Đình chỉ bộ luật "vô nhân đạo"
Cố Tổng thống Bingu wa Mutharika (qua đời hồi tháng 4 năm nay) từng bị chỉ trích nặng nề về cách tiếp cận nền kinh tế và nhân quyền trong nước, dẫn đến việc tài trợ từ nước ngoài bị hạn chế. Tuy nhiên, tân Tổng thống Joyce Banda được coi là một người hiện đại hơn, và cùng với các chính sách mới, bà tuyên bố bộ luật về các vấn đề "vô nhân đạo" cấm đoán "các quan hệ tình dục trái tự nhiên" sẽ bị xóa sổ.
Ngay sau khi nhậm chức, bà Joyce Banda đã nói với các nghị sĩ rằng bà muốn bãi bỏ lệnh cấm quan hệ đồng tính luyến ái: "Một số luật đã được hợp lệ trong thời gian qua sẽ được bãi bỏ như một vấn đề cấp bách... bao gồm cả quy định về việc cấm đoán các quan hệ tình dục trái tự nhiên".
Bộ trưởng bộ Tư pháp Malawi Ralph Kasambara cho biết, Malawi đã đình chỉ lệnh cấm quan hệ đồng tính và đang chờ quyết định của Quốc hội về việc có nên bãi bỏ luật này hay không. Cảnh sát đã được lệnh không bắt giữ hoặc truy tố người đồng tính cho đến khi Quốc hội thống nhất được vấn đề này.
Theo bộ luật chống quan hệ đồng tính ở Malawi thì người thực hiện hành vi đồng tính phải chịu mức án tối đa lên tới 14 năm tù. Các nhà chức trách tiến bộ hy vọng việc tạm đình chỉ bộ luật "vô nhân đạo" này sẽ khuyến khích tranh luận công khai và giúp Quốc hôiå đưa ra quyết định sớm nhất về vấn đề này.
"Nếu chúng tôi tiếp tục bắt giữ và truy tố những người đồng tính dựa trên bộ luật này và sau đó luật này được quy định là không hợp hiến thì nó sẽ gây ra phiền phức cho Chính phủ. Việc bãi bỏ bộ luật này sẽ tránh được việc ném rất nhiều những người dân vô tội vào tù", ông Kasambara cho biết.
Steven Monjeza và Tiwonge Chimbalanga hai người đàn ông Malawi bị bỏ tù vào năm 2010 vì tổ chức đám cưới đồng tính.
Hy vọng vào "bước tiến lịch sử"
Malawi từng bị báo chí thế giới phản ứng rầm rộ vào năm 2010 khi hai người đàn ông đồng tính bị bắt bỏ tù vì kết hôn. Đó là Steven Monjeza (26 tuổi) và Tiwonge Chimbalanga (20 tuổi). Vì công khai tuyên bố kết hôn, họ đã bị bắt nhốt trong 5 tháng và bị kết án 14 năm lao động khổ sai. Bản án này đã dẫn tới một làn sóng phản đối trên toàn cầu và dẫn đến việc một số nước phương Tây rút hỗ trợ ngân sách của Malawi. Đây là một cú sốc lớn đối với đất nước nằm trong danh sách nghèo nhất thế giới này.
Sau "cú sốc" ngoại giao này, Tổng thống Binguwa Mutharika đã phải thả tự do cho hai người đàn ông trên với "lý do nhân đạo" nhưng vẫn bày tỏ thái độ phản đối kịch liệt quan hệ đồng tính: "Họ đã phạm tội chống lại nền văn hóa của chúng ta, chống lại tôn giáo của chúng ta và đi trái với pháp luật của đất nước này. Hai người họ sẽ bị tái bắt nếu vẫn tiếp tục mối quan hệ sai trái này".
Theo BBC, việc bãi bỏ pháp luật đồng tính sẽ không nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà lãnh đạo giáo hội cũng như một lượng lớn dân cư. Kaomba, một trong những nhà lãnh đạo có tư tưởng "truyền thống" đã kêu gọi phản đối Quốc hội thay đổi luật pháp đối với vấn đề đồng tính luyến ái. Ông này cho rằng: "Quan hệ đồng tính hoàn toàn đi ngược lại nền văn hóa của chúng ta". Tuy nhiên, nếu việc bãi bỏ bộ luật hà khắc với người đồng tính thành công, Chính phủ Malawi sẽ nhận được sự tán dương của nhiều tổ chức, quốc gia tiến bộ trên thế giới.
Ông Noel Kututwa, Giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế hoan nghênh tuyên bố tạm đình chỉ luật cấm quan hệ đồng tính của Tổng thống Joyce Banda như là một bước tiến lịch sử trong việc thay đổi thái độ với người đồng tính. Ông cho biết: "Chúng tôi kêu gọi Chính phủ không vi phạm quyền cơ bản của con người và đảm bảo bãi bỏ việc phân biệt đối xử với người đồng tính".
Thừa nhận và không thừa nhận Đồng tính luyến ái được coi là một hành vi bất hợp pháp ở hầu hết các quốc gia châu Phi, bao gồm cả các đồng minh chủ chốt phương Tây như Uganda, Nigeria, Kenya, Ai Cập và Botswana... Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton kêu gọi cho quyền được tôn trọng của người đồng tính: "Người đồng tính sinh ra tự nhiên và thuộc về tất cả các xã hội trên thế giới này. Họ không phải là một phát minh của riêng phương Tây mà là một hiện tượng con người tự nhiên". Thủ tướng Anh David Cameron cũng đã tuyên bố sẽ cắt giảm một số viện trợ cho các nước không công nhận quyền đồng tính. |
Gia Hân (Theo BBC)