Tham dự buổi kỷ niệm có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, lãnh đạo một số bộ ngành, địa phương … và hàng nghìn bà con nhân dân.
Khi buổi lễ sắp diễn ra thì trời tại Thanh Hóa bắt đầu đổ mưa, ngoài một số ít ra về, còn hàng nghìn người dân địa phương, trong đó có người già và trẻ nhỏ vẫn "đội mưa" ở lại theo dõi chương trình và chờ đợi màn bắn pháo hoa chào mừng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Thanh Hóa là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, “địa linh, nhân kiệt” và khoa bảng. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hoá luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hoá; là vùng đất “phên dậu”, “một vùng đất căn bản”, “đất bản triều”.
Người xứ Thanh xưa và nay đã viết nên nhiều trang sử hào hùng của dân tộc, được lưu danh bởi các anh hùng dân tộc, như Triệu Thị Trinh, Lê Hoàn, Lê Lợi...
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Thanh Hóa được xem là thủ đô văn hóa kháng chiến, được Bác Hồ khen ngợi ..."Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó".
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thanh Hóa đã làm tốt hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975.
"Đó là một Thanh Hóa quật cường trong lịch sử chống ngoại xâm với hình ảnh nữ tướng Triệu Thị Trinh hiên ngang cưỡi voi xung trận; với những hào khí vang dội của nghĩa quân Lam Sơn; với những Ba Đình, Mã Cao, Hùng Lĩnh, Hàm Rồng - Sông Mã", Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng cũng đánh giá cùng với những thành tựu của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới, Thanh Hóa đã đạt được những bước đột phá quan trọng. Nhiều dự án lớn đã và đang hoàn thành đầu tư xây dựng và đi vào vận hành.
Tại lễ kỷ niệm, chương trình nghệ thuật đặc sắc với sự tham gia của hơn 500 nghệ sĩ, diễn viên. Chương trình nghệ thuật có tính chất sử thi làm nổi bật vùng đất và con người trải dài từ thời Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Trịnh - Nguyễn cho tới thời đại ngày nay.