Nghề cha truyền con nối
69 tuổi với hơn 60 năm tuổi nghề, nghệ nhân Nguyễn Thị My (nghệ danh Kiều My, ngụ ấp An Hương 2, xã Mỹ An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) vẫn đam mê nghệ thuật hát bội truyền thống tiếp nối từ cha ông.
Nghệ nhân Nguyễn Thị My cho biết, ông nội bà là nhạc công, chuyên đờn cò, đờn gáo, đánh trống cho gánh hát bội Phùng Xuân. Còn cha bà là Nguyễn Văn Giáp (bầu Giáp), bầu gánh hát bội Phùng Xuân rồi Phụng Thành vang tiếng một thời.
Thời đó, cha nghệ nhân Nguyễn Thị My có ghe gánh hát lưu diễn khắp các tỉnh ở miền Tây, phục vụ nhu cầu văn nghệ cho bà con. Ghe vừa là phương tiện kiếm cơm và vừa được xem là nhà lưu động, nên cũng từ đây anh chị em nghệ nhân Nguyễn Thị My lần lượt ra đời.
Vốn có tài năng từ lúc còn thơ, năm lên 4 tuổi, bà được cha dạy cách chơi một số loại nhạc cụ phục vụ trong gánh hát bội. Lớn dần, bà bắt đầu học hát, luyện âm vực kết hợp nhịp phách và những động tác ra bộ có sử dụng đạo cụ như: Cung, kiếm, thương, đao. Khi thuần thục, hát đúng giai điệu và múa khớp với tiếng trống, bà được cha của mình phân diễn thử các vai như: Na Tra trong trong vở “Na Tra lóc thịt”, vai Đồ Lư trong vở “La Thông Tảo Bắc”, vai vợ Trang Tử trong trích đoạn “Trang Tử thử vợ” và cùng nhiều vai diễn khác.
Theo nghệ nhân Nguyễn Thị My, hầu hết các vai diễn hóa thân nhân vật, bà đều thủ diễn tròn vai. Bởi bà luôn tự ôn, tự rèn luyện chuẩn bị suốt hàng tháng trời. Tuy nhiên, với vai đào võ được xem là sở trường nhất của bà.
Những vai diễn của nghệ nhân Nguyễn Thị My luôn lột tả được tính cách nhân vật, gây cảm xúc và ấn tượng cho người xem. Nhờ vậy, bà dần khẳng định được thương hiệu riêng của mình như: Vai Hồ Nguyệt Cô trong vở “Tiết Giao đoạt ngọc”, vai Lưu Kim Đính trong vở “Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu”, vai Thần Nữ trong vở diễn “Thần Nữ dâng Ngũ linh kỳ”.
Muốn truyền nghề cho thế hệ sau
Năm tháng lênh đênh trên sông nước đi lưu diễn phục vụ bà con ở khắp nơi, nghệ nhân Nguyễn Thị My tình cờ được diễn chung với ông bầu Răng, tên thật là Huỳnh Văn Răng (đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú). Hai người diễn cặp nhiều vai và mến nhau, đến năm 1976 thì ông bà kết hôn và tiếp tục lưu diễn cho Đoàn hát bội Đồng Thinh.
Như được trải lòng mình, nghệ nhân Nguyễn Thị My mong muốn tiếp tục cống hiến trọn đời cho nghệ thuật hát bội nhằm gìn giữ giá trị văn hóa phi vật thể đang bị mai một ở Vĩnh Long nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
“Ngày trước, nghèo khó, lưu diễn chỉ toàn ăn khoai lang độn với cơm, vất vả lắm nhưng cả gia đình tôi cũng không ai bỏ nghề, bởi đó là nghiệp, hát bội đã ăn sâu vào máu, thịt tôi. Giờ thì khỏe hơn, mỗi chuyến lưu diễn đều có thù lao, dù không nhiều nhưng đó cũng là niềm vui thành quả của mình”, nghệ nhân Nguyễn Thị My bộc bạch.
Tính đến nay, nghệ nhân Nguyễn Thị My đã truyền nghề cho hơn 20 học trò. Đáng chú ý, các học trò của bà đều thành danh. Trong đó, nghệ nhân Huỳnh Thị Yến Linh (vừa là học trò, vừa là con gái của bà) đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vào năm 2015.
Trong sự nghiệp của nghệ nhân Nguyễn Thị My, điều đáng nhớ nhất là được cùng Đoàn hát bội Đồng Thinh đi biểu diễn ở Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. Đáng chú ý, các nghệ danh của Đoàn hát bội Đồng Thinh, tỉnh Vĩnh Long vinh dự tham dự Lễ hội Smithsonian 2007. Đây là lễ hội giới thiệu loại hình nghệ thuật truyền thống của các nước trong khu vực sông Mê Kông, tổ chức tại Mỹ.
Lễ hội Smithsonian được tổ chức hàng năm và Việt Nam lần đầu tiên tham dự lễ hội này. Tham dự lễ hội với chủ đề Mê Kông - dòng sông kết nối các nền văn hoá, năm nghệ nhân Việt Nam, gồm 3 diễn viên và 2 nhạc công, biểu diễn trích đoạn vở tuồng Tiết Giao đoạt ngọc, một vở tuồng dựa vào tích xưa, với nội dung đề cao tinh thần tiết nghĩa, yêu nước.
Đoàn hát bội duy nhất tại Vĩnh Long còn hoạt động
Đoàn Đồng Thinh là đoàn hát bội duy nhất còn hoạt động tại tỉnh Vĩnh Long và đã có bề dày truyền thống khoảng 100 năm nay. Đoàn hiện đang hoạt động theo phương châm xã hội hóa, các diễn viên sống rải rác ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đều không có lương và phải xoay xở một nghề khác kiếm sống.
Thanh Lâm