Người “đánh thức” sự lương thiện
PV báo Người Đưa Tin đến trại giam Quảng Ninh (bộ Công an) vào những ngày Tết. Tại đây, chúng tôi gặp những con người đang ngày ngày tâm huyết với công việc cảm hóa phạm nhân. Trong đó, có chàng quản giáo trẻ - Trung úy Ngô Văn Lâm.
Tốt nghiệp trường trung cấp Cảnh sát nhân dân VI, Trung úy Ngô Văn Lâm (SN 1990) đã gắn bó gần 9 năm làm công tác quản giáo tại trại giam Quảng Ninh, ngay từ những ngày đầu tiên ra trường. Trung úy Ngô Văn Lâm chia sẻ: “Là một người lính trẻ, bản thân tôi cũng như mỗi cán bộ chiến sĩ, ai cũng muốn có một bước khởi đầu tốt, cống hiến hết mình, nỗ lực hết mình để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đó cũng là vinh dự của một công dân khi khoác trên mình màu áo lính”.
“Có lẽ câu nói “nghề chọn người” của các cụ ngày xưa đối với tôi cũng có gì đó khá đúng. Trước đây, khi còn nhỏ, tôi đã mơ ước về nghề giáo viên, “chèo lái” những “chuyến đò tri thức”. Và hiện nay, tôi đã trở thành một cán bộ quản giáo, công việc cũng có liên quan đến giáo dục những người một thời lầm lỡ. Chúng tôi luôn dùng cái tâm để cảm hóa nên các phạm nhân cũng thường gọi chúng tôi là “thầy” thật gần gũi”, chàng chiến sĩ trẻ bộc bạch.
Trong môi trường trại giam quản lý phạm nhân giống như một xã hội thu nhỏ, tất cả phạm nhân đều đã từng vi phạm pháp luật, bằng rất nhiều hình thức khác nhau, nhất thời phạm tội cũng có, phạm tội không từ một thủ đoạn nào cũng có... Vì vậy, quá trình quản lý, giáo dục phạm nhân đều rất căng thẳng.
Đặc biệt, Trung úy Lâm lại là người phụ trách đội phạm nhân trọng điểm của trại, với 37 phạm nhân đều đã phạm tội đặc biệt nguy hiểm, lĩnh án dài đến chung thân, vì vậy, anh luôn phải đối mặt với những “áp lực” căng thẳng.
Nhiều phạm nhân lĩnh án chung thân khi mới vào trại vẫn chưa nhận thức được hành vi sai phạm của bản thân. Khi giáo dục, các đối tượng không chấp nhận, luôn có tư tưởng tìm cách chống phá, đối phó lại khuôn phép bắt buộc phải theo. Có trường hợp không chấp hành bản án, liên tục viết đơn kháng cáo, không nhận rõ tội lỗi, tiếp đó là không chấp hành nội quy trại giam, thường xuyên vi phạm và chống đối lao động.
Trung úy Lâm nhắc đến một ví dụ như phạm nhân Lưu Ngọc Châu chịu án chung thân, phạm 2 tội là Mua bán trái phép chất ma túy và Tàng trữ trái phép chất ma túy. Châu từng có thời gian “tung hoành ngang dọc” tại khu vực biên giới Việt - Trung, có một đường dây rất lớn với nhiều mánh khóe, chiêu trò. Tính đến nay đã 7 năm, đối tượng luôn chống đối và tìm cách lôi kéo phạm nhân khác chống đối lại cán bộ.
Những trường hợp như thế gián tiếp ảnh hưởng đến trách nhiệm và công việc chung của các cán bộ quản giáo trong công tác quản lý và giáo dục phạm nhân, định hướng, đưa họ trở lại con đường hoàn lương.
Tuy nhiên, sự giáo dục bằng tâm huyết các cán bộ quản giáo cũng đã cảm hóa thành công rất nhiều phạm nhân. Cán bộ quản giáo trẻ tâm sự: “Để giáo dục, định hướng tư tưởng phạm nhân, chúng tôi luôn dành tình cảm để khơi dậy những tâm tư, nguyện vọng, giúp phạm nhân tự “hiểu” bản thân mình đang muốn gì, hướng đến mục tiêu như thế nào, từ đó, sẽ yên tâm cải tạo tốt.
Đối với bất kỳ phạm nhân nào, cán bộ quản giáo cũng dành thời gian nghiên cứu hồ sơ và đặt những câu hỏi để nắm bắt điều kiện, hoàn cảnh của gia đình phạm nhân. Qua đó, tác động tâm lý giúp họ cải tạo thật tốt để sớm trở về, bù đắp cho gia đình sau quãng thời gian chấp hành án trong trại giam”.
Trung úy Ngô Văn Lâm vẫn còn xúc động khi nhắc lại một câu chuyện cũ: “Tôi vẫn còn nhớ như in một kỷ niệm trong những ngày đầu tiên, khi còn công tác tại phân trại số 2 của trại giam Quảng Ninh (đóng trên địa bàn huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh). Đơn vị nằm tại nơi rất xa khu dân cư, địa hình đồi núi, gặp khá nhiều khó khăn thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần.
Một buổi mùa hè mấy năm trước, tôi có nhiệm vụ quản lý 15 phạm nhân lao động, đang phát rừng thì một cơn mưa bất chợt kéo đến, tôi nhanh chóng cho đội phạm nhân di chuyển về để nhập buồng giam. Khi băng qua một dòng suối, bất ngờ nước lũ tràn về, trời cũng đã xế chiều nên bắt buộc phải đi qua.
Lúc đó, tôi là người di chuyển sau cùng. Khi tôi chưa đi qua được đoạn suối này, bất ngờ có một khúc gỗ rất lớn từ trên thượng nguồn bị lũ cuốn xuống, hướng thẳng về phía tôi. Tôi còn chưa kịp nhận ra điều đó thì phạm nhân tên Trần Duy Hùng, đang đi gần tôi nhất đã vội vàng lao tới đẩy tôi ra, đồng thời đỡ cho tôi khỏi bị khúc gỗ đập vào người. Quả thực, lúc đó tôi vô cùng xúc động!”.
Hành động trên làm ấm lòng Trung úy Ngô Văn Lâm, bởi việc làm của anh đã “ươm mầm thiện”, giúp một con người lầm lỡ, vi phạm pháp luật tìm lại sự lương thiện.
Hy sinh thầm lặng
Trong gần 9 năm công tác tại trại, Trung úy Lâm đã trực Tết liên tục 5 năm. Mỗi thời khắc Giao thừa là một cảm xúc khó diễn tả: “Tết đến Xuân về, ai cũng nghĩ về Tết đoàn viên, quây quần với bố mẹ, gia đình. Tôi cũng từng rất bồi hồi trong những năm trực đầu tiên. Tuy nhiên, sau đó, nhận thấy còn rất nhiều trách nhiệm trong này, tôi phải gác lại những cảm xúc ấy, tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Những người làm công tác quản giáo tại trại giam luôn có rất ít thời gian dành cho gia đình và bản thân. Trung úy Lâm tâm sự, lúc nào cũng trong tình trạng “yêu xa”, mặc dù người yêu ở rất gần nhà.
Tương tự, Thiếu tá Hà Thanh Nhân (SN 1975) cũng thường xuyên vắng mặt trong bữa cơm gia đình. Những năm đầu tiên quản giáo Nhân nhận nhiệm vụ công tác tại trại giam Mộc Hóa trong miền Nam. Sau khi lập gia đình một thời gian, anh Nhân mới xin chuyển công tác về trại giam Quảng Ninh.
Ngược thời gian khoảng gần 20 năm trước, khi đó chàng quản giáo ấy mới kết hôn được một tháng, lại lên đường đến với guồng quay công việc nơi phía Nam Tổ quốc. Lúc này, người vợ trẻ đang mang thai đứa con đầu lòng. Ngày vợ “vượt cạn” không có bàn tay người chồng ở bên chăm sóc, lúc thiên thần nhỏ chào đời cũng không có vòng tay người bố vỗ về. Khi anh Nhân về nghỉ phép, cậu con trai đã chập chững những bước đầu đời, thậm chí còn “lạ”, không theo bố.
Do điều kiện công tác ở xa gia đình, phương tiện đi lại vào thời điểm đó cũng cũng khá khó khăn nên cứ gần 2 năm anh Nhân mới trở về thăm nhà một lần, cậu con trai ngày càng xa cách, vì vậy, anh đã xin chuyển công tác ra Bắc để có nhiều điều kiện dạy bảo các con hơn.
Hiện nay, mỗi tháng anh Nhân về nhà được 2 lần vào dịp cuối tuần. Dù luôn làm tốt công tác quản giáo trong trại giam, thế nhưng Thiếu tá Hà Thanh Nhân vẫn luôn trăn trở về trách nhiệm với gia đình: “Do làm việc trong môi trường trại giam, chứng kiến ngày càng nhiều thủ đoạn tinh vi của tội phạm, thậm chí, có quá nhiều nguy hiểm từ các chất gây nghiện, xuất hiện ngày càng nhiều loại ma túy mà Nhà nước còn chưa kịp cập nhật để cảnh báo... khiến tôi càng lo lắng hơn khi không thể ở bên cạnh, chỉ bảo các con. Cũng may là tôi cưới được người vợ đảm đang, mạnh mẽ, thay tôi chăm sóc, giáo dục các con những lúc tôi làm nhiệm vụ ở đơn vị”.
N.H – T.T