Phế tích nghìn tuổi giữa Thái Bình Dương
Nằm giữa đảo quốc Micronesia, hòn đảo Pohnpei là một trong những địa điểm xa xôi, hẻo lánh nhất của vùng biển Thái Bình Dương, nơi gần như chưa được khám phá và còn rất ít người biết đến. Truyền thuyết kể lại rằng, 16 người đàn ông và phụ nữ đã dừng chân lại Pohnpei sau một hành trình dài vượt biển.
Lúc đó, Pohnpei còn là đảo hoang, không một bóng người, cây cối hoang tàn không sự sống. Những lãng khách lên đảo và cầu nguyện rất nhiệt thành. Họ càng cầu nguyện trời càng đổ mưa, nước dâng lên thành sông, thành thác, biến thành khu rừng và có cả động vật. Đó là phép màu của Pohnpei...
Trong khu rừng nguyên sinh dày đặc ở Pohnpei có một thành phố hoang tàn, đổ nát, đó là Nan Madol. Theo các nhà thám hiểm, Nan Madol được đánh giá là thành phố cổ đổ nát duy nhất của thế giới còn sót lại trước biến thiên của lịch sử. Ước tính, Nan Madol có thể được xây dựng từ gần 2.000 năm trước. Thành phố cổ Nan Madol là tàn tích của nền văn minh cổ đại Sau-deleur.
Kinh đô ấy liên kết với nhau bằng một mạng lưới kênh rạch chằng chịt và được đặt cho mỹ danh "Venice của Thái Bình Dương". Cái tên Nan Madol có nghĩa là "không gian giữa", chỉ hệ thống kênh rạch chằng chịt như những con rắn khổng lồ uốn lượn xung quanh thành phố.
Đối với giới khảo cổ, phế tích Nan Madol được coi là di chỉ vô cùng độc đáo và bí ẩn. Mặc dù các nhà khoa học đã dày tâm nghiên cứu, song vẫn chưa giải mã được các thông tin về thành phố này. Nhiều người còn so sánh rằng, con người thậm chí còn biết đến mặt trăng nhiều hơn địa danh này. Cho đến tận ngày nay, các triều đại cổ vẫn giống như một cái bóng, một thứ quyền lực vô hình trong tâm thức người dân địa phương.
Trước kia không ai được phép đến đây, ngoại trừ những người phục vụ cho Sau-deleur, chúa tể của Nan Madol. Chính vì vậy, nó càng thêm kỳ bí. Cho đến ngày nay, nơi đây vẫn còn mang những điều bí ẩn của riêng mình. Vẫn còn quá nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp.
NanMadol - điểm tham quan kỳ thú của du khách ở Pohnpei.
Theo những chứng tích hiếm hoi của lịch sử, các nhà khoa học dự đoán, từ thế kỷ thứ II, hòn đảo đã có con người sinh sống, nhưng phải đến thế kỷ thứ VIII quá trình xây dựng hòn đảo mới bắt đầu. Quá trình xây dựng kéo dài đến tận thế kỷ XIII cho thấy sự kỳ công của cư dân trên đảo. Trị vì hòn đảo là triều đại Sau-deleur. Đảo quốc Micronesia nằm dưới sự thống lĩnh tập trung và thống nhất của chúa tể Sau-deleur.
Các nhà khoa học cũng dự đoán rằng, có thể người xưa xây dựng thành phố lộng lẫy, tách biệt giữa đại dương này cho các quý tộc sinh sống. Thời kỳ đó, cuộc sống của các quý tộc luôn tách biệt khỏi dân thường. Cho đến tận ngày nay, thành phố cổ đổ nát này vẫn còn khá nguyên vẹn, là nơi lưu giữ phần mộ của các vị vua thuộc triều đại Sau-deleur.
Tồn tại đến năm 1628, triều đại Sau-deleur bị người Nahnmwarki lật đổ. Tuy nhiên, những kẻ xâm chiếm đã không thể trụ lại hòn đảo này vì gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận chuyển nước ngọt, đồ ăn từ đất liền ra. Pohnpei được người châu Âu biết đến lần đầu vào năm 1828 bởi nhà hàng hải người Nga Fyodor Litke.
Bí ẩn dấu tích người khổng lồ
Cho đến tận ngày nay, nhiều người vẫn đặt dấu hỏi làm thế nào những người dân đảo có thể vận chuyển những phiến đá và những khối đá bazan tới đây? Theo những bậc cao niên trên đảo, các phiến đá được vận chuyển bởi "oohnahnee", theo nghĩa địa phương là "bay lên". Người dân đảo thiêng cho rằng các phiến đá có thể bay và người dân đảo Pohnpei đã sử dụng bùa phép để ghép chúng lại với nhau.
Điều huyền bí này khiến cho ông Emmanuel Mori, Tổng thống Liên bang Micronesia cũng không thể lí giải. Ông Emmanuel Mori cũng tự hỏi người dân đảo làm cách nào có thể vận chuyển được những khối đá khổng lồ nặng hàng tấn giữa biển khơi. Chúng ta không thể tưởng tượng họ đã phải mất bao nhiêu năm và mất bao nhiêu công sức để mang những khối đá khổng lồ đến đây. Những tảng đá được đục ra từ núi, theo kiểu chiếc cột hình lăng trụ, mỗi tảng nặng đến vài tấn. Chúng được đưa đến đây và xếp chồng lên nhau cẩn thận, đủ chống chọi với sức tàn phá của thời gian.
Các nhà khoa học đã làm thí nghiệm vận chuyển đá bằng bè, nhưng bè gỗ không chịu nổi trọng tải của những hòn đá khổng lồ này. Người ta tin rằng, chỉ có những người khổng lồ như trong thần thoại Hy Lạp mới làm được điều đó. Truyền thuyết dân gian kể rằng, những người khổng lồ trên hòn đảo này đã vác đá bazan từ đất liền ra xây dựng. Một số giai thoại khác thì cho rằng đá được phù thủy phù phép bay về đảo để người khổng lồ tiến hành xây dựng hoặc những hòn đá được vận chuyển bởi loài rồng khổng lồ.
Ngay cả những đường hầm nhân tạo bí ẩn từ trung tâm hòn đảo ra đại dương cũng thách thức các nhà khoa học. Họ vẫn chưa khám phá ra vai trò của những đường hầm này và không thể hiểu người xưa với kỹ thuật gì mà xây dựng được đường hầm trong hoàn cảnh nước biển ngập. Ngày nay, với kỹ thuật, trang bị lặn biển hiện đại, các nhà nghiên cứu vẫn chưa khám phá được hết các đường hầm nối đảo với biển. Đối với người dân địa phương, hàng ngàn năm nay họ vẫn thành kính tin rằng có một phép màu đã giúp tổ tiên họ xây dựng lên kinh đô giữa đại dương.
Theo giới khoa học, công trình kiến trúc ấn tượng nhất trong khu liên hợp trên đảo là ngôi đền thờ cổ. Đây chính là điểm khơi nguồn cảm xúc và là trường quay cho bộ phim "Indiana Jones". Bộ phim tái hiện lại những tàn tích của thành phố cổ Nan Madol, trong đó nổi bật nhất là hầm mộ nằm chính giữa ngôi đền. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy 16 bộ hài cốt trong hầm mộ này.
Người dân kể lại rằng, khu hầm mộ chỉ dành cho những linh mục cai quản vùng này. Phụ nữ không được chôn cất ở đây. Người ta chôn cất phụ nữ ở bên kia ngôi đền. Ngôi đền cổ trong thành phố Nan Madol là lãnh địa tôn giáo lớn có niên đại khoảng 400 năm. Rất nhiều người Pohnpei chưa dám đến tham quan ngôi đền bởi họ rất mê tín và sợ hãi. Tuy nhiên, người ngoài lại rất tò mò muốn đặt chân tới đây. Ông George Lucas, đạo diễn loạt phim "Indiana Jones" đã đến đây khoảng 6 năm trước và được dẫn đi tham quan khắp thành phố.
Biến động theo thời gian Từ giữa thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, những người săn cá voi, giáo sĩ truyền giáo và sau đó là người Tây Ban Nha và người Đức tiếp quản hòn đảo. Vào năm 1898, Tây Ban Nha đã bán hòn đảo cho đế quốc Đức. Một cuộc nổi dậy chống lại người Đức đã nổ ra vào ngày 18/10/1910 và kết thúc vào tháng 2/1911. Một số người nổi dậy đã bị treo cổ, nhiều người khác bị đưa đi lao động khổ sai trên các hòn đảo khác của Đức ở Thái Bình Dương. Nhật Bản được quyền chiếm giữ Pohnpei sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Tuy nhiên, khi Nhật Bản thất trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai, tất cả công dân Nhật Bản đã bị bắt buộc rời khỏi hòn đảo, trong khi đó nhiều họ hàng người Pohnpei vẫn còn ở lại. Liên bang Micronesia hoàn toàn độc lập vào năm 1986. |
Anh Văn