẹp này vẫn chưa “trình” được giấy phép đi thi quốc tế do cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) cấp.

Khi hỏi đến vấn đề xin phép cơ quan chức năng, đại diện truyền thông của công ty cổ phần A Sen Kovi – đơn vị cử Thái Thị Hoa đi thi biện minh rằng, do cuộc thi năm nay tổ chức theo hình thức online thông qua các kênh mạng xã hội, thí sinh tham dự vẫn sẽ ở trong nước, không ra nước ngoài dự thi, nên không nằm trong nghị định cấp phép của Chính phủ. “Chúng tôi có làm công văn gửi lên Cục để cơ quan chức năng nắm bắt và theo dõi! Vì việc thi trực tuyến không nằm trong nghị định cần phải cấp phép, nên Thái Thị Hoa tham gia là không hề sai luật”, người này nói.

Chưa kể, những danh hiệu sắc đẹp mà Thái Thị Hoa đang nắm giữ cũng dấy lên nhiều tranh cãi. Theo tìm hiểu, người đẹp gốc Gia Lai từng lọt top 70 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, Á hậu 2 Miss Vietnam Universe Ambassador. Nhiều người đang thắc mắc, tại sao Thái Thị Hoa không “đạt danh hiệu chính tại các cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước” theo Nghị định 79/2012/NĐ-CP và Nghị định 15/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 79/2012/NĐ-CP, nhưng vẫn được dự thi quốc tế. Hồi đáp về điểm bất thường này, đại diện đơn vị cử Thái Thị Hoa đi thi một lần nữa lấy cớ do cuộc thi tổ chức online. “Nếu thí sinh trực tiếp sang Philippines dự thi, tất nhiên phải có giải chính quy. Nhưng, không có quy định yêu cầu thi online tại Việt Nam phải có danh hiệu, nên cơ hội sẽ rải đều cho tất cả mọi người”.

Giải trí - Người đẹp Việt thi Hoa hậu online: Nghi vấn dùng chiêu trò “lách luật' (Hình 2).

Lời giải thích của phía đơn vị lựa chọn Thái Thị Hoa dự thi là chưa thỏa đáng. Bởi, thi online hay trực tiếp chỉ là hình thức tổ chức, còn về bản chất Hoa hậu Trái đất vẫn là một cuộc thi quốc tế. Rõ ràng, thí sinh đại diện Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ điều kiện theo luật hiện hành. Nếu dễ dãi vin vào đủ lý do như người đẹp này, thì hẳn ai cũng có thể đại diện Việt Nam tham gia các đấu trường nhan sắc quốc tế. Thế nên, nghi vấn phía Thái Thị Hoa đang lợi dụng kẽ hở để "lách luật", muốn “qua mặt” cơ quan quản lý khiến dư luận xôn xao không phải không có căn cứ.

“Đá bóng” trách nhiệm?

Đáng nói, việc lựa chọn một thí sinh vướng nhiều ồn ào đại diện nhan sắc quốc gia đi thi quốc tế, trách nhiệm đầu tiên thuộc về đơn vị nắm giữ bản quyền Hoa hậu Trái đất tại Việt Nam. Tréo ngoe thay, năm nay đơn vị này lại ủy quyền cho công ty cổ phần A sen Kovi lựa chọn đại diện, nên dễ hiểu khi nảy sinh ồn ào, họ có cớ phủ nhận những trách nhiệm liên quan.

Giải trí - Người đẹp Việt thi Hoa hậu online: Nghi vấn dùng chiêu trò “lách luật' (Hình 3).

Ông Phúc Nguyễn – đại diện đơn vị nắm bản quyền Hoa hậu Trái đất tại Việt Nam.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Phúc Nguyễn – đại diện đơn vị nắm bản quyền Hoa hậu Trái đất tại Việt Nam giải thích: “Vì công ty sở hữu rất nhiều bản quyền các cuộc thi quốc tế, nên thường có hai phương án. Thứ nhất, chúng tôi sẽ trực tiếp chọn đại diện Việt Nam cho các cuộc thi này, thông qua tổ chức cuộc thi Ngôi sao danh vọng. Các thí sinh có danh hiệu hợp lệ, mới xin được giấy phép dự thi quốc tế từ cơ quan quản lý. Thứ hai, công ty tôi sẽ uỷ quyền cho một đơn vị khác có nhu cầu lựa chọn đại diện. Nhưng năm nay, vì dịch bệnh, cuộc thi Ngôi sao Danh vọng không tổ chức được, nên công ty tôi đã ủy quyền cho công ty CP A sen KoVi lựa chọn đại diện và nhận về một khoản chi phí phù hợp”.

Trong khi đó, Thái Thị Hoa lại nói rằng, cô làm việc trực tiếp với đơn vị nắm giữ bản quyền Hoa hậu Trái đất tại Việt Nam, chứ không qua một công ty ủy quyền nào khác. Phản hồi về điều này, ông Phúc Nguyễn giải thích: “Dĩ nhiên, khi tôi ủy quyền lựa chọn đại diện cho một công ty khác, tôi phải trực tiếp làm việc với họ và giải đáp mọi thắc mắc. Tôi có gặp người đại diện Việt Nam và phía được ủy quyền. Nhưng, tôi khẳng định, chỉ khi nào công ty chúng tôi tự tổ chức cuộc thi, đó mới là đại diện bên tôi lựa chọn. Còn, năm nay, việc lựa chọn Thái Thị Hoa thi Hoa hậu Trái đất sẽ do bên được uỷ quyền chịu hoàn toàn trách nhiệm, chứ không liên quan đến công ty tôi”.

Từ lùm xùm trên, lại nảy sinh vấn đề có hay không chuyện “đá bóng” trách nhiệm. Nhìn nhận về câu chuyện này, luật sư La Văn Thái (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: “Việc đại diện đơn vị nắm giữ bản quyền Hoa hậu Trái đất tại Việt Nam “né” trách nhiệm trong trường hợp này là không đúng. Một cá nhân, đơn vị (bên A) ủy quyền cho cá nhân, đơn vị khác (bên B) làm thay công việc của mình, đừng nghĩ rằng, khi ủy quyền xong, là bên A có thể rũ bỏ hoàn toàn trách nhiệm.

Ở đây, phía ủy quyền vẫn phải chịu trách nhiệm và giám sát công ty cổ phần A sen KoVi thực hiện công việc đúng quy định pháp luật, để đảm bảo uy tín của mình. Tại sao khi lựa chọn đại diện sẽ xin phép cơ quan chức năng, nhưng không giám sát công ty uỷ quyền tuân thủ đúng quy trình đó? Khi xảy ra các vấn đề phát sinh, phía ủy quyền phải làm sáng tỏ sự việc, để giải đáp mọi thắc mắc, chứ không thể “rũ bỏ” trách nhiệm”.

Tú Anh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.