Mặt trời lặn nhanh phía bên kia dãy núi. Bóng tối tràn ngập, đại ngàn âm u. Bên bếp lửa bập bùng có cả vợ con ngồi quanh, anh Vàng Seo Chúng, người được gọi là “người khỉ” nhớ lại những năm tháng tuổi thơ của mình.
Anh Chúng là con thứ ba trong một gia đình nghèo đói như những gia đình H’Mông trong bản Tả Lử Thận (Pà Vầy Sủ, Xín Mần, Hà Giang).
Bố mẹ Chúng đều mồ côi từ nhỏ. Lớn lên, về ở với nhau, nương dựa vào nhau để sống. Rừng già, núi đá, nên cuộc sống của bố mẹ chúng rất khó khăn, đói ăn triền miên.
Cái đuôi của anh Vàng Seo Chúng |
Bà Hạng Thị Chở, mẹ Vàng Seo Chúng nhớ lại ngày sinh ra cậu con mọc đuôi của mình: “Ngày đẻ thằng Chúng rét lắm. Nước dưới suối đóng băng, tuyết trên trời rơi xuống trắng xóa. Tôi đi nương về thì đau bụng dữ dội, chỉ muốn ngã thôi. Phải vất vả lắm tôi mới lết được vào nhà. Tôi tự đẻ nó, tự cắt rốn cho nó bằng cái cật nứa”.
Ngày đó xã chưa có trạm xá nên tất cả đàn bà H’Mông trong bản đều đẻ ở nhà. Khi Chúng sinh ra cũng giống như bao đứa trẻ khác, chỉ có điều ở vùng thắt lưng có một nhúm lông. Điều này khiến bà Chở hết sức lo lắng. Bởi lẽ từ xưa đến nay chưa bao giờ bà nhìn thấy một đứa trẻ nào có bộ phận đặc biệt đó.
Chồng bà gọi thầy cúng đến nhà. Ông thầy cúng nhìn thấy nhúm lông ở thắt lưng cậu bé thì sợ hãi, chạy mất. Chồng bả Chở lại phải cất công mời thầy cúng ở xa đến. Ông thầy cúng này bảo Chúng bị “ma khỉ” nhập, nên phải làm lễ trừ tà rất to.
Lễ cúng diễn ra suốt nhiều ngày. Thầy cúng giết rất nhiều gà, rắc máu tươi xua đuổi tà ma. Cúng xong, ông bảo vợ chồng bà Chở nên mừng, vì theo ông, nhúm lông này sẽ mọc ra một cái đuôi và nhờ cái đuôi đó, mà gia đình bà sẽ khấm khá về sau.
Chẳng biết lời phán của ông thầy cúng kia có hiệu nghiệm không, nhưng sau này, Chúng mọc đuôi dài, thì đại gia đình bà Chở bớt khổ hơn. Cây lúa trên nương trĩu hạt, bắp ngô to như hoa chuối rừng, mọi tai ương bệnh tật trong nhà cũng sợ hãi mà “chạy trốn” hết.
Nhà bà Chở từ chỗ đói nghèo nhất bản, giờ đã trở thành gia đình khấm khá nhất. Từ đây, ai cũng tin một điều rằng, chính nhờ cái “đuôi” của Chúng gia đình bà Chở mới được như vậy.
Chúng lớn đến đâu thì cái “đuôi” cũng dài thêm đến đấy. Năm lên 7 tuổi, tự nhiên cái đuôi của Chúng bị đứt. Chúng lăn đùng ra ốm. Bố mẹ đã chạy thuốc thang khắp nơi mà Chúng chưa khỏi bệnh.
Mãi cho đến một ngày cái túm lông ở thắt lưng mọc lại, tự nhiên bệnh tình của Chúng thuyên giảm rồi khỏi hẳn. Từ ngày đó Chúng rất sợ hãi khi nghĩ đến chuyện phải cắt cái đuôi đó đi.
Không chỉ mang đến may mắn cho gia đình, Chúng là hiện thân của điềm lành cho dân bản nên cả bản Tả Lử Thận xem Chúng như báu vật. Từ người già cho đến đứa trẻ, ai cũng cho rằng được ngồi nói chuyện với Chúng, được uống với anh chén rượu nghĩa là thần may mắn từ Chúng sẽ “lây” sang họ nên dễ hiểu vì sao Chúng được hâm mộ.
Anh Chúng rất chăm chỉ, lại có sức khỏe hơn người |
Khi Chúng đến tuổi trưởng thành các cô gái trong bản mê Chúng lắm. Anh vừa là hiện thân của thần may mắn vừa là người chí thú làm ăn và biết tính toán hơn người. Chẳng thế mà cô gái ở cùng bản, tên là Giàng Thị Chá đã không ngần ngại làm vợ Chúng.
Một năm sau ngày cưới, vợ Chúng sinh một cô con gái kháu khỉnh. Trước khi vợ mang bầu, Chúng lo lắng, liệu đứa trẻ có giống mình không?
Khi đứa bé chào đời, Chúng mừng như bắt được vàng, vì nó không có cái thắt lưng giống bố. Và lần lượt 4 đứa con nữa của Chúng ra đời cũng vậy. Chúng mừng lắm!
Lạ hơn là cái đuôi ngày nào đó không là một điều đáng lo ngại với Chúng nữa. Chúng bỗng nổi tiếng khắp vùng. Đi đâu mọi người cũng muốn chiêm ngưỡng khiến Chúng cũng vui lây.
Một lần Chúng sang Trung Quốc làm thuê, đang mải vác gỗ, nên cái đuôi lòi ra lúc nào không biết. Mấy người bạn người Trung Quốc nhìn thấy một mẩu đuôi cứ đung đưa phía sau Chúng, họ hết sức ngạc nhiên.
Mấy chục người đều đổ dồn ánh mắt tò mò vào Chúng. Một người thì bảo: “Đó là cái đuôi giả. Chúng lắp vào để trêu mọi người…”. Chúng giải thích thế nào họ cũng không tin. Cuối cùng Chúng đành trưng bộ phận đó ra cho mọi người xem. Một số người còn sờ tay vào thử xem có phải là thật không.
Anh Vàng Seo Chúng |
Chúng là một người chồng, người cha tuyệt vời trong gia đình. Chúng rất chịu khó làm lụng. Chị Chá vợ Chúng bảo: “Nhà đông con, nên Chúng luôn phải lăn ra làm. Vất vả suốt cả ngày, nhưng chưa bao giờ Chúng mắng chửi vợ con cả”.
Trưởng bản Giàng Seo Hầu cũng hết lòng khen ngợi: "Chúng và Chá là cặp vợ chồng đặc biệt trên đỉnh Tả Lử Thận. Chúng không bao giờ uống rượu, nát rượu như người khác đâu.
Mùa khô, khi gió lạnh về, không cây gì mọc nổi, vườn rau cải trong vườn cũng cháy rụi lá vì lạnh giá và sương muối thì cũng là thời điểm Chúng đi sang Trung Quốc làm thuê, kiếm tiền mua áo ấm cho con và mua lợn giống, phân bón… chuẩn bị mọi thứ cho mùa sang năm".
Ngoài làm nương, làm rẫy, Chúng còn là người đầu tiên của bản nghĩ đến chuyện trồng rừng. Cái ngày Chúng đánh những cây sa mu lên núi trồng, bà con cho Chúng là ngớ ngẩn.
Sau 10 năm, rừng sa mu của Chúng, cây nào cây nấy lực lưỡng như cột chống trời. Nhà nào trong bản thiếu gỗ làm nhà Chúng cho luôn vài cây. Giờ thì người dân ở bản Tả Lử Thận hết lòng ủng hộ cái sáng kiến phải trồng rừng để giữ nước và lấy nguyên liệu làm nhà của Chúng.
Tôi đã hỏi Chúng, nếu có một khoản tiền lớn anh có làm phẫu thuật cắt bỏ đuôi không? Anh Chúng lắc đầu nguầy nguậy: “Nhờ nó tôi mới có được sức khỏe, nhà tôi mới ăn nên làm ra. Bản làng cũng rất xem trọng cái đuôi của tôi, nên tôi không bỏ nó đi đâu”.
Theo VTC News