Trước đó, sự việc xảy ra vào sáng ngày 11/5, tại chợ Lương Văn Can (Hải Phòng), hai người phụ nữ được xác định là Lê Thị Hoa (sinh năm 1986, trú tại 16 Lương Văn Can) và Hoàng Thị Thanh Dung (sinh năm 1970, trú tại 15 Phạm Minh Đức, TP.Hải Phòng) có hành vi hắt dầu luyn trộn lẫn chất thải vào phản thịt lợn gần chục kg chị Đỗ Thị Xuyến và Phạm Thị Hòa đã gây bức xúc trong dư luận.
Nguyên nhân xuất phát từ việc chị Xuyến cùng em chồng là Phạm Thị Hòa tạm dừng việc buôn bán tôm, cá tại chợ Lương Văn Can để bán thịt lợn nhà nuôi với giá thấp hơn giá thị trường. Tức tối trước việc cạnh tranh không lành mạnh nên Dung và Hoa đã có hành vi gây bức xúc như trên.
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Trung Tiệp – Công ty Luật Dragon (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) đã đưa ra quan điểm như sau: Trước bối cảnh tình tình kinh tế chung khi mà giá thịt lợn đang giảm sâu, người dân cũng đang chung tay ủng hộ cho người nông dân. Biết là đang mất giá nhưng lợn nuôi đến ngày xuất chuồng thì không bán cũng không được. Cũng như trong vụ việc này, hai người tiểu thương là chị Hòa và chị Xuyến cũng phải tạm dừng việc buôn bán tôm cá để mang thịt lợn gia đình nuôi được ra chợ bán nhằm trang trải cuộc sống.
Cũng theo luật sư Tiệp, hành vi của Hoa và Dung khi hắt dầu luyn trộn lẫn chất thải vào hơn chục cân thịt lợn của người bán hàng có dấu hiệu của tội Hủy hoại hoặc Cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác theo quy định tại Điều 143 BLHS.
Nếu đúng như thông tin mà bị hại cung cấp số thịt bị hủy bởi dầu luyn là 98 kg, tương đương khoảng 5,5 triệu đồng. Chiếu theo quy định của pháp luật thì: “Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính, kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Theo quy định tại Điều 143 Bộ luật hình sự quy định về tội danh này thì hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản ở đây chính là làm tài sản lâm vào tình trạng mất giá trị sử dụng, không thể khôi phục lại được. Lỗi của người thực hiện hành vi hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản phải là lỗi cố ý.
Trong trường hợp giá trị tài sản bị hư hỏng của chị Hòa và chị Xuyến dưới 2 triệu đồng thì Hoa và Dung có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 500.000 đồng đền 1 triệu đồng theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình.
Ngoài ra, người có hành vi hắt dầu luyn trộn lẫn chất thải vào người và phản thịt của người bán hàng còn có thể phải bồi thường thiệt hại đối với giá trị số thịt bị hư hỏng do hành vi của người đó gây ra theo quy định của pháp luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Yến Nhi