"Khắc tinh" của trận địa đá ngầm
Xuôi dòng sông Mã, đâu đâu cũng nghe dân chài nhắc đến bốn địa danh mà sự nguy hiểm của nó đã trở thành nỗi ám ảnh muôn đời của người vượt sông trong câu ca dao "Nhất Chảy Xuội. Nhì Chảy Cả. Ba Chảy Long. Lòng còn ái ngãi Ngốc Cùng mà thôi". Nằm trên đoạn sông chảy qua địa phận cuối làng Ngốc, đầu làng Cùng, quẩn quanh dưới chân núi Cửa Hà dựng đứng, vực Ngốc Cùng đã trở thành nỗi khiếp sợ của dân chài bởi sự nguy hiểm khôn lường của nó kể cả mùa nước cạn lẫn mùa nước đầy.
Ông Nguyễn Hữu Hàn (73 tuổi) một lão ngư đã có 40 năm lênh đênh trên dòng sông này cho biết, trên địa phận vực Ngốc Cùng có rất nhiều những gân đá hình răng cưa ăn ra từ núi Cửa Hà, chắn ngang dòng sông tạo thành một bàn chông sắc nhọn vô cùng hiểm trở. Đó chính là một cái bẫy bất khả xâm phạm trên dải Mã giang vốn nổi tiếng hung tợn như con thú dữ mà bất cứ dân chài nào cũng e ngại. Ông nói, chỉ những tay chèo lão luyện điều khiển những con thuyền nhỏ, dễ luồn lách may ra mới có thể vượt qua trận địa ma quái này. Còn những tàu bè lớn đi qua chỉ có nước thuyền tan, người nát, họa hoằn mới có 1 - 2 cái thoát khỏi bàn tay thủy thần.
Hầu hết dân chài sinh sống trên khúc sông đáng sợ này đều đã từng một vài lần ngã tay chèo đủ để biết thế nào là "Lòng còn ái ngãi Ngốc Cùng mà thôi". Duy chỉ có một người duy nhất đã trở thành khắc tinh, chưa một lần bị khuất phục trên trận địa Ngốc Cùng. Đó chính là dị nhân Đỗ Thế Ngọ, người chưa một lần thất bại trên dòng Mã giang. Trong lúc đứng đợi ông chèo thuyền từ bờ bên kia sang, tôi đã được chiêm ngưỡng hình ảnh một lão ngư thân thể cường tráng, lồng ngực vạm vỡ đang căng ra mạnh mẽ khua mái chèo đẩy thuyền nhẹ lướt trong gió trời lồng lộng. Thuyền càng gần bờ, tôi càng nhìn rõ ông với nước da bánh mật lấp lánh mồ hôi, chòm râu bạc sáng ngời trong nắng. Nhìn ông đẹp như một bức tượng đồng vững chãi giữa trời mây non nước xứ Thanh, quả không hổ danh là "Người hùng sông Mã".
Bằng giọng nói tuy trầm nhưng rất vang đầy uy lực, "người hùng sông Mã" hào hứng kể về những chuyến phiêu lưu qua những địa danh nguy hiểm ngược dòng sông Mã từ khi ông còn rất trẻ. Sau nhiều năm theo người cha vốn cũng là một lão ngư nổi tiếng là tay lái thuyền giỏi bôn ba trong nghề sông nước để học hỏi kinh nghiệm, ông Ngọ đã tự mình sở hữu một con thuyền độc lập trên sông. Bằng sức khỏe, sự dẻo dai và trí tuệ của một người lái thuyền thực thụ, ông sớm đã chinh phục những vực thác khó đi nhất, phá vỡ những cạm bẫy chết người có ở khắp nơi trên dòng sông Mã. Thấy ông được nhiều người nể trọng, tin tưởng, một số thanh niên cùng trang lứa đã đưa ra những lời thách thức khó khăn. Họ bảo ông chưa lên đến thác Con Gái, chưa ngược dòng đến Tam Chung, Quang Chiểu thì chưa có gì đáng để tâm phục khẩu phục. Chẳng quan trọng việc chúng bạn có vị nể mình hay không nhưng vừa nghe đến những cái tên đầy bí ẩn nào thác Con Gái, nào Tam Chung, nào Quang Chiểu, ông đã nóng lòng muốn khám phá.
“Dị nhân” Đỗ Thế Ngọ. Ảnh Dương Dung.
Khi biết đó là những địa danh gần thượng nguồn "nơi con sông Mã chảy vào đất Việt" nổi tiếng với địa hình hiểm hóc, hang hốc hầm hố, không thuyền bè nào có thể vượt qua, chàng thanh niên tên Ngọ lại càng khao khát được chinh phục. Ông nói "lái thuyền trên sông Mã là một nghề vô cùng nguy hiểm và kinh nghiệm của người đi thuyền nhiều khi phải trả bằng máu. Nhưng nếu quá khiếp sợ, người ta sẽ không còn đủ tỉnh táo để xử lý những tình huống xấu. Vì vậy luôn luôn phải giữ bình tĩnh, giữ chắc mái chèo, lắng nghe tiếng nước réo để xác định những chướng ngại trên dòng chảy, xác định rõ phương hướng để thuyền không đi chệch khỏi những ranh giới an toàn. Phải hiểu rõ dòng sông như chính bản thân mình để không bị nó khuất phục".
Có lẽ vì nắm trong tay những chân lý của dòng chảy và luôn ứng biến linh hoạt cho nên ông đã chinh phục thành công thác Con Gái, vượt qua bao thác ghềnh đến tận Tam Chung, Quang Chiểu của xứ Mường Lát xa xôi. Gần như ông đã đi đến tận cùng sông Mã để rồi mỗi khi nhắc đến ông, người ta lại nghĩ về một "người hùng sông Mã".
Khi thủy thần nổi giận và hồi ức kinh hoàng
Từ khi sinh ra bên dòng sông Mã cho đến tận bây giờ, suốt một đời gắn bó với dòng Mã giang, ông đã trải qua hơn 70 mùa nước đầy nước cạn, chứng kiến bao chuyện đổi thay vui buồn ở làng chài Tân Phong này. Trong đó có những trận lụt nhấn chìm tất cả, có những cơn bão tàn phá tan hoang nhưng sự kiện khủng khiếp nhất trong ký ức không chỉ riêng ông mà tất cả những người dân sinh sống quanh vùng là trận sóng thần xảy ra năm 1999. Nguyên nhân gây ra đợt sóng gây kinh hoàng nhất trong lịch sử sông Mã từ trước đến nay xuất phát từ vụ lở đá trên núi Cửa Hà.
Theo lời kể của ông Ngọ, vào ngày xảy ra chuyện hy hữu đó, nguyên một mỏm đá lớn từ đỉnh núi bất ngờ rơi thẳng xuống vực Ngốc Cùng gây ra một trận sóng dữ dội chưa từng thấy. Những khối nước khổng lồ từ lòng sông chồm lên cao cả nghìn thước cuốn theo tất cả tàu bè trên sông rồi đổ ụp xuống phá hủy cả một vùng rộng lớn. Gần hai chục bè cá lồng sắp đến kỳ thu hoạch của làng chài Tân Phong bị hất tung lên bờ tạo thành một cơn mưa cá. Một con tàu 7 tấn kiên cố neo đậu bên kia sông tưởng không sóng gió nào có thể xâm phạm cũng bị đánh gẫy đôi trong tích tắc. Toàn bộ công sức, tài sản của bao người bỗng chốc chỉ còn là một đống đổ nát hoang tàn, thiệt hại không sao kể hết. Hơn chục năm đã trôi qua sau cơn giận dữ của dòng sông nhưng khi nhắc đến sự kiện này, ông Ngọ vẫn không giấu nổi sự kinh hoàng trong ánh mắt của một người đã trải hết sự đời.
Cũng trên con sông nghĩa nặng tình sâu này, ông đã bao đêm thao thức khóc với dòng Mã giang đang chết dần trong sự khai thác đến kiệt quệ của người dân. Trong trí nhớ của ông về sông Mã ngày xa xưa là những đàn cá dày đặc bơi lội tung tăng trong làn nước trong xanh biếc. Nào là cá vện, cá trôi, nào cá ních, cá dây, cá ké, nào cá lăng, cá măng... nhiều đến nỗi mẻ lưới nào cũng nặng trĩu thuyền, không có sức mà bắt. Thậm chí có những con nặng đến 40 - 50kg chục nhà ăn không hết. Nhưng bây giờ đi khắp dòng Mã giang chẳng nơi nào thấy cá. Có những loài gần như đã không còn xuất hiện trong vài năm trở lại đây. Có những loài chưa kịp lớn đã bị chích điện chết hàng loạt khiến những người đã từng gắn bó cả đời với sông Mã rất trăn trở.
Từ nhiều năm nay, ông Ngọ không còn đánh bắt cá trên sông mà chuyển sang nuôi cá lồng, một phần để kiếm thêm thu nhập nhưng quan trọng là để tận hưởng thú vui sông nước. Năm nay tuổi đã cao, con cháu ai cũng thành đạt, khá giả, không muốn ông phải vất vả nhưng chỉ cần rời xa sông nước nửa ngày ông đã thấy thiếu vắng, khó ở trong người chẳng khác gì con cá đang bơi bỗng bị bắt lên bờ.
Vị cứu tinh của những người chết hụt dưới sông
Bao nhiêu năm coi sông Mã là nhà, không rời nửa bước, không biết bao nhiêu người ngã xuống sông đã được ông cứu sống trong gang tấc. Trong đó có những lần ông cứu gần chục người một lúc. Một lần đang ăn cơm trưa, thấy tiếng la hét bên sông, ông vội ngó ra đã thấy mấy bàn tay chấp chới đập nước. Sau một hồi vật lộn với dòng nước xiết, cuối cùng ông cũng đưa được ba đứa con ông Cò lên bờ. Cả làng chài được một phen thót tim: "Ông Ngọ mà không nhanh chân thì ông Cò mất ba đứa con một lúc". Lại một lần khác, ông cũng cứu liền một lúc tám cán bộ, công nhân của công ty Lâm sản Cẩm Thủy khi nhóm này đang tập bơi trên sông gặp khúc nước sâu không sao ngoi lên được. Suốt cuộc đời mình, ông đã sống trọn tình trọn nghĩa với sông Mã và người sông Mã nhưng vẫn luôn trăn trở làm sao để cứu lấy con sông trước nguy cơ cạn kiệt.
Kẻ nào tận diệt dòng sông sẽ bị trả giá Nói đến việc đánh bắt cá bằng cách chích điện, ông Ngọ không giấu nổi vẻ giận dữ. Ông bảo "Đã là người của sông Mã, ăn miếng cơm của sông Mã thì cũng phải biết mang ơn sông Mã, bảo vệ sông Mã, bảo vệ nguồn sống cho mình, cho đời con, đời cháu mình. Những người đánh bắt cá bằng những phương pháp không an toàn, tận diệt nguồn tài nguyên, sớm muộn cũng phải trả giá". |
Dương Dung
> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!