Người học nghề còn yếu khả năng thích ứng công việc

Người học nghề còn yếu khả năng thích ứng công việc

Thứ 5, 27/12/2012 23:43

Việt Nam có hàng trăm cơ sở dạy nghề trên cả nước, nhưng để đánh giá thực chất chất lượng dạy nghề trên thực tế thì xã hội vẫn chưa coi dạy nghề là một môi trường tốt trong ngành giáo dục và đào tạo.

Đến nay, cả nước có gần 200 cơ sở dạy nghề thuộc các doanh nghiệp, trong đó có 119 trường trung cấp nghề (TCN) và cao đẳng nghề (CĐN), chiếm 27% trong tổng số trường CĐN, TCN. Hầu hết các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế mạnh đều có trường dạy nghề, đáp ứng một phần nhân lực cho tập đoàn, góp phần cung cấp cho xã hội. Các doanh nghiệp tổ chức dạy nghề cho lao động theo 3 hình thức chủ yếu: kèm cặp tại chỗ làm việc, đào tạo tập trung tại doanh nghiệp và đào tạo tập trung ngoài doanh nghiệp, trong đó dạy nghề kèm cặp là phổ biến (chiếm 63,6% tổng số lao động được đào tạo).

Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng các trường nghề trong doanh nghiệp còn ít, quy mô đào tạo còn nhỏ; nhiều trường chưa đáp ứng được nhu cầu của chính bản thân doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ cấu ngành, nghề đào tạo vẫn chưa thật phù hợp với cơ cấu ngành, nghề của doanh nghiệp.

Bất động sản - Người học nghề còn yếu khả năng thích ứng công việc

Đào tạo nghề ở nước ta không được xã hội đánh giá cao (Ảnh: minh họa)

Chương trình đào tạo chưa kịp với sự phát triển của khoa học công nghệ. Học sinh được đào tạo hệ thống kỹ năng cơ bản theo chuyên ngành nhưng thiếu sự sáng tạo, linh hoạt theo đặc thù của doanh nghiệp. Việc huy động đội ngũ chuyên gia, kỹ sư giỏi của doanh nghiệp tham gia đào tạo, thỉnh giảng, kiểm tra, đánh giá chất lượng chưa được tiến hành thường xuyên và liên tục. Người lao động qua đào tạo nghề, kỹ năng thực hành và khả năng thích ứng với sự thay đổi công nghệ của doanh nghiệp còn hạn chế. Việc tham gia của doanh nghiệp vào các hoạt động đào tạo cả ở tầm chính sách và đào tạo trực tiếp chưa có tính ràng buộc rõ ràng do chưa có cơ chế, chính sách cụ thể...

Theo PGS.TS. Mạc Văn Tiến - Viện nghiên cứu khoa học dạy nghề, để tăng cường vai trò của đại diện doanh nghiệp với dạy nghề cần đổi mới nhận thức về tổ chức đại diện người sử dụng lao động và vai trò của nó trong lĩnh vực dạy nghề. Thể chế hóa trách nhiệm của tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong đào tạo nghề. Cùng với đó là xác định rõ tư cách của các đại diện cho doanh nghiệp trong các hội đồng kỹ năng nghề; xây dựng cơ chế phối hợp,…

Việc gắn kết giữa dạy nghề với thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp, trong đó, yêu cầu có sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo như trong Hội đồng nhà trường, trong việc xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, trong quá trình giảng dạy, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập. Đối với doanh nghiệp, phải có chiến lược, kế hoạch phát triển nhân lực; phát triển cơ sở dạy nghề tại doanh nghiệp; đẩy mạnh dạy nghề tại chỗ và bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho người lao động có trách nhiệm chính trong việc đào tạo nghề cho doanh nghiệp của mình; tạo điều kiện cho học sinh các trường nghề thực tập tại doanh nghiệp; giáo viên dạy nghề được đi thực tế tại doanh nghiệp…

Khẳng định hiệu quả của phương thức đào tạo nghề có sự tham gia của khối doanh nghiệp, ông Lê Văn Hiền - Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Lilama2 cho rằng, vấn đề chương trình đóng vai trò tiền đề trong mô hình đào tạo có sự tham gia của doanh nghiệp. Đội ngũ giáo viên đóng vai trò cốt lõi. Thiết bị đóng vai trò nền tảng. Đánh giá chất lượng đào tạo là yếu tố tiên quyết. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của các cơ sở nói chung và Lilama2 nói riêng, là thiếu đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm từ thực tiễn, hiểu sâu các tiêu chuẩn và quy trình công nghệ đang áp dụng tại doanh nghiệp.

Ông Lê Văn Hiền khẳng định, nếu Chính phủ có cơ chế khuyến khích khối doanh nghiệp và cơ chế thúc đẩy cơ sở dạy nghề tham gia để nhân rộng mô hình hợp tác đào tạo này, có thể Ngân sách Nhà nước sẽ tiết kiệm kinh phí để đầu tư thiết bị dạy nghề, nhưng vẫn có thể đạt các mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nghề Việt Nam, được nêu ra trong "Chiến lược đổi mới và phát triển đào tạo nghề giai đoạn 2011-2020 " đã được Thủ Tướng phê duyệt.

Kiểm định chất lượng là một công việc khó khăn và phức tạp, đặc biệt là đang rất mới mẻ đối với hệ thống dạy nghề nói riêng và hệ thống giáo dục của Việt Nam nói chung. Chắc chắn sẽ còn tranh luận, bàn cãi về hệ thống kiểm định chất lượng GD-ĐT, mức độ hài lòng của xã hội đối với công tác dạy nghề hiện nay vẫn còn rất thấp. Để giải “bài toán” nâng cao kỹ thuật thực hành nghề cho HS, SV, cần có các giải pháp cơ bản, bao gồm chuyển đổi mô hình dạy nghề theo truyền thống sang mô hình dạy nghề theo năng lực thực hiện, và thay đổi cách đánh giá kết quả học tập trong trường nghề.

Trong Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020 cũng nêu rõ sẽ xây dựng cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề. Trong đó, hỗ trợ doanh nghiêp tham gia đào tạo nghề; quy định trách nhiệm của doanh nghiệp khi tiếp nhận lao động qua đào tạo nghề; chính sách đối với chuyên gia, nhân viên kỹ thuật có tay nghề cao của doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề…; các doanh nghiệp có hoạt động dạy nghề, chi phí đào tạo được tính trong giá thành. Tăng cường sự tham của các Hội nghề nghiệp…

Nguyên An


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.