Tường trình của ông Nguyễn Văn Phúc, bảo vệ Vicem Tam Điệp cho thấy, lúc 10h15 sáng 17/12, khi đang gác tại nhà điều hành thì bà Phạm Thị Ngọc Lan đến xin vào công ty nhưng vì không có chứng minh nhân dân nên không được chấp nhận. Sau đó bà Lan đi ra cổng lên taxi đỗ cách đó khoảng 15m.
“Tôi thấy trên xe taxi có thêm 3 người con trai, sau đó xe chạy dọc hàng rào công ty. Một lúc sau nghe thấy 3 người đàn ông này bước xuống taxi và hô có người thắt cổ. Một lúc sau bà Lan cùng 3 người đàn ông này lên xe đi ra hướng Ninh Bình”, tường trình của ông Phúc, cho biết.
Ông Phúc, bảo vệ công ty Xi măng Tam Điệp cho biết "người đẹp xứ Thanh" đi tự tử cùng 3 người đàn ông.
Tuy nhiên, theo các nhân viên và người dân ở gần khu vực hiện trường, thì đằng sau vụ “treo cổ” tai tiếng này còn để lại nhiều uẩn khúc cần làm rõ. Những bảo vệ chứng kiến sự việc nghi ngại có sự dàn dựng với một kịch bản hoàn hảo tại sự vụ nói trên.
Theo ông Vũ Công, Tổ trưởng tổ bảo vệ cơ động của Vicem Tam Điệp, thì người thắt cổ đã chọn cái cây có logo của công ty. Ông này cũng đề nghị làm rõ hàng loạt dấu hiệu bất thường từ vụ treo cổ này. Theo ông Công, cái cây dùng để treo cổ khá thấp, và dưới đất không có vật gì để khi treo cổ có thẩy đẩy ra. Mặt khác, khi bà Lan đi tự tử lại có nhiều người đàn ông khác “hộ tống” theo cùng, và cũng không ai chứng kiến việc treo cổ mà chỉ thấy người trong tra taxi đi cùng hô hoán thì mới biết.
Đặc biệt, hình ảnh những người đi cùng chụp lại chỉ thấy dây quàng qua nách, chứ không phải là thòng vào cổ như các vụ tự tử thông thường. Một nhân viên bảo vệ ở đây khẳng định, qua làm việc với đơn vị y tế, thì họ được biết các vụ treo cổ thông thường không chảy máu ra miệng, nhưng trường hợp của bà Lan thì ngược lại, có máu chảy ở miệng.
“Người theo đạo Thiên chúa không lập bàn thờ cho cá nhân, nhưng bà Lan lại viết thư cho đức cha và lập bàn thờ, thắp hương cho chính mình trước khi tự tử là điều vô lý”, một bảo vệ tại Vicem Tam Điệp cho hay.
Để làm rõ sự việc, những bảo vệ của nhà máy xi măng Tam Điệp cũng đã “thực nghiệm” lại hiện trường, nơi vị trí được cho là bà Lan đã treo cổ tử tự. Theo đó, “vật chứng” để lại sau vụ thoát chết nói trên của bà Lan là dây điện màu đỏ, có nút thắt theo kiểu thòng lọng. Tính từ vị trí buộc dây treo cổ xuống đất, nếu buộc vào điểm trên cùng của chiếc dây thì thòng lọng sẽ xuống gần đến ngực người treo cổ. Nếu vị trí treo dây đúng nốt thòng lọng, thì khi bà Lan treo cổ, nút thắt nếu tuột xuống cũng sẽ khó đủ khả năng thít lại được vì chiều cao không đủ. Trong khi đó, nhiều người từng gặp bà Lan cho hay chiều cao của bà này áng chừng nằm khoảng từ 1,6 – 1,65m.
"Người đẹp xứ Thanh" treo cổ tự tự vào... nách và nếu vị trí treo dây đúng nốt thòng lọng, thì khi bà Lan treo cổ, nút thắt nếu tuột xuống cũng sẽ khó đủ khả năng thít lại được vì chiều cao không đủ.
Trước sự việc này, ban lãnh đạo Vicem Tam Điệp cũng đã có văn bản gửi Công an Thị xã Tam Điệp (Ninh Bình), khẳng định bà Lan đã nhiều lần đến trước khu làm việc cũng như khu nhà của cán bộ công nhân viên Vicem Tam Điệp cùng với một số đối tượng lạ mặt gây mất an ninh trật tự tại khu làm việc và gây dư luận không tốt. Vicem Tam Điệp cũng đã báo cáo và đề nghị Công an Tam Điệp hỗ trợ, phối hợp với công ty này để đảm bảo an ninh trong thời gian tới.
Trong khi đó, theo tài liệu mà phóng viên có được, cơ quan chức năng cũng đã có kết luận không có việc một lãnh đạo của Vicem Tam Điệp chung sống như vợ chồng với bà Lan từ năm 18 tuổi, theo như thông tin của người nhà bà Lan cung cấp cho báo chí trước đó.
Nguoiduatin.vn sẽ tiếp tục cập nhật vụ việc…
Trần Việt