Trang Gizmodo đưa tin, Marcus Hutchins, 23 tuổi, chuyên gia bảo mật người Anh đã bị bắt do liên quan đến việc phát tán các phần mềm độc hại. Cái tên Hutchins thực ra đã trở nên nổi tiếng khi giúp thế giới ngăn chặn malware tống tiền WannaCry vào năm 2017. Tuy nhiên vài tháng sau, Hutchins bị FBI bắt giữ do có liên quan đến việc phát tán một loại mã độc có tên Kronos.
Trong một bài đăng trên trang web cá nhân, Hutchins nói: "Tôi nhận tội với hai cáo buộc liên quan đến việc phát tán các phần mềm độc hại trước khi làm nghề bảo mật. Tôi rất tiếc vì những gì mình làm và xin chịu trách nhiệm cho những sai lầm của bản thân. Càng trưởng thành, tôi mới biết sử dụng những kỹ năng bảo mật cho mục đích đúng đắn".
Thực tế, Marcus Hutchins đã bị nhà chức trách nước Mỹ bắt giữ hồi năm 2017 với cáo buộc phát triển một số malware là UPAS Kit và Kronos. Trong đó, Kronos là loại virus này được đánh giá nguy hiểm không kém gì virus WannaCry.
Cụ thể, malware Kronos là một biến thể nguy hiểm hơn của malware Zeus, nó lây nhiễm vào máy tính và đánh cắp tài khoản ngân hàng trực tuyến của người dùng. Trojan Kronos đã từng được một số tin tặc sử dụng để tấn công vào các ngân hàng lớn tại Mỹ vào năm 2014 và 2015.
Những sai phạm này đã diễn ra từ tháng 7/2012-9/2015. Theo luật, Hutchins có thể sẽ phải đối mặt với tổng cộng 10 năm tù cho các tội danh, cùng với khoản tiền phạt 250.000 USD.
Theo ZDNet, Hutchins hiện đã được tại ngoại và sẽ được xét xử trong một phiên tòa diễn ra vào cuối năm 2019. Trong tuyên bố mới nhất, anh cho biết mình sẽ tiếp tục dành thời gian để giữ mọi người an toàn trước các cuộc tấn công từ những phần mềm độc hại.
Clip Mã độc WannaCry lây lan như thế nào?
Năm 2017, cả thế giới internet náo loạn vì một con malware mang tên WannaCry. Được mệnh danh là mã độc tống tiền nguy hiểm nhất, WannaCry đã lây nhiễm và tấn công hàng trăm nghìn hệ thống máy tính trên toàn thế giới.
Rất nhiều hệ thống máy tính tại các bệnh viện, ngân hàng, chính phủ và doanh nghiệp tư nhân bị tê liệt do WannaCry mã hóa dữ liệu. Không có cách nào có thể giải mã các dữ liệu đã bị WannaCry mã hóa, trong khi đó con malware này tiếp tục lây lan với tốc độ chóng mặt.
Giữa lúc cả thế giới đang náo loạn, tài khoản Twitter @malwaretechblog tuyên bố đã tìm ra cách ngăn chặn con malware vô cùng nguy hiểm này bằng một cách vô cùng đơn giản. Anh chàng này đã ngăn chặn không cho WannaCry có thể tiếp tục lây lan, bằng cách mua lại tên miền kill-switch mà con malware này sử dụng để lây nhiễm.
Hiếu Nguyễn (Tổng hợp)