Nguồn cá tại các khu mặt hồ này khá phong phú, từ cá rô phi, cá chép, trắm, trôi… Nhờ dưỡng chất “nước thải” cùng cám tăng trọng, chưa đầy 3 tháng, có con đã đạt trọng lượng gần 2kg.
Kinh hoàng cá lớn từ sinh dưỡng nước thải
Dọc hồ Đống Đa (Q.Đống Đa, Hà Nội) có đến vài hộ đầu tư vào dịch vụ nuôi cá kiểu siêu tốc này. Các lồng cá được quây bằng các tấm lưới sắt có cửa chèn trước ống cống nước thải, xung quanh được bịt kín bởi nhiều tấm lưới lớn.
Nhiều diện tích mặt hồ tại Hà Nội được các hộ dân tận dụng để nuôi cá
Kiểu đầu tư này rất hiệu quả mà chi phí bỏ ra rất thấp, bởi: “Không cần mất công đào ao đầu tư cơ sở hạ tầng, còn tận dụng được nguồn thức ăn từ nguồn nước thải, cá lớn nhanh như thổi. Đến kì thu hoạch, cá nhìn bên ngoài con nào cũng to, da đẹp, béo ngậy, rất dễ bán trên thị trường với giá”, ông chủ tên T cho biết.
Thấy ông T làm ăn hiệu quả, vài người gần đó cũng hì hụi đầu tư lồng và cá giống thả xuống. Chưa đầy 2 tháng, từng mẻ cá lớn nhỏ được thu hoạch. Người dân nơi đây rất hoan hỉ.
Chẳng phải là chuyên gia về thủy sản, nhưng việc chọn con giống thích hợp với loại nước thải bẩn thỉu nơi đây họ hiểu khá rõ. Và làm thế nào để cá ăn chất thải sao cho đạt trọng lượng cao trong thời gian ngắn nhất thì họ nắm như trong lòng bàn tay.
“Để sống được trong môi trường nước bẩn thỉu và độc hại như này, cá phải là loài ăn tạp, ít bị tác động của ngoại cảnh và dịch bệnh. Tỉ lệ sống và giá thành cao khi bán chúng tôi chọn giống như rô Phi, chép, trôi…Loại khác gặp nước thải kiểu như thế này thì chết sạch” – ông L, một hộ muôi khác trong hồ chia sẻ.
Cảnh cá bị nhiễm bẩn chết phơi bụng như này là cảnh thường thấy ở các khu hồ này
Cũng theo ông L, thời gian thả cá giống (cá bột) thích hợp nhất là vào cuối tháng 2, đầu tháng 3. Sau đó cứ bỏ đó tầm 8 tháng, không cần chăm sóc, hay cho ăn thêm bất cứ thức ăn nào mà vẫn lớn nhanh như thổi. Trung bình mỗi con lúc thu hoạch cũng đạt khoảng 2 - 3 kg/con. Mỗi lồng cá lãi vài chục triệu đồng.
Không chỉ có hồ Đống Đa, tại một số sông hồ khác thuộc địa bàn thành phố Hà Nội như Phú Diễn, Hải Bối..., việc nuôi cá bằng nước thải cũng trở nên phổ biến.
Tại khu vực hồ Yên Sở, theo ghi nhận, cạnh những vũng nước đen ngòm, chảy từ trong ống cống ra bốc mùi hôi thối nồng nặc, cá giống không chịu đựng được dòng nước ô nhiễm nặng đã chết trương phềnh, ruồi nhặng bâu đen kịt.
Ấy vậy mà theo một chủ cá tên N cho biết, cá thả chết trắng là chuyện thường vì nhiều hộ nuôi không có kinh nghiệm. Phải thả vào mùa xuân chừng tháng hai đến tháng ba, khoảng thời gian này nước không bị ô nhiễm nặng mấy, chứ đến mùa hè, trời nắng nóng nước hôi thối thì thả bao nhiêu chết bấy nhiêu. Sau một thời gian thả nếu thích nghi tốt, không cần cho ăn gì cả vẫn lớn nhanh như thổi, lại rất ít dịch bệnh xảy ra”.
Cá bẩn len lỏi đi vào bữa cơm người Hà Nội
Số lượng cá nuôi từ các hồ nước thải không nhỏ với một hộ cá thể nhưng không thấm vào đâu so với nhu cầu tiêu thụ hàng ngày của người dân Hà Nội. Vì thế, không mấy người để ý và cũng không thể biết, phân biệt đâu là cá nuôi ở ao hồ nước sạch với các hồ trong nội thành.
Nhờ sinh dưỡng nước thải những con cá sống lớn nhanh như thổi
Tuy nhiên nguồn cá này thực chất được bát nháo bày bán ở đâu thì đến ngay người dân trong khu vực cũng không hề hay biết. Bác Ngô Đăng Hợp một người dân ở gần hồ Đống Đa (Hà Nội) cho biết: “Đến kì thu hoạch, trên bờ đông nghịt người, ô tô có, xe máy có, xe đạp có… cá cất lên bờ liền là họ phân phát nhau hết. Người thì bỏ vào bao tải, người thì bỏ vào chậu, thúng, thùng xe… sau đó đi nhập ở đâu thì tôi cũng không rõ”.
Chứng kiến các loại cá khi được cất lên, mẫu mã khá bắt mắt, nhưng không một người dân nào dám ăn bởi hàng ngày họ chứng kiến cảnh ô nhiễm tại khu nuôi.
Bởi cá khi bắt lên hình hài không còn nguyên vẹn, mình ráp, vảy ráp. Đặc biệt, vây mủn, long vảy thành đám (do nhiễm khuẩn nặng). Cơ thể cá xây xước nhiều. Phần lớn cá có đốm đỏ trên cơ thể. Mình cá đen, trông loang lổ. Có những con đen toàn thân, mang bẩn. Mang xỉn và xơ, có bám chất bẩn. Khi mổ ra, lở trên đường ruột nhiều. Mùi tanh thum thủm. Thịt cá bở.
Chị Lan, một người dân cho hay: “Nhìn những con cá chép kéo lưới lên rõ là to béo, vàng óng, nhìn đã thấy ngon, nhưng cạnh nó nào bùn đất, chai lọ, quần áo, kim tiêm, cũng không dám mua”.
Bà Mai một hộ dân cạnh hồ Yên Sở (Hà Nội) thì thề sống, thề chết không bao giờ ăn cá này: “Hôm trước họ kéo lưới lên, nhìn gà ghê hết cả người, túi nilon, chai lọ, phân do mùi hôi không chịu được. Một số con cá bị hủi. cá thì vẫn còn sống bơi tung tăng mà da thịt, vây duôi bắt đầu phân hủy dần vì bị nhiễm trùng do sống trong nguồn nước bẩn, ô nhiễm nặng…”
Đến mùa thu hoạch con nào con ấy đều béo ngậy
Dân buôn nhập mặt hàng cá này với giá khá bèo, chỉ 20 – 30 nghìn đồng/kg, nhưng khi bán ra tại các chợ, họ thường bát nháo “lập lờ đánh lận con đen”, bán cho người dân với giá cắt cổ, cùng lời giới thiệu ngon ngọt: 100% là cá sông sạch.
Theo một con buôn tên Xuân đang bán mặt hàng này tại đường Hồ Tùng Mậu cách cầu Diễn khoảng 700 m hướng đi về Hoài Đức cho hay: “Các anh biết rồi em cũng nói thẳng, riêng tụi em lấy hàng này chỉ bán ở vệ đường thôi. Bỏ vào chậu lớn bơi tung tăng, nhìn cá to, dài lại đẹp nên bán cũng được giá lắm anh ạ”
Còn theo anh Luân một người chuyên vận chuyển mặt hàng cá này tới các gian hàng cá tại một số chợ cóc khẳng định, anh chỉ nhận nhiệm vụ chuyển hàng để kiếm tiền tiêu sài và xăng xe. Và mặc dù phân phối cả này, nhưng chưa bao giờ anh đem về ăn. Mà từ ngày biết cá nuôi kiểu này, tôi đâm ra sợ cá. Gần như chợ cóc nào cũng bán mặt hàng này, so với giá bán ra, dân buôi lãi lớn lắm.
Đủ thứ rác rưởi trong trong bụng cá
Nhìn từ bên ngoài những con cá tươi sống, béo ngậy nhưng nếu trót mua phải cá nuôi bằng nước thải, nhiều bà nội trợ không khỏi rùng mình khi mổ bụng cá ra thấy các vật lạ như bùn đất thối, mùn rách của túi nilon…
Nhiều người tiêu dùng mua phải cá nuôi vỗ béo ở các hồ nước thải
Chị Trương Thu Phương một người dân ở Cầu giấy cho biết: “Buổi sáng tôi mua con cá chép to ngoài chợ về định tối đi làm về sớm nấu cho cả gia đình ăn đổi món. Nhưng sau khi đổ nước vào chậu nhốt cho tươi, tối về bắt ra làm thì thấy chậu nước đen ngòm, đầy rong rêu, bùn đất láng kín đấy chậu, bu đầy hai thành. Thấy ghê ghê. Nhưng sau khi mổ cá thấy trong ruột toàn bùn đất với mấy thứ bầy nhầy, đành vứt bỏ”.
Chị Xoan một người tiêu dùng ở Kim Mã (Hà Nội) sợ hãi kể lại: “Hôm ấy nhà có việc tôi mua con cá chép gần 3 kg về, khi mổ bụng móc ruột ra tôi thấy có một chiếc bao cao su màu vàng nhạt mắc ở gần phần mang dưới. Nghĩ đến những lần ăn trước, lợm hết cả cổ họng đành vứt đi”.
Là món ăn chủ đạo trong nhiều gia đình, nhiều bà nội trợ mặc dù biết nhiều nguồn gốc cá không tốt nhưng vẫn lựa chọn bất chấp những nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe.
Chị Vân Anh, một người tiêu dùng cho biết: “Dù biết là cả bẩn nhưng không ăn cá cũng không được. Ra chợ cá thì con nào cũng giống con nào nhìn bên ngoài đều tươi ngon. Mong các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, có quyết định cấm nuôi cá trên ao hồ hoặc sông ô nhiễm để chúng tôi yên tâm hơn”.
Trước phong trào nuôi cả bằng cổng nước thải khiến nhiều bà nội trợ quay mặt với hàng cá, PGS. TS. Nguyễn Thị Khánh Trâm, Phó Cục trưởng, Cục VSATTP – Bộ y tế. Bà cho hay: “Tôi khá choáng khi nghe thông tin này. Hiện chưa có một đánh giá nào tới ảnh hưởng của mặt hàng cá nuôi theo hình thức này tới sức khỏe. Thời gian tới chúng tôi sẽ phải lấy nước để kiểm tra mức độ ô nhiễm trước khi đưa ra kết luận. Tuy nhiên, riêng việc trong bụng cá có các tạp chất như: kim tiêm, bao cao su, nilon, rác thải... sẽ gây tác hại lớn đến sức khỏe con người. Thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc nuôi trồng và bán mặt hàng này”.
Phân biệt cá sạch và cá nhiễm độc: Bề ngoài nhìn vẫn ‘tươi roi rói”, nhưng có thể cá đang bị nhiễm độc vì người nuôi dùng nước ô nhiễm hoặc nước thải. Ăn phải chúng sẽ tích lũy độc tố trong cơ thể. Dưới đây là cách phân biệt cá sạch với “cá bẩn”, bằng mắt thường, theo các tiêu chí sau: Cá sạch: - Hình hài nguyên vẹn. - Vảy, vây bóng bẩy, tròn đều. (Nếu cá bị long vảy do va đập thì thường có vết như vết chém, có vảy gãy, bong). - Cơ thể ít xây xước - Bụng trắng. - Thịt trắng - Mang cá sạch, đỏ tươi, các khía mang rất đều. - Khi mổ ra, thành ruột và màng bụng đen. - Thịt chắc Cá bẩn: - Hình hài không còn nguyên vẹn, mình ráp, vảy ráp. - Vây mủn, long vảy thành đám (do nhiễm khuẩn nặng). - Cơ thể xây xước nhiều. - Có đốm đỏ trên cơ thể. Mình cá đen, trông loang lổ. Có những con đen toàn thân. - Đầu, mang bẩn. Mang xỉn và xơ, có bám chất bẩn. - Khi mổ ra, lở trên đường ruột nhiều. Mùi tanh thum thủm. - Thịt cá bở. |
Một vài quan điểm sai lầm khác về cách nuôi và chọn cá tươi - Nước càng bẩn thì cá càng béo. Thực tế, muốn có cá ngon, cá lành thì phải dùng nước sạch, là nước không chứa chất ô nhiễm từ các nhà máy, khu công nghiệp, nước sinh hoạt... Vì thế, nước sông hay hồ trong nhưng chưa chắc đã sạch, có thể chứa chất độc. - Nếu ao hồ có cá sống thì nước ở đó không độc. Thực tế, cá vẫn có thể sống được trong những ao hồ đầy chất thải và kim loại nặng, song các chất đó sẽ ngấm vào cơ thể chúng, và tích luỹ trong cơ thể người khi ăn vào. - Kim loại nặng sẽ lắng xuống dưới đáy ao hồ, sông ngòi, vì thế cá không ăn. Thực ra, khi cá hút nước, chúng hút luôn cả các hợp chất của kim loại nặng bị hòa tan. Những chất ấy đều đi vào tế bào ruột, rồi ngấm vào thịt cá. - Cá vừa chết nhưng còn tươi thì ăn được tốt. Thực tế, nếu cá vừa chết do (bị giội axit, hoặc do nước thải công nghiệp) nhưng hãy còn tươi, ăn vào sẽ nguy hiểm hơn nhiều. - Mua cá tươi cho vào tủ đá sẽ để được lâu. Nếu trữ nguyên con cá còn ruột thì quá trình thối rữa diễn ra rất nhanh. Và kể cả ở trong tủ đá thì cá gì cũng chỉ giữ được tối đa 7-8 ngày. |
Dương Hải - Văn Định