Đoạn clip ghi lại cảnh người giúp việc đánh rồi tung hứng đứa trẻ mới hơn 1 tháng tuổi khiến tất cả gần như chết lặng. Nhiều người không đủ can đảm để xem đến giây cuối cùng của đoạn clip khi chứng kiến những hành động bạo lực, gần như mất hết tính người của người giúp việc này.
Liên quan đến sự việc, có luồng ý kiến cho rằng, có thể người giúp việc đó bị rối loạn về hành vi ứng xử nên khi thấy trẻ khóc, kể cả trẻ nằm ngoan cũng khiến họ “ngứa mắt”, chỉ biết đánh đập như một cách để “xả” cơn bực”?
Dù cố “thấu cảm”, tìm ra những lý do “gỡ tội” cho người giúp việc đã bạo hành với bé gái hơn 1 tháng tuổi là do chưa có kỹ năng ứng xử, bị áp lực công việc, gia đình… nhưng nhiều người cũng khó lòng nguôi giận, tha thứ cho việc làm tàn nhẫn của người phụ nữ đó.
Họ cho rằng, người giúp việc thiếu kỹ năng ứng xử với trẻ thường là những người ít tuổi, chưa có kinh nghiệm chăm sóc. Nhưng với trường hợp xảy ra tại Hà Nam lại là người lớn tuổi. Có lẽ nào người phụ nữ ấy chỉ lớn về tuổi đời chứ chưa thành thạo “công việc” và không có đủ đạo đức?
Tất cả những người xem đoạn clip đều cay sống mũi khi chứng kiến cảnh người giúp việc kia “trút giận” vô cớ với đứa trẻ non nớt mới hơn tháng tuổi. Liệu rằng, khi xem lại đoạn clip đó, người giúp việc kia có cảm thấy ghê sợ với chính những hành vi tàn ác của mình? Một sự lạnh lùng đến tàn nhẫn, đứa trẻ làm gì nên tội?
Dư luận bất bình trước nạn bạo hành trẻ và mạnh mẽ lên án những con người không có lương tâm, dã man mất hết đạo đức. Thực tế hàng loạt các vụ bạo hành trẻ đã xảy ra, cậu bé Hào Anh (14 tuổi) đã bị chú thím hành hạ như thời Trung cổ: Bẻ răng, kẹp đứt môi, gí sắt nung đỏ vào người…
Hay bé Lê Quang Vinh bị cô Trần Thị Xuân Nữ bế bỏ vào thang máy vận chuyển thức ăn, đóng cửa và bấm cho thang di chuyển từ tầng hai xuống đất. Bé Vinh sau đó đã bị chấn thương nặng phần đầu, mặt và toàn thân bầm giập.
Có trường hợp lại bị chính mẹ ruột bạo hành như bé Nguyễn Thị Kim Ngân (4 tuổi) nghịch bếp gas đã bị mẹ chửi mắng và dùng thanh tre đánh đập. Tình nhân của mẹ thậm chí còn dùng nilon trói tay của cháu lại.
Tất cả những mảnh ghép đó cho thấy, chúng ta không thể im lặng dung dưỡng cho cái xấu ngang nhiên tồn tại. Ở nước ta luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có từ năm 1991, trong đó nêu các quyền cơ bản của trẻ và nghiêm cấm bất kỳ hành vi nào gây tổn hại sức khỏe, tinh thần trẻ.
Bộ luật Hình sự có điều 110 về tội Hành hạ người khác trong đó quy định người nào đối xử tàn ác với trẻ em lệ thuộc mình thì có thể bị phạt tù đến ba năm. Nhưng cái ác dù bị trừng trị nhưng vẫn còn mầm mống để đâm chồi khiến xã hội nhức nhối. Đó là những kẻ coi thường luật pháp!
Hãy xử thật nghiêm cái ác, để các em có thể sống trong niềm vui, trong tiếng cười của mọi người thân, của xã hội. Nếu không thì những vết thương thể xác, tinh thần sẽ mãi theo các em đến suốt cuộc đời và sẽ mãi là ác mộng đối với các em.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!
N.Giang