Phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành thời gian tập trung cho ý kiến vào dự thảo báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011–2016.
Đây là một trong những vấn đề “nóng”, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, thành viên đoàn Giám sát của Quốc hội cho rằng, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về công tác cải cách bộ máy hành chính đã cơ bản đủ và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Vấn đề là triển khai thực hiện có đúng và nghiêm túc hay không.
“Chúng ta có thể thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế, quan trọng là người đứng đầu phải thực sự mạnh dạn, quyết liệt hơn nữa”, ĐBQH Phương Hoa nói.
Vị ĐBQH phân tích: “Đã có tình trạng các văn bản quy phạm pháp luật về nội dung chuyên môn lấn sân sang các văn bản quy định về tổ chức bộ máy. Thông qua các quy định về chuyên môn, một số bộ, ngành có biểu hiện cài cắm việc thành lập tổ chức bộ máy mới, khiến “trăm hoa đua nở”, không kiểm soát được một cách tổng thể.
Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không làm được. Cái khó ấy không chỉ bắt nguồn từ việc đụng chạm đến con người mà do quy định của pháp luật còn chưa đồng bộ hoặc bỏ ngỏ, công tác thanh tra, kiểm tra chưa tốt, chưa thường xuyên… Bên cạnh đó, việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính có hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Ở đâu người đứng đầu dám làm mạnh mẽ, quyết liệt thì ở đó công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính chuyển biến tích cực. Ở đâu người đứng đầu ngại va chạm, nể nang, muốn giữ ổn định tổ chức, biên chế cơ quan thì kết quả đạt thấp”.
Sau nhiều lần làm việc với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về cải cách bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa đánh giá: “So với năm 1995, khi chưa sắp xếp điều chỉnh lại thì đến nay, Chính phủ đã giảm 5 bộ, cơ quan ngang bộ và 18 cơ quan thuộc Chính phủ (hiện Chính phủ có 22 bộ, cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ). Đây là kết quả tích cực.
Tuy nhiên, tiến độ cải cách bộ máy hành chính Nhà nước tại các cơ quan này còn chậm. Yêu cầu của Nghị quyết số 39 - NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đặt ra là: Tỉ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu 10%, song, đến nay có bộ mới đạt khoảng hơn 1%. Vậy thì rất khó có thể đạt được mục tiêu 10% trong thời gian tới”.
Đề cập đến báo cáo chỉ rõ, có những đầu mối không giảm, hoặc có giảm thì cơ cấu nội tại lại phình ra, bà Hoa cho biết: “Hầu hết số lượng đơn vị trực thuộc các bộ, ngành mà đoàn Giám sát làm việc không giảm hoặc giảm không đáng kể. Có cơ quan bộ máy hành chính còn tăng thêm đầu mối”.
Về nguyên nhân, ĐBQH Phương Hoa chỉ rõ: “Việc tinh giản biên chế thực hiện không được nhiều, chủ yếu là biện pháp thụ động như dựa vào số người nghỉ hưu theo chế độ mà chưa có các biện pháp chủ động; công tác đánh giá cán bộ còn chưa khoa học và phù hợp dẫn đến chưa đưa được những cán bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ ra khỏi bộ máy”.