Từ khoảng 100 năm nay, có ba dòng người Hà Nội di dân vào Sài Gòn trong 3 giai đoạn: trước 1954, năm 1954 và sau 1975. Họ sống rải rác ở hầu hết các quận của TP.HCM, nhưng tập trung nhiều nhất là ở quận 1, quận 3 và quận Tân Bình. Trong đó, khu dân cư K300, khu phố 4, phường 12, quận Tân Bình được xem là một “lát cắt” của Hà Nội ở vùng đất phương Nam này. Không tiếng nhạc xập xình, không quán xá ồn ào, khu dân cư là một Hà Nội tĩnh lặng, trầm mặc với những mái nhà mang kiến trúc cổ, những tiếng nhạc dân ca, ca trù êm dịu, cùng những quán hàng xén nhỏ xinh.
Một quán phở của người Hà Nội ở TP. HCM
Phong cách của người Hà Nội ở Sài Gòn có lẽ không thể nhận ra qua một cái liếc nhanh khi đi trên đường. Mà phải tiếp xúc với họ, bước vào không gian ngôi nhà của họ mới có thể nhận ra “chất Hà Nội” vẫn còn neo giữ trong tâm hồn họ. Người Hà Nội ở Sài Gòn, vừa có nét thanh lịch của người xứ Tràng An, lại vừa pha chút phóng khoáng của người dân Nam Bộ. Người Hà Nội dẫu vài ba đời ở Sài Gòn, vẫn đi nhẹ, nói khẽ, vẫn giữ những chuẩn mực của ngôn ngữ giao tiếp, nề nếp gia đình như phong tục ngoài Bắc. Con cháu trong nhà luôn biết kính trên, nhường dưới, đi thưa về gửi. Không khí gia đình luôn hòa thuận, ấm áp. Trong bữa cơm gia đình, hay dịp cúng giỗ luôn có hương vị của những món ăn Hà Nội trong đó.
Không lẫn vào đâu được cái “chất người Hà Nội” ở Sài Gòn là phong cách ẩm thực của họ. Ở khu phố K300 của người Hà Nội cứ mỗi dịp Tết đến là lại có một phiên chợ lá dong. Chợ chỉ họp trong vài ngày sắp Tết, bán toàn lá dong, lạt giang từ ngoài Bắc chuyển vào dùng để gói bánh chưng.
Giữa TP. HCM có một siêu thị Hà Nội như một cái chợ miền Bắc thu nhỏ, mùa nào bán thức nấy. Chúng ta có thể tìm mua ở đấy từ những món như giò Hà Nội, gạo nếp, đến những thứ như lá húng lìu, tía tô, quả sấu non, ô mai, bánh cốm... Và nhiều năm nay, mỗi dịp Tết về, lẫn trong những cội mai vàng của miền Nam là sắc màu hồng ngày Tết đặc trưng của Hà Nội, màu hoa đào Nhật Tân. Sắc màu hồng thắm của Bích đào, hồng phớt của Đào phai làm dịu đi cái nắng muôn thủa của vùng đất phương Nam này.
Phở Bắc là một trong những món ăn đặc trưng ở Sài Gòn. Nhưng phở Bắc khi vào trong này, hương vị và nguyên liệu đã thay đổi đi khá nhiều để phù hợp với khẩu vị của người miền Nam. Chỉ có quán phở Thìn, nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 là được nhiều người công nhận vẫn còn nguyên cái hương vị của phở Hà Nội. Một quán phở mà như có người từng nói rằng, khi đến ăn không chỉ là ăn phở Hà Nội, mà là vài chục phút được sống trong cái không khí của Hà Nội, hơi thở của Hà Nội. Bởi người chủ quán, trong nỗi thương nhớ Hà Nội của lòng mình, đã biến quán phở thành một không gian rất… Hà Nội. Với đường nhựa cũ, cột điện cũ, vỉa hè cũ giữa hai bên dãy phố cổ chạm nổi trên tường, tô, chén, dĩa, muỗng là gốm sứ Bát Tràng chính hiệu.
Người Hà Nội ở Sài Gòn, ngay đến công việc làm ăn cũng không xô bồ, vội vã. Có thể họ không là tri thức, có thể họ cũng buôn thúng bán mẹt, cũng giao dịch, buôn bán mà sao vẫn thấy có chút gì chậm rãi, khoan thai, lịch thiệp ở trong đó. Người Hà Nội ở Sài Gòn sống mỗi ngày cùng những sợi dây vô hình với gốc gác, quá khứ của mình. Như trong “Thương nhớ mười hai”, nhà văn Vũ Bằng từng viết “Ăn một tô hủ tíu thì nhớ đến phở Bắc chính cống ăn vào một buổi sáng rét căm căm. Trông thấy cua bể thì nhớ đến bát canh cua đồng nấu với rau rút và khoai sọ. Gặp một ngày bão rớt thì lòng lại buồn rười rượi, nhớ đến thu sơ với gió may, hoa vàng”.
Nhưng cái nỗi thương nhớ ấy là thương nhớ về một Hà Nội trong lòng những người Hà Nội ở Sài Gòn. Là những níu kéo để gìn giữ miền ký ức về nơi mình đã sinh ra, và từ đó ra đi đến sinh sống ở một vùng đất khác lạ về văn hóa, tập tục. Còn giờ đây với Sài Gòn, Hà Nội không còn khoảng cách của nỗi nhớ vời vợi về khoảng cách, bởi dấu ấn kinh kỳ mà người Hà Nội mang theo trong hành trình hội nhập với vùng đất phương Nam này đã tạo nên một phong cách Hà Nội ở Sài Gòn.
Hương Lam