Cả đời đi tìm chứng tích lịch sử
Chúng tôi đến thăm nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (SN 1920) vào một buổi sáng Sài Gòn nắng chói chang. Trong căn phòng bé nhỏ, ông vẫn miệt mài nghiên cứu bên những chồng sách vở dù cho mang trên người nhiều căn bệnh kinh niên. Ông gọi từng trang sách, từng tấm bản đồ ấy là một món quà và là tài sản quý giá nhất của cuộc đời ông. Thế nhưng, ít ai biết để có được những tấm bản đồ, những cuốn sách cổ về biển, đảo Việt Nam ấy, ông phải trải qua biết bao nhiêu khó khăn, cực nhọc.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (ảnh Thơ Trịnh).
Với nụ cười hiền hoà, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cho PV biết: “Cuộc đời mỗi người, ai cũng có một niềm đam mê. Và để thực hiện đam mê của mình, bản thân mỗi người phải hết sức nỗ lực bằng khả năng của mình. Bản thân tôi cũng vậy, mặc dù tốt nghiệp từ môi trường kĩ thuật ra nhưng từ những năm 18-20 tuổi, tôi đã rất thích tất cả những gì biểu hiện ra hình vẽ. Trong đó, phải kể đến là các bản đồ địa lý, lịch sử Việt Nam. Xuất phát từ niềm đam mê và năng khiếu vốn có của bản thân nên cứ cầm bút là tôi lại vẽ hoặc phác họa lại nội dung của bài học lịch sử bằng bản đồ. Theo thời gian, điều đó đã trở thành một kĩ năng”. Và đó cũng chính là cái duyên khiến ông gắn bó gần hơn nửa đời với những tấm bản đồ cổ có giá trị lịch sử dân tộc.
Sau này, nắm bắt được tầm quan trọng của bản đồ trong lịch sử nước nhà, đặc biệt là vấn đề biển đảo, nhà nghiên cứu Đình Đầu không ngừng lặn lội khắp nơi đi tìm, nghiên cứu lịch sử thông qua những tấm bản đồ liên quan đến địa bạ và lịch sử từ năm 1975. Ông cho biết: Lúc đầu việc tìm kiếm những tấm bản đồ cổ này vô cùng khó khăn, bằng đủ mọi cách nhưng tôi chỉ tìm được 1- 2 tấm. Mặt khác, lúc ấy mọi người ngay cả chính quyền địa phương, bạn bè vì không hiểu được giá trị của việc tìm kiếm, sưu tầm những tấm bản đồ ấy nên ông phải nỗ lực không ngừng để có được, trong đó có những tấm bản đồ về biển, đảo, nay vẫn còn nguyên tính thời sự.
Nói đến những thành công trong việc đi tìm kiếm các bản đồ cổ, ông Đầu cho biết: “Sau năm 1975, không có nhiều tài liệu để đọc, nhưng nhờ nghiên cứu và sưu tầm các bản đồ lịch sử mà tôi mới hiểu được xã hội xưa dựa theo sĩ, nông, công, thương. Cũng từ những kết quả nghiên cứu ấy, tôi cũng biết được đất nước Việt Nam ban đầu ra sao. Và lúc nào thì nó lớn lên, lớn lên như thế nào. Cũng nhờ đó, những thắc mắc về chuyển biến lịch sử đất nước 200 năm nay trong tôi được sáng tỏ. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa hài lòng bởi mình làm được rất ít trong khi đáng lẽ ra mình phải làm được nhiều hơn nữa trong quá trình đi tìm kiếm hồn dân tộc thông qua những tấm bản đồ”.
Bản đồ Đằng trong - Đằng ngoài năm 1686 do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình đầu sưu tầm được (ảnh Hoàng Minh)
Kho bản đồ, địa bạ cổ quý hiếm lớn nhất
Trong con đường nghiên cứu lịch sử nước nhà thông qua bản đồ cổ, nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Đầu có trong tay hơn 3.000 tấm bản đồ Việt Nam từ cổ chí kim. Trong đó có hàng trăm tấm rất quý giá miêu tả một cách chi tiết về thềm lục địa cũng như hải đảo Việt Nam. Điều đáng nói là trong số đó lại có những tấm xuất hiện đã rất lâu từ thế kỷ 15. Ông cũng dành nhiều thời gian và tiền bạc để làm công việc âm thầm mà cao quý. Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Đầu chia sẻ: “Mới đầu là vì công việc nên tôi phải vẽ địa điểm, bản đồ đường đi lại. Sau tôi thấy yêu thích vẽ bản đồ và sưu tầm những bản đồ cổ mang tính lịch sử nhiều hơn. Vì thế tôi làm nó một cách tự nguyện và hăng say, không màng đến chuyện lợi danh”.
Những tấm bản đồ được sưu tầm chủ yếu là bản đồ Việt Nam. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cho biết: “Bản đồ này được sưu tầm từ rất lâu qua những chuyến du lịch, hoặc công tác đến các nước của tôi. Những bản đồ ấy cũng đa dạng tác giả, bao gồm người Việt, người Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Ai Cập... vẽ để phục vụ mục đích chiến tranh hay thám hiểm. Nhiều khi đi đến nước ngoài cùng các anh em, họ liên tục thắc mắc tại sao tôi cứ đi đến nước nào là tìm bằng được các nhà sách, thư viện tổng hợp ở nước đó và ngồi hàng ngày trời. Tôi chỉ biết giải thích là tìm bản đồ vì mê nó. Nhiều người lại tò mò và cho đó là công việc vô bổ nhưng tôi cũng mặc kệ. Khác với những người khác, tôi đi tìm và lưu giữ những tấm bản đồ cổ không phải để chơi mà là để nghiên cứu lịch sử, văn hóa xưa và nay”.
Bên cạnh những bản đồ cổ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu còn có một “kho” địa bạ cổ bao gồm 16.000 cuốn trong tổng số 18.000 cuốn của Việt Nam. Mỗi cuốn địa bạ này nghiên cứu về một làng xã của Việt Nam. Các cuốn địa bạ đó được soạn thảo từ thời vua Gia Long suốt từ những năm 1805 đến 1839 mới hoàn thành. Nó nhằm mục đích chép lại địa bạ, vị trí và diện tích từng làng xã, bao gồm cả cách sử dụng và chủ sở hữu của toàn bộ đất đai các làng xã trên lãnh thổ Việt Nam. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cho hay: “Từ những bản đồ cổ tôi có những công trình nghiên cứu về địa bạ Việt Nam. Qua đó tôi thấy vào thời xa xưa ruộng đất còn chia cả cho phụ nữ. Điều này thể hiện sự bình đẳng nam nữ mà ở những nước khác vào thời điểm ấy chưa có như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...”. Ngoài ra ông còn cả trăm công trình nghiên cứu được in thành sách, đăng trên báo...
Những dự định ở tuổi 93
Để có được những công trình nghiên cứu để đời, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã nỗ lực rất lớn. Ngoài việc chịu những lời bàn tán từ mọi người, để theo được công trình của mình ông phải vượt qua rào cản kinh tế và sự thiếu kiên trì. Ông chia sẻ: “Học ở trường chỉ là một phần, tự học mới là chủ yếu. Người ta đỗ bằng tiến sĩ là chứng tỏ một phương pháp nghiên cứu đạt đến mức độ ấy. Chứ còn học xong có bằng tiến sĩ mà để đấy không giúp gì cho xã hội để nâng cao tay nghề, trau dồi kiến thức thì cũng chỉ là “tiến sĩ giấy” thôi. Giới trẻ bây giờ có quá nhiều thứ để lựa chọn, để đam mê nhưng cần xác định chỉ một cái và đeo đuổi tới cùng thì mới có tuyệt phẩm được. Tôi cũng từng có những khoảng định bỏ ngang vì đơn độc quá, nhưng tôi nghĩ rõ điều này có ích cho xã hội sau này mà phấn đấu hết sức mình. Và bây giờ mọi thứ có thể nói là tạm hài lòng với tôi”.
Nói là tạm hài lòng chứ ông vẫn còn muốn nhiều hơn thế. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu còn có một dự định lớn cho dân tộc mặc dù ông đã 93 tuổi. Ông chia sẻ: “Tôi đang chuẩn bị cho in một cuốn sách vào tháng 9/2013 về biển đảo của Việt Nam một cách chi tiết và rất lớn. Nó bao gồm các bản đồ lớn cỡ giấy A0 và những bài nghiên cứu phân tích mang chiều sâu hơn chỉ nói riêng về biển đảo của Việt Nam. Trong đó nó có những chi tiết nghiên cứu như độ sâu của từng vùng biển, lịch sử phát triển, cũng như những chứng cứ bản đồ ... Năm ngoái tôi bị bệnh gai cột sống, bác sĩ nói là phải xạ trị, nhưng nếu xạ trị thì lại ảnh hưởng tới não. Mà tôi thì vẫn còn có công trình của mình, bởi thế tôi đã từ chối xạ trị và bây giờ công trình ấy của tôi cũng sắp hoàn thành”.
Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam! Những tấm bản đồ cổ sưu tầm được của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, hầu hết là bản đồ Việt Nam qua các thời kỳ (từ thế kỷ 15 đến nay) do người Việt, người Trung Quốc, người châu Âu, châu Mỹ và cả Ai Cập... đã vẽ để phục vụ chinh chiến, đi thám hiểm. Số bản đồ do nước ngoài thực hiện về thềm lục địa và hải đảo của Việt Nam, cho dù sơ sài (từ thế kỷ 15) hay thật tỉ mỉ như tấm bản đồ của hải quân Pháp (giữa thế kỷ 19), đều có một điểm chung: Khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. |
Thơ Trịnh - Hoàng Minh