Ở Gia Lai có một thầy giáo tên Trịnh Thế Mạnh. Anh quê ở Thanh Hóa, vào Gia Lai dạy học, môn chính trị, ở tận cái trường vừa xa vừa sâu của huyện K’Bang, quê ông anh hùng Núp ấy, sau này nghe đâu làm tới chức chủ tịch công đoàn trường.
Và chắc vì quê Thanh Hóa nên anh lấy cái bút danh Chu Giang Phong cho facebook của mình và cho các bài thơ của mình. Anh mang gió sông Chu thổi ở quê ông Núp "bắn Pháp chảy máu". Cái tên xã có cái trường anh dạy đọc lên đã thấy nó... hiểm trở: Kông Lơng Khơng.
Tập thơ "Năm tháng lạ" của nhà thơ Chu Giang Phong.
Thi thoảng anh có làm thơ, những bài thơ bị lẫn vào nhiều bài thơ của các tác giả nghiệp dư gửi về các tòa soạn báo, dù tôi có đọc và thấy có những câu lóe lên lấp lánh nhưng vẫn bị lẫn vào cả bài dài.
Anh lấy vợ, nghe nói cũng là đồng nghiệp, rồi có con, khá trầy trật mới có con, và rồi vẫn chung thủy với cái ngôi trường heo hút ấy.
Cho tới một ngày, anh gửi tôi một cái thư qua tin nhắn facebook, "Anh Văn Công Hùng kính mến! Đắn đo suy nghĩ mãi em mới viết những dòng này, số là đầu năm nay em bị phát hiện mắc ung thư Amidan nên có ý định in một tập thơ đầu tay. Nhưng có một số lý do mà chưa làm được. Trong đó có chút trục trặc về kinh phí. Vừa qua em có làm hồ sơ xin tài trợ sáng tác của Hội nhưng có lẽ do tác phẩm "không đạt" yêu cầu nên bị loại. Từ giờ đến cuối năm em có thể xoay xở được kinh phí nên đầu năm mới em muốn in sách ạ. Sang năm có mấy cái kỷ niệm đối với em. Năm Quý Mão em tròn 4 giáp có mặt trên đời và tròn 2 giáp có mặt ở Tây Nguyên (từ 1999). Vì thế em quyết tâm in tập riêng nên kính mong bác giúp em cái lời tựa được không ạ?. Và mong bác chỉ giúp em thủ tục để in sách ạ. Em chân thành cảm ơn. Kính chúc bác sức khỏe và nhiều sáng tạo. Kính thư : Chu Giang Phong-Trịnh Thế Mạnh".
Kèm thư là một bài thơ ngắn: bài "Thơ ư", nó như thế này: "Có người hỏi sao lại thích làm thơ/Ta chỉ khẽ gượng cười/Không phải thích mà là để sống/Khi nỗi đau thân tâm không nơi nào cất giấu/Đành nén vào từng câu./Có những đêm đau dài trong vòm ngực/Trở mình bốn phía trống không/Thấy mình đang lạc rỗng /Câu thơ níu ta lại làm người".
Tôi nhắn lại ngay: "Lâu lắm anh có "thề" là sẽ không viết các lời giới thiệu, nhưng riêng chú thì anh sẽ hủy bỏ "lời thề" ấy, sẽ đọc và viết cho chú, gửi bản thảo qua mail cho anh". Chờ mãi không thấy, vả tôi cũng có công việc đi làm xa sau hưu, nên cứ nghĩ, có khi, một là Mạnh cũng qua được như nhiều bạn bè tôi cũng ung thư và cũng vẫn sống phây phây, và 2, có khi anh muốn chuẩn bị bản thảo cho kỹ.
Rồi bẵng đi, tôi cũng vẫn bận nhiều việc, đột ngột nghe anh mất, tôi ở xa không về viếng được. Rồi bạn bè nhắn nhau, rằng tới lúc không nói được nữa, anh vẫn ra ký hiệu là muốn in một tập thơ, rất muốn, hết sức muốn. Và vô cùng muốn được nhìn thấy nó.
Tôi có gửi góp một chút tiền nhỏ vào cái quá trình để tập thơ được ra mắt, có điều nó chậm quá, anh mất một thời gian thì thơ mới về tới... bàn thờ anh.
Và bạn bè cũng tổ chức một cuộc ra sách không có mặt tác giả, trong một quán cà phê ở Pleiku, cách... bàn thờ anh gần trăm cây số, cách nơi anh nằm suýt soát nghìn cây số.
Và tới lúc này, tôi mới đọc, và sửng sốt.
Té ra nhiều bài rất hay.
Nó khác rất nhiều với các bài thơ anh đăng rải rác trước đó trên facebook và vài tờ báo. Hình như là những bài thơ làm ở thời anh bị bệnh, hoặc sát đấy, thời linh cảm bị bệnh. Đây là bài thơ "Những vần thơ đêm": "Tây Nguyên/ Đêm thẳm như một tiếng chiêng/ đủ dài cho nỗi niềm chờ đợi/ bóng hình em/ Trốn biệt cõi mù sương.../ Bên quán vắng rượu tàn men nhớ/ Kẻ tha hương uống cạn lòng mình" đủ thấy sự cô đơn lúc ấy nó làm anh rỗng đến như thế nào?.
Té ra nó là thế này, những ngày cuối cùng của cuộc đời ấy, anh đã dùng thơ để níu giữ cuộc sống, níu giữ mạng sống, níu giữ mình ở lại với cuộc đời. Tôi hình dung anh, ở cái ngôi trường xa xôi ấy, dẫu vợ con bên cạnh, dẫu đồng nghiệp và học sinh yêu mến, vẫn cô đơn đến cùng cực, đối diện với thời gian, với từng đêm, với từng cơn đau, và anh gửi mình vào chữ, vào những câu thơ rớm máu: "Ta những năm tháng lạ/ Ta là hòn sỏi bên đường/ Lầm lụi cùng đất cát/ Vẫn khát mơ mặt trời mặt trăng/ Vẫn đêm đêm muốn làm Đanko/ Lấy tim mình làm đuốc/ Soi rõ những phận người".
Và té ra, thơ nó có sức mạnh kinh hồn, nó đã không giữ được thân xác người thầy giáo yêu nghề, yêu đời, yêu thơ ấy ở lại với cuộc đời này, nhưng thơ anh đã kịp ở lại, thay anh đi hết cuộc đời này.
Cái tên tập thơ được các bạn thơ trẻ lấy khi làm tập thơ cho anh cũng thích, tập "Năm tháng lạ", nó rút từ tên bài thơ "Ta năm tháng lạ" như một linh cảm, một khoảnh khắc. Ung thư là sự xuất hiện tế bào lạ, cuộc sống là bình thường, thời gian gian, năm tháng là tất nhiên, là bình thường, nhưng khi phải thốt lên năm tháng lạ thì nó bắt đầu bất bình thường, và cái bất bình thường lớn nhất là cái chết, cái chết sinh học của con người. May thay, anh còn có thơ.
Tôi đã mất ngủ tới mấy đêm khi đọc tập thơ mỏng bạn bè làm cho anh, làm trong hoàn cảnh rất thiếu thông tin, không có lời giới thiệu, không có trích ngang về anh, nơi sinh, năm sinh, quê quán, hoàn cảnh ra đời của tập thơ vân vân, nhưng nó lại có cái hay là, bỏ qua những yếu tố đặc biệt để phải lưu ý ấy, tập "Năm tháng lạ" của anh nó bình đẳng với mọi tập thơ khác, người ta sẽ đọc vì nội dung những bài thơ chứ không phải vì hoàn cảnh đặc biệt của nó.
Và tôi dừng lại rất lâu ở bài thơ anh viết tặng vợ, nó như một lời chia tay vậy "Ngày em có mặt giữa đời anh/ Ngôi nhà bừng lên/ Anh tan ra/ Như lần đầu quen nhau./ Không thể dại khờ khi mùa xuân từ em thức dậy/ Hạnh phúc tấu vang bản tình ca thánh thiện/ Anh là chiếc lá/ Vừa lưu luyến cành vừa nhớ gốc bình yên/ Để một ngày ta hòa tan vào đất/ Thao thiết gọi mùa xanh/ Ngày em có mặt giữa đời anh/ Hạnh phúc nhiều lên, lo toan ập đến/ Nhói lòng mỗi chiều và mỗi bình minh/ Xin hiểu đời anh/ Khổ hành từng con chữ/ Ngước mặt/ Cúi đầu/ Chờ muối đọng thành thơ".
Đây không phải một bài giới thiệu thơ hay giới thiệu tác giả, mà tôi muốn nói tới một điều khác, là nhớ câu thơ của thi sĩ Phùng Quán: "Những khi buồn tôi vịn câu thơ đứng dậy", liên tưởng tới trường hợp thầy giáo Trịnh Thế Mạnh, mới thấy, té ra, trong những trường hợp cụ thể, những con người cụ thể, thơ nó có sức mạnh như thế nào? Thì đấy, ở bài thơ tôi vừa dẫn, Trịnh Thế Mạnh tặng vợ, dẫu đã nhắc tới ngày "hòa tan vào đất" nhưng vẫn rất kiên định: "Xin hiểu đời anh/ Khổ hành từng con chữ/ Ngước mặt/ Cúi đầu/ Chờ muối đọng thành thơ".
Cho nên, người đi thơ ở lại là thế.
Và cũng mới thấy, mới hiểu, tại sao nhiều bác bao nhiêu năm công tác tung hoành ngang dọc, về già, ngồi lẩn mẩn làm thơ...