Sự hùng vĩ, khoáng đạt của núi rừng Tây Bắc không khoả lấp được nỗi buồn trong tôi. Hoa rừng nở rộ ven đường đến trường học, những cánh bướm dập dờn mà lòng người yên ắng, tẻ nhạt. Thân gái như cánh hoa rừng để các chàng trai múa khèn lượn quanh. Nhưng nào có ai để ý đến những cô giáo trẻ, rời phố phường đô thị, mang trong mình xứ mệnh lớn lao cõng chữ lên non.
> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!
Ba cô giáo ở tuổi yêu đương, khát khao làm vợ, làm mẹ ở chung một căn phòng trống hơ, trống hoác. Trai bản chẳng dám với cao nên không ai hỏi cưới các cô. Nỗi buồn cứ thế trôi theo các mùa hoa. Trong câu chuyện tâm sự về đời người, các cô ngậm ngùi: Đời người con gái có thì, chúng em sợ ế hơn sợ khổ. Rồi có một anh chàng bộ đội giải ngũ, tìm đến ngôi trường nơi núi rừng này làm trái tim các cô rộn ràng. Nhưng cũng thật đáng thương, có mỗi anh bộ đội thì cô hiệu trưởng cưới mất rồi. Ba cô giáo lại tiếp tục chăn đơn, gối chiếc, ôm sầu đêm. Một nhà giáo nhân dân nghe chuyện thấy thương các cô giáo miền cao. Ông nhiều lần đề xuất việc luân chuyển giáo viên, cân bằng nam nữ để các cô giáo xây dựng gia đình.
Lớp học của học sinh vùng cao
Mới đây, một việc làm thiết thực cho học sinh vùng khó khăn của ông Trần Đăng Tuấn được xã hội ủng hộ nhiều. Không giáo điều với những chuyện làm gì để đưa học sinh đến lớp, ông kêu gọi sự chung tay góp sức của xã hội để bữa ăn của học sinh có thịt. "Bữa ăn có thịt" được ủng hộ, và ông cũng kiên quyết thực hiện bằng cách đề xuất xin gặp Bộ trưởng hai tuần liên tiếp đề đạt nguyện vọng, triển khai việc nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh. Cái bụng có no thì chữ nghĩa mới tiếp thu được. Thêm sự quan tâm thiết thực khiến lòng người thấy vui vui.
Về An Bá (Sơn Động- Bắc Giang), tôi nghe kể chuyện người lái đò "luỵ chữ". Tôi lại liên tưởng đến bài hát Người lái đò trên sông Pô Cô- ca ngợi anh hùng A Sanh trong thời kỳ chống Mỹ. Còn ở đây lại là câu chuyện về ông lái đò A Tằng, suốt 20 năm chèo đò đưa học sinh qua sông mà không tính toán đến chuyện thù lao. Và chỉ có ước muốn, con em của dân bản được đến trường, không bị thất học như chính cuộc đời của ông.
An Bá là một xã miền núi, có 8 dân tộc anh em cùng chung sống, và trở ngại lớn nhất từ trước đến nay của người dân nơi đây là họ bị cô lập bởi con sông An Bá, suốt năm nước chảy xiết. Mọi sinh hoạt, thông thương của người dân với bên ngoài chỉ trông chờ vào những con thuyền độc mộc. Việc học hành của con trẻ trở nên nan giải vô cùng, và chính con sông là thủ phạm gây ra nạn thất học phổ biến trong nhiều năm trước đây. Gia đình nào cố gắng lắm, cho con đến trường bằng thuyền của nhà thì cũng bữa được bữa không, nên việc học hành của con cái cũng chẳng đến đầu đến đũa gì.
Đột nhiên, một buổi sáng trên bến của con sông An Bá, người ta thấy A Tằng cắm cây sào đứng đợi bên con thuyền mới tinh...Và gặp ai ông cũng bảo, "từ nay tôi sẽ lái đò đưa các cháu qua sông. Các bác cố gắng cho con em đi học nha". Thoạt đầu, nhiều người cứ tưởng ông làm thế để kiếm tiền, nhưng khi không thấy ông thu tiền thì có người lại nghĩ: "A Tằng cao hứng, nhất thời làm vậy, chắc cũng chỉ được vài hôm thôi!". Nhưng nhịp chèo tình thương ấy đã giúp biết bao thế hệ học trò được qua sông, đến với con chữ.
Bản thân A Tằng là một nông dân nghèo, nghèo từ trong bụng mẹ. Oái oăm hơn, A Tằng rơi vào cảnh mồ côi cha mẹ từ thuở bé, phải nương nhờ vào sự cưu mang của người chú. Vì thế, điều mà ông ước muốn là được đi học lại không thể thành hiện thực, nó quá xa vời! Đời ông đã vậy, đến đời con ông lại có nguy cơ giống mình nhưng không phải do nghèo không được học mà là vì ngăn sông cách núi. Chính vì thế mà ông đã sắm con thuyền để đưa con mình sang sông để học lấy cái chữ và khi nhận thấy lũ trẻ trong làng cũng có ước muốn sang sông để đi học, A Tằng đã quyết định giúp chúng, ông trở thành "cây cầu" cho chúng qua sông mỗi ngày.
Con sông An Bá tuy chỉ rộng hơn 100m nhưng lại có dòng chảy rất xiết, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Những khi có lũ về, kể cả ban ngày cũng như lúc đêm tối, ông lại phải ngụp mình với dòng nước cuồn cuộn để neo thuyền. Trong khoảng 20 năm chèo đò, ông đã có ba lần mất đò do lũ cuốn trôi như vậy. Mỗi lần như thế, ông lại phải lần dọc bờ sông để tìm đò, có những lần tìm được nhưng phải chuộc (trong khi điều kiện kinh tế gia đình rất khó khăn). Mặc dù vậy ông không thấy nản lòng, trái lại ông luôn tìm mọi cách để tiếp tục có đò, không để cho các cháu học sinh phải nghỉ học.
Ngày tôi gặp ông bỗng băn khoăn nhiều nếu ông không còn khoẻ, ai sẽ thay A Tằng lái đò đưa đón người học con chữ. Nhưng chính nhờ "tiếng thơm" từ việc làm đầy tình thương trách nhiệm của ông mà bến sông An Bá có phà, có cầu.
Đúng là sự quan tâm không phải là những chính sách vĩ mô to lớn, mà là sự thông cảm, chia sẻ từ những điều giản dị, đời thường.
Minh Khánh