“Sau khi hết bệnh, tôi sẽ làm việc có ích cho đời”
Dọc từ đầu đường Nguyễn Khoái, quận 4 đến sâu trong con hẻm 64, không khó để người ta bắt gặp vô số mảng tường được phủ kín bởi những hình vẽ sinh động, tươi mới cùng các lời nhắn gần gũi, dễ thương.
Tác giả của chúng chính là họa sĩ Nguyễn Văn Minh, 78 tuổi, ngụ tại quận 4, TP.HCM.
Ông Minh sinh ra và lớn lên tại TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), có lẽ cũng chính vì thế, vùng đất thơ mộng này đã nuôi dưỡng tâm hồn thi sĩ và niềm đam mê âm nhạc, hội họa trong ông.
Nhưng rồi, ông tạm gác lại việc học mỹ thuật tại Đà Lạt vào TP.HCM dạy học.
Trớ trêu thay, căn bệnh mất ngủ suốt 7 năm khiến ông phải ngừng việc đi dạy ở trung tâm Giáo dục Trẻ khuyết tật quận 4. Bệnh hoành hành trong khoảng thời gian dài khiến tay chân ông bắt đầu run rẩy, những lúc như vậy, ông lại sợ mình không thể tiếp tục hoạt động nghệ thuật.
Ông Minh kể: “Ngày trước, lúc nào cũng nằm ở nhà và ngước mặt lên trần cầu nguyện, nếu hết bệnh, tôi sẽ làm điều gì đó có ích cho xã hội”.
Và rồi, nhờ vào ý chí quyết tâm, không muốn thời gian và đam mê nghệ thuật của mình bị bỏ phí, ông ngày ngày tập luyện hít thở và các bài trị liệu đơn giản tại nhà.
“Một hôm, tôi ngủ được 2 tiếng, cảm thấy trong người khỏe hẳn ra, tôi quyết định ra đường. Đó cũng là đầu tiên tôi tận mắt nhìn thấy đại lộ, nhà cửa, đèn đường đẹp lộng lẫy ở phía bên kia sông. Lúc ấy, tự nhiên tâm hồn nghệ thuật của tôi trỗi dậy mạnh mẽ”, ông bộc bạch.
“Tôi chẳng có gì ngoài năng khiếu hội họa, mà vẽ tranh giấy thì bình thường rồi, tôi nghĩ đến việc vẽ tranh tường. Con đường này đẹp, được trải nhựa sạch sẽ mà mấy vách tường lại không được sơn phết, nhìn loang lổ, xấu xí, rồi người ta lợi dụng dán quảng cáo lên làm mất vẻ mỹ quan. Vì vậy, tôi có ý muốn thay đổi nó”.
Kể từ đó, người họa sĩ già bắt đầu đi mua sơn, mua cọ và hiện thực hóa mong ước của mình. Ấy thế mà đã gần 6 năm kể từ khi bức vẽ đầu tiên của họa sĩ Minh được hoàn thành.
Trong một đêm mất ngủ, ông “lén” mang sơn và cọ đến vẽ lên bức tường bị bôi bẩn khi phố xá không còn ai. Lúc vẽ xong, ông rất lo lắng vì “sợ sáng dậy người ta thấy thì phản đối”. Nhưng không ngờ, sáng hôm sau, ai nấy cũng trầm trồ vì bức tường “khoác” lên mình “chiếc áo mới”.
Kể từ đó, sự nhiệt huyết và niềm đam mê trong ông lớn dần qua từng bức vẽ, khiến biết bao con đường, ngõ hẻm với các mảng tường thô sơ, hoen ố từ quận 4, quận 1, quận 3, quận 7, quận 9 đến Phú Nhuận được lấp đầy bởi các bức tranh nhiều màu sắc và ý nghĩa nhân văn.
Hạnh phúc của người nghệ sĩ "thổi hồn" vào ngõ hẻm
Con hẻm nhỏ khuất mình bên bến Vân Đồn từng chỉ là lối đi lại của cư dân, nhiều năm nay đã đón thêm những vị khách đến tham quan, chụp ảnh. Người nghệ sĩ dần dần cũng nhận được sự kính mến, yêu thương, không chỉ từ người dân thành phố mà còn từ khách du lịch, truyền thông quốc tế.
Ông Minh kể: “Có lần, một phụ nữ người Đức đến thăm tôi. Phiên dịch viên của cô ấy cho biết, cô vừa đến TP.HCM đã vội đến tìm tôi bởi vì ngưỡng mộ nét vẽ, nét bút "vừa tân vừa cổ" của tôi. Nghe xong tôi cảm động không thể tả”.
Những ngày đầu khi mới bắt đầu vẽ, mọi chi phí ông đều tự bỏ tiền túi ra mua. Về sau, ông được nhiều người yêu quý, ghé đến cho sơn, thăm hỏi ông. “Đối với người làm nghệ thuật như tôi, đó là động lực và là niềm hạnh phúc vô cùng to lớn”, họa sĩ 78 tuổi cho hay.
Những bức tranh của ông Minh đều mang màu sắc vui tươi, gần gũi với thiên nhiên, con người, với các chủ đề về mùa xuân, đồng quê, danh lam thắng cảnh, đặc sản quê hương hay các vấn đề thời sự ông đọc được trên sách báo.
Bên cạnh đó, ông còn nắn nót viết những lời nhắc nhở ân cần ở những nơi hẻm cụt, hẻm chật, đông trẻ em, kêu gọi người dân chạy chậm, giữ vệ sinh chung,...
Bà Nguyễn Thị Kim Chi, người dân trong hẻm 64, cho biết: “Từ khi có tranh của bác Minh, hẻm mình có vẻ phóng khoáng hơn, đẹp hơn, ý thức người dân cũng thay đổi. Tranh của bác phù hợp với cảnh quan, lối sống con người nên mọi người thường mời bác đến nhà vẽ lên tường, lên cổng. Bác Minh vẽ xong bức nào là hàng xóm đều túm lại xem, trầm trồ khen ngợi”.
Dù tuổi đã cao, ông Minh vẫn hàng ngày thực hiện công việc tô điểm cho đời một cách đầy hứng khởi. Suốt nhiều năm nay, người nghệ sĩ này vẫn luôn giữ một thái độ nghiêm túc, có trách nhiệm với nghề.
Dù là tự nguyện hay được mời đi vẽ, ông đều làm chúng như một việc làm thiện nguyện, để thỏa lòng đam mê “múa cọ”, tiền nhận được cũng chỉ dùng để mua sơn, mua đồ dùng phục vụ công việc.
Ông Minh nhớ lại: “Năm 2018, có nhóm sinh viên đến mời tôi qua quận 7 vẽ cho chúng. Nào ngờ một hồi, mấy đứa chở tôi tới tận Nhà Bè, vẽ ở cái mảng tường mà nắng dội thẳng xuống, đã vậy hôm đó còn có bão. Tôi vẽ từ sáng đến tận 20h, về đến nhà là bệnh luôn, phải nằm nghỉ mấy ngày. Nhưng, kỷ niệm đó thì không sao quên được”.
Tính đến nay, “gia tài” tranh vẽ tường của ông Minh đã lên đến hơn 100 bức vẽ. Dù là tranh lớn, tranh nhỏ, đơn giản hay phức tạp, ông đều thực hiện chúng bằng tất cả tâm huyết cùng ngọn lửa yêu nghề của mình.
Ông nói một cách chắc chắn: “Khi nào tay run, không vẽ được nữa thì mới thôi, nhưng tôi nhất định sẽ truyền lại cho các bạn trẻ có tâm huyết với loại tranh vẽ này. Tôi cũng mong ngày càng nhiều người, biết dùng tuổi trẻ để làm điều ý nghĩa, giúp ích cho mình, cho cả những đời sau”.
Yến Nhi