“Người giàu nhất Việt Nam” nghèo rớt mồng tơi

“Người giàu nhất Việt Nam” nghèo rớt mồng tơi

Thứ 5, 27/12/2012 23:48

Luôn tự nhận mình là nghệ sĩ nghèo nhất trong các nghệ sĩ ở TP.Hồ Chí Minh, Quang Đạt nghèo đến nỗi vợ phải bỏ cả nghề dạy học, chuyển sang buôn bán để nuôi chồng. Nhưng người nghệ sĩ nghèo ấy đã làm được những việc chưa ai dám làm và sở hữu những đồ vật quý giá mà ngay cả những người giàu có nhất cũng không dễ gì có được.

5 lần độc hành xuyên Việt làm từ thiện

Một lần trong một tiệm ăn, tôi không sao rời mắt khỏi một người đàn ông có vẻ ngoài kỳ quái ngồi đối diện. Ngoài gương mặt góc cạnh, tóc búi củ hành, mắt nhìn quắc thước, ông có một hình xăm chân dung Bác Hồ nổi bật trên vầng trán cao rộng khiến người khác không thể không tò mò ngắm nghía. Điều lạ lùng hơn cả là khi người đàn ông này đứng dậy trả tiền thì ngay lập tức gần nửa số khách hàng trong quán cũng đứng dậy theo đòi trả tiền bát phở mặc cho ông cứ ngớ người ra vì ngạc nhiên.

Hỏi ra mới biết, đó chính là nghệ sĩ Quang Đạt, tác giả của rất nhiều kỷ lục đã được công nhận và hiện đang là sứ giả của chương trình xuyên Việt "Tìm về với Mẹ" tri ân những bà mẹ Việt Nam anh hùng. Sau 44 ngày đêm lênh đênh trên chiếc xe Vespa dọc suốt chiều dài từ Nam ra Bắc, đi qua 16 tỉnh thành, tặng quà cho hơn 50 mẹ Việt Nam anh hùng với tổng số tiền lên tới trên 100 triệu đồng, nghệ sĩ Quang Đạt đã đến Hà Nội, điểm cuối trong hành trình đầy ý nghĩa này.

Lạ & Cười - “Người giàu nhất Việt Nam” nghèo rớt mồng tơi

Khởi hành ngày 25/7/2012 tại TP. Hồ Chí Minh, một mình nghệ sĩ Quang Đạt với trọng trách nặng nề của một sứ giả trên vai đã lên đường cùng chiếc xe Vespa mà bộ khung của nó là một bức tranh được vẽ tặng bởi 5 họa sĩ nổi tiếng. Khi đến Hà Nội thì trên chiếc Vespa độc đáo này đã có trên 500 chữ ký của các phóng viên, nhà báo khắp cả nước ký tặng.

Trong số đó, có chữ ký của đồng chí Phạm Đức Hải (TBT báo Tuổi trẻ), Nguyễn Quang Thông (TBT báo Thanh Niên), Đặng Xuân Dũng (TBT báo Công An TP.HCM), Phạm Phú Tân (TBT báo Pháp luật), Trần Thế Tuyển (TBT báo SGGP), Trần Kim Thẩm (PTBT báo CAND)... Ông nói "Đối với tôi, mỗi chữ ký đều chứa đựng những tình cảm lớn lao của các bạn phóng viên, nhà báo. Và mỗi chữ ký đều có một cái duyên gặp gỡ rất tình cờ, đều gắn với một câu chuyện cảm động, khó quên. Chính điều đó đã động viên tôi vững vàng hơn trong hành trình đầy khó khăn của mình". Hiện tại, chiếc Vespa của ông đã lập kỷ lục là chiếc xe lưu giữ nhiều chữ ký của các phóng viên, nhà báo nhất Việt Nam.

Trong chuyến đi của mình, nghệ sĩ Quang Đạt đã chuẩn bị 12 chiếc áo có hình bà mẹ Việt Nam anh hùng do chính tay ông vẽ cùng chữ ký của 3 đạo diễn, diễn viên nổi tiếng là NSND Đào Bá Sơn, NSƯT Nguyễn Vinh Sơn, ĐD - DV Lê Tuấn Anh để bán đấu giá ở những nơi mình sẽ đi qua. Tiền đấu giá ở địa phương nào ông đều trực tiếp trao tặng cho các mẹ Việt Nam anh hùng ở địa phương đó. Ngoài ra, ông còn vẽ một bức tranh lớn với nội dung "Uống nước nhớ nguồn" để xin chữ ký lưu niệm của các mẹ.

Khi đến Quảng Bình, 12 chiếc áo mang theo đã được bán hết trong khi hành trình không hề nhận tài trợ của bất cứ cơ quan, đoàn thể nào. Vậy là, số tiền ít ỏi dùng để đổ xăng dọc đường của người nghệ sĩ nghèo cũng đã cạn kiệt. Ông bị rơi vào tình thế đi cũng chẳng được mà về cũng không xong. Đúng lúc ấy, ông gặp Võ Quý Quốc, họa sĩ tranh gáo dừa nổi tiếng đã từng 3 lần phá kỷ lục của chính mình. Cảm động trước tấm lòng của người nghệ sĩ nghèo vượt ngàn dặm xa đi làm việc thiện, họa sĩ Võ Quý Quốc đã không ngần ngại trao tặng cho ông một số tác phẩm của mình để tiếp tục bán đấu giá. Nhờ vậy, hành trình vẫn được tiếp tục.

Trần Thiết Cường, một người bạn có cùng tâm huyết làm từ thiện với ông đang sống tại Hà Nội cho biết "Hiếm người nào có cái tâm tốt như Quang Đạt. Bữa ăn, ông ấy chỉ dám ăn cơm với đĩa rau luộc chấm nước mắm, cùng lắm thì thêm mấy bìa đậu rán cho sang thế mà một mình đi từ Bắc chí Nam làm từ thiện. Thử hỏi cuộc đời này, có mấy ai làm được như thế?" Điều đặc biệt là đây không phải là chuyến đi đầu tiên của ông.

Trước đó, trong vòng 5 năm, từ 2006 đến 2011, nghệ sĩ Quang Đạt đã có 4 lần xuyên Việt với các chương trình "Vì nạn nhân chất độc màu da cam" (2006), "Vì trẻ thơ Việt Nam" (2008), "Vì an toàn giao thông" (2010), "Rước Bác vào Nam" (2011) gây tiếng vang khắp cả nước. Sắp tới, sau hành trình "Tìm về với mẹ" tri ân những bà mẹ Việt Nam anh hùng, ông sẽ tiếp tục hành trình xuyên Việt thứ 7 của mình với nội dung "Vì Hoàng Sa, Trường Sa". Nghệ sĩ Quang Đạt cho biết, sắp tới, ông sẽ nhận được chiếc xe Vespa do một tòa soạn báo tài trợ, sau đó sẽ đi dọc các tỉnh biên giới Việt Nam và xin chữ ký của các chiến sĩ bộ đội biên phòng ở những nơi ông sẽ đi qua. Cuối cùng, chiếc xe sẽ được đem bán đấu giá để ủng hộ Hoàng Sa, Trường Sa.

Lạ & Cười - “Người giàu nhất Việt Nam” nghèo rớt mồng tơi (Hình 2).

Nghệ sĩ Quang Đạt cùng chiếc xe có hơn 500 chữ ký của các phóng viên, nhà báo khắp cả nước.

Cách nghĩ khác của một người làm nghệ thuật

Nhắc đến cái tên Quang Đạt, người ta thường có nhiều cách gọi khác nhau nào là họa sĩ, nào là diễn viên, đạo diễn, võ sư, phóng viên, kỷ lục gia... Ở cái tuổi 54, khi hầu hết bạn bè đều thành công trong sự nghiệp thì Quang Đạt vẫn lắm chuân chuyên. Nhưng bản thân ông lại không lấy làm buồn vì chuyện đó. Ông bảo "Tôi không quan trọng việc phải thể hiện, phải thật sự thành công trong bất cứ lĩnh vực nào. Điều tôi quan tâm nhất là được làm tất cả những gì mình thích, theo cách riêng của mình. Tôi đã từng sống bằng nghề võ, nghề họa, nghề diễn... mỗi cái đều có một cái hay riêng. Kiến thức của nghề này hỗ trợ tôi làm tốt hơn công việc của nghề khác, và ngược lại".

Suốt quãng đời làm nghệ thuật không có mấy thành công nhưng bù lại người ta luôn luôn gọi ông một cách trìu mến "nghệ sĩ Quang Đạt". Từ "nghệ sĩ" hẳn là từ đúng với ông hơn bất cứ nghệ sĩ nào. Và không phải tự nhiên mà ông vinh dự được giới văn nghệ sĩ tin tưởng giao phó trọng trách lưu giữ những kỷ vật điện ảnh của nền điện ảnh nước nhà từ xưa đến nay. Hiện ông đang là người lưu giữ nhiều kỷ vật điện ảnh nhất Việt Nam, điều mà nhiều nghệ sĩ thầm ao ước. Số lượng của bộ sưu tập đủ để nhiều người gọi đó là một bảo tàng điện ảnh với hơn 100 huy chương các loại, hơn 150 máy quay phim cùng nhiều kỷ vật khác, trong đó có nhiều kỷ vật vô giá của những nghệ sĩ đã quá cố. Ông cũng là người duy nhất được thỉnh bát hương của những nghệ sĩ quá cố về thờ. Điều đó chứng tỏ ông phải có uy tín đến mức nào trong giới nghệ sĩ mới được tin tưởng trao cho những vinh dự này.

Ngoài kỷ lục là người lưu giữ nhiều kỷ vật điện ảnh nhất Việt Nam, nghệ sĩ Quang Đạt còn có nhiều kỷ lục khác được ghi nhận. Đó là chiếc xe Lambetta có nhiều chữ ký của các nghệ sĩ trong và ngoài nước nhất Việt Nam với hơn 400 chữ ký. Đây chính là chiếc xe đã luôn sát cánh bên ông trong hành trình xuyên Việt "Vì nạn nhân chất độc màu da cam"(2006) và hành trình "Vì trẻ thơ Việt Nam" (2008). Tiếp theo là cây bút cao 1,3m, nặng 6kg bằng gỗ có 99 chữ ký của các phóng viên, nhà báo. Cũng không thể không kể đến chiếc xe Vespa có chữ ký của hơn 600 chiến sĩ Cảnh sát giao thông trên khắp cả nước đã gắn bó với ông trong hành trình xuyên Việt "Vì an toàn giao thông" (2010). Ngoài ra, ông còn có một bộ sưu tập kỳ lạ gồm 99 chiếc giày của 99 nghệ sĩ nổi tiếng trong nước. Mỗi nghệ sĩ ông chỉ xin đúng 1 chiếc cùng chữ ký của chủ nhân trên chính chiếc giày đó. Ông cũng là người có nhiều chuyến độc hành xuyên Việt bằng xe máy nhất Việt Nam... Có lẽ nếu kể về những cái "nhất" thì không ai có thể giàu hơn người nghệ sĩ "khác người" này.

Khi được hỏi tại sao lại chỉ đi một mình mà không đi cùng ai khác, ông khẳng khái cho biết "Thứ nhất là tôi chưa tìm được người cùng chung chí hướng có thể bỏ ra cả tháng trời lang thang khắp các tỉnh thành để làm cái công việc sẽ không mang lại lợi nhuận gì cho họ. Thứ hai là tôi không muốn phụ thuộc vào bất cứ nhà tài trợ nào về kịch bản chương trình, thời gian hay một kế hoạch PR nào đó. Tôi không muốn có sự PR, quảng cáo, kiếm lời nào trong công việc từ thiện của mình".

Nhiều người luôn nhìn ông như một gã nghệ sĩ nửa mùa khùng điên và tội nghiệp khi bản thân đôi khi không nuôi nổi mình mà suốt ngày bỏ tiền túi, lang thang khắp nơi làm từ thiện. Ngay cả những người bạn thân thiết nhiều khi cũng cảm thấy khó hiểu về sự gàn dở của ông bạn già. Chỉ có ông mới hiểu niềm hạnh phúc của người luôn luôn mang lại hạnh phúc cho người khác. Ông kể: "Khi tôi đến trao quà mẹ Việt Nam anh hùng, các mẹ cứ gục đầu vào ngực tôi mà khóc, mà gọi tên người con đã hi sinh của mình khiến tôi cũng khóc theo. Được các mẹ coi như con trai của mình, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của đời tôi".

Dương Dung


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.