Người hướng dẫn viên tại Gallery tư nhân đầu tiên của Hà Nội

Người hướng dẫn viên tại Gallery tư nhân đầu tiên của Hà Nội

Thứ 5, 27/12/2012 23:42

Người hướng dẫn viên đặc biệt này chính là bà Mai Ngọc Hà, 83 tuổi, vợ của kịch gia nổi tiếng Vũ Đình Long và là mẹ của họa sĩ lừng danh Vũ Dân Tân.

Khi ghé thăm gallery nghệ thuật tư nhân đầu tiên của Hà Nội, nơi trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo của họa sĩ Vũ Dân Tân (nhà số 30, phố Hàng Bông, Hà Nội), mọi người sẽ rất bất ngờ khi được một cụ bà tóc trắng, mắt sáng, có nụ cười rất hiền hậu nhiệt thành đón tiếp và hướng dẫn.

Xã hội - Người hướng dẫn viên tại Gallery tư nhân đầu tiên của Hà Nội

Nghệ thuật ... "vị chồng con"

Bà sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, nhưng không hiểu sao được bố mẹ đặt cho cái tên rất Hà Nội, "Mai Ngọc Hà" đẹp và đầy nữ tính. Có phải vì cái tên rất Hà thành mà bố mẹ đặt cho hay không, nhưng hình như nó đã vận vào đời bà Ngọc Hà. Để rồi từ năm 19 tuổi bà Ngọc Hà đi lấy chồng và cũng từ đó cuộc đời bà gắn bó với chốn đô thành phồn hoa cho đến tận bây giờ.

Sinh ra trong gia đình đông anh em nhưng bà Ngọc Hà may mắn được cho ăn học hết bậc tiểu học, sau đó ở nhà nội trợ giúp mẹ chăm sóc các em. 19 tuổi, bà đẹp lộng lẫy nhưng không hiểu vì sao bố mẹ lại đem gả bà về làm vợ lẽ cho người chồng của một người dì họ đã qua đời (hơn bà đến 31 tuổi và có cô con gái cũng bằng chính tuổi bà). Người đó chính là nhà viết kịch, ông chủ của nhà xuất bản Tân Dân - Vũ Đình Long.

Ở cái thời "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy", bà Ngọc Hà đành cam phận làm vợ cho người và cố quên đi khát vọng của tuổi trẻ. Những tưởng số phận quá hẩm hiu, nhưng dần dần cùng với thời gian, bà Ngọc Hà đã bị chinh phục bởi vẻ trí thức, quý tộc và sự đối đãi chân thành từ người chồng đáng kính của mình. Cũng vì làm vợ ông chủ nhà xuất bản Tân Dân nổi tiếng mà đời bà từ chỗ chỉ quen với bếp núc nội trợ đã bén duyên với nghề xuất bản, in ấn, trở thành người thư ký giỏi, một trợ thủ đắc lực trong công việc kinh doanh nghệ thuật của chồng mình.

Nhớ lại thời gian đầu, bà Ngọc Hà tâm sự, trong suốt những ngày tháng trước khi bước chân về làm vợ Vũ Đình Long, bà chưa hề ý thức được công việc của một nhà văn. Thậm chí, những ngày đầu làm vợ ông tổ nền kịch nói hiện đại Việt Nam, bà Ngọc Hà cũng không tìm hiểu người chồng của mình đang làm gì với những số phận nhân vật. Bà cũng không cần biết tại sao chồng mình lại mất ăn mất ngủ cặm cụi hí húi ghi chép. Thời gian đầu, bà đứng ngoài tất thảy mọi sự của nhà chồng, để cho cuộc đời trôi đi theo số phận đã an bài.

Nhưng ngược lại với thái độ bất cần của bà Ngọc Hà, bằng sự nhạy cảm vốn có của một nhà văn, sự từng trải trong cuộc đời của ông chủ của một nhà xuất bản lừng danh, Vũ Đình Long đã thấu hiểu tất cả nỗi lòng của người vợ trẻ. Đặc biệt, ông nhận thấy được sự thông minh, lanh lợi hiếm có của vợ mình. Chính vì vậy, nhà viết kịch Vũ Đình Long đã động viên và dày công đào tạo bà đến với nghề xuất bản, in ấn. Ông đã cho bà đi học bổ túc, cho đi học đánh máy chữ, dạy bà cách sửa lỗi mo-rát...

Chính sự tôn trọng, đối đãi rất có tình từ người chồng đã làm thay đổi nhận thức trong bà Ngọc Hà. Một thời gian sau, không ai khác, chính bà Ngọc Hà đã trở thành "thư ký" của nhà văn Vũ Đình Long. Bà làm thành thạo tất thảy những công việc, đánh máy những vở kịch, chép lại những bài báo, những cuốn sách dịch thuật, thậm chí bà còn trông coi giúp ông những mẻ in thử đầu tiên của các ấn phẩm ra lò tại nhà in Tân Dân. Nhờ có bà Ngọc Hà giúp sức, ông Vũ Đình Long đã vơi đi nhiều những gánh nặng mà một thời gian dài ông phải tự mình đảm đương. Cũng chính vì thế mà kịch gia nổi tiếng này có thêm nhiều thời gian để toàn tâm toàn ý dành cho sáng tác.

Hai năm sau khi lấy chồng, bà sinh cậu con trai Vũ Dân Tân, hai năm sau nữa thì bà sinh thêm cô con gái Vũ Mai Hương. Những đứa con kháu khỉnh, xinh đẹp và giống bố như tạc đã gắn kết tình nghĩa vợ chồng keo sơn của bà và nhà văn Vũ Đình Long. Bà hạnh phúc vì chưa bao giờ ông khiến bà phiền lòng vì một câu nói nặng lời, cảm kích vì ngoài những lúc ngồi bên bàn làm việc, ông dành hết thời gian để chăm sóc các con. Bà cảm nhận được sự chân thành từ người chồng đáng kính của mình. Chính những tình cảm ấy đã là điểm tựa chở che cho bà trong những sóng gió của cuộc đời tiếp theo mà bà phải chống đỡ. Đó là khi bà vừa tròn 35 tuổi, nhà văn Vũ Đình Long lâm bệnh nặng và qua đời.

Từ đó bà gạt nước mắt khóc chồng, cũng như khóc cho phận mình long đong sớm cảnh góa bụa để đối mặt với cuộc sống. Từ chỗ chưa có một ngày nào phải bon chen để lo cho cuộc sống nay một mình bà phải gánh vác nhiều công việc rất nặng nhọc. Bà kể rằng, để nuôi con, bà bắt đầu cuộc đời của một công chức, bằng việc đi làm công nhân sắp chữ ở nhà in tại một xưởng in của Nhà nước. Mất chỗ dựa là người chồng giỏi giang, chu toàn, người đàn bà góa phụ chỉ biết làm việc thật chăm chỉ để kiếm thêm tiền chu cấp cuộc sống cho các con. Tần tảo, vất vả bao tháng ngày, cuối cùng sự hy sinh của bà cũng đến ngày đơm hoa kết trái. Sự thành đạt trên con đường hội họa của Vũ Dân Tân khiến nỗi lòng người mẹ được an ủi thật nhiều.

Người hướng dẫn viên đặc biệt

Thời gian dài sống cùng người con tài hoa của mình, bà rất hạnh phúc vì những gì bà hy sinh nay được đền đáp bằng sự thành danh trên con đường hội họa của Vũ Dân Tân. Bà tự hào về người con trai có một lối đi riêng, khác lạ, mang phong cách Vũ Dân Tân, không lẫn vào bất cứ ai. Bà cũng tự hào về Vũ Dân Tân vì không chỉ giỏi về hội họa mà trong cuộc sống hàng ngày hiểu mẹ và yêu mẹ vô bờ. Người họa sĩ tài danh này đã mang lại cho bà sự bình an trong cuộc sống. Bà tâm sự với chúng tôi, dù Dân Tân không theo nghề của cha mình, nhưng anh thừa hưởng tính nết của kịch gia Vũ Đình Long ở sự cẩn thận, thẳng thắn, và không thích bon chen.

Kể lại những ký ức về con trai, hai hàng nước mắt khô cằn bỗng như vón lại nơi khóe mắt của người mẹ già nua. Bà thương con đã phải chia tay cuộc đời quá sớm. "Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh đã rụng" khiến bà không khỏi nhớ tiếc ngậm ngùi. Tưởng rằng, nỗi đau mất con đã đè sụp ý chí của người phụ nữ này, nhưng một lần nữa trong đời, bà tự đứng lên sau mất mát lớn, bằng cách làm hướng dẫn viên cho gallery nghệ thuật của con mình.

Chúng tôi hỏi bà Ngọc Hà tại sao tuổi đã già mà bà vẫn miệt mài làm việc? Bà chỉ cười mà không đáp lại. Hình như bà không muốn chia sẻ tâm sự với ai về công việc của mình. Nhưng khi chúng tôi đến phòng tranh, được tận mắt chứng kiến cảnh bà cụ tóc trắng như cước đón tiếp các vị khách đến tham quan gallery nghệ thuật này, mới ngộ ra nhiều điều. Mỗi cử chỉ, điệu bộ, nụ cười khi bà giới thiệu về tác phẩm hội họa của con mình đều toát lên nỗi nhớ nhung xen lẫn niềm tự hào của một người mẹ.

Bất ngờ hơn, chúng tôi được biết, phòng tranh này không chỉ đón tiếp các vị khách trong nước mà còn có những khách đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Không biết ngoại ngữ, không truyền đạt được với khách nước ngoài bằng ngôn ngữ, bà đã dùng cử chỉ tay chân để cố gắng truyền tải những thông điệp trong các bức tranh tới các vị khách ngoại quốc.

Suốt một buổi ngồi chuyện trò và chứng kiến cảnh bà Mai Ngọc Hà làm hướng dẫn viên, lòng chúng tôi bỗng gợn lên một cảm xúc khó tả. Và chính nơi đây, ngoài các tác phẩm nghệ thuật của một bậc thầy, chúng tôi còn chiêm ngưỡng được một "kiệt tác" về tình mẫu tử thiêng liêng.

(Còn nữa)

Trinh Phúc


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.