Ngày 29/9, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Tp.HCM có văn bản hướng dẫn triển khai chính sách hỗ trợ (đợt 3) người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn Tp.HCM.
Theo đó, 4 nhóm đối tượng được hỗ trợ trong đợt này, gồm:
- Người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, có hoàn cảnh thật sự khó khăn do bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian thành phố giãn cách xã hội.
- Người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn đang ở trên địa bàn quận, huyện hoặc ở tỉnh, thành phố khác, không thể trở về nhà do Tp.HCM giãn cách xã hội; hoặc chết trong thời gian Thành phố này thực hiện giãn cách xã hội, thân nhân không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc, sống chung một hộ của người này được xem xét, hỗ trợ.
- Người đang hưởng lương hưu, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động được doanh nghiệp trả lương của tháng 8/2021 đang ở địa bàn quận, huyện hoặc ở tỉnh, thành khác, không thể trở về nhà do giãn cách hay qua đời trong thời gian Tp.HCM thực hiện giãn cách xã hội thì thân nhân ở nhà nội trợ hay không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc, thật sự khó khăn thì được xem xét, hỗ trợ.
- Học sinh, sinh viên, người nước ngoài lưu trú tạm thời trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu dân cư nghèo, có hoàn cảnh thật sự khó khăn.
Về hình thức hỗ trợ sẽ thực hiện theo đúng chỉ đạo của UBND Tp.HCM về triển khai chính sách gói đợt 3, quy định tại Nghị quyết 97/2021 của HĐND và Công văn 3181/2021 của UBND Tp.HCM.
Theo Sở LĐ-TB&XH, UBND phường, xã, thị trấn cần lưu ý về việc xét duyệt các diện được hưởng hỗ trợ.
Cụ thể, đối với hộ nghèo, cận nghèo; người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng gồm trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng; người từ 16 tuổi - 22 tuổi đang học phổ thông, học nghề, cao đẳng, đại học...; người bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo; người đơn thân nghèo đang nuôi con; người cao tuổi không có người nuôi dưỡng hay từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; người khuyết tật đang gặp khó khăn thì địa phương sẽ chi hỗ trợ ngay ở địa phương nơi quản lý danh sách.
Khi các địa phương chi trả hỗ trợ, nếu thành viên trong hộ gia đình không thể ký nhận tiền hỗ trợ do đang cách ly, đang điều trị bệnh tại các cơ sở y tế không có mặt tại địa phương, bị khuyết tật, bị đãng trí, người già, trẻ em... thì đại diện trong hộ gia đình có thể ký nhận thay.
Người được hỗ trợ cần có giấy tờ tùy thân, hoặc được công an địa phương xác nhận.
Các địa phương theo phân cấp, tổ chức kiểm tra, rà soát, đối chiếu các quy định để xác định người có hoàn cảnh thật sự khó khăn, lập danh sách người được nhận hỗ trợ.
Với những trường hợp có đề nghị được hỗ trợ nhưng không đủ điều kiện hỗ trợ, phải nêu rõ lý do để người dân được biết.
Về việc công khai danh sách, Sở LĐ-TB&XH lưu ý, địa phương sẽ công khai danh sách hỗ trợ (gồm: họ và tên, địa chỉ cư trú) với cộng đồng dân cư, niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn, khu dân cư, tổ dân phố (nếu có), trang thông tin điện tử của xã, phường, thị trấn (nếu có).