"Người không số"
Tôi có cơ hội gặp ông Trịnh Xương, trưởng nhóm thiết kế tàu không số năm xưa. Ông bảo, người ta hay gọi ông là "cha đẻ" của tàu không số nhưng ông thấy mình giống "người không số" hơn. Bởi cuộc đời ông gắn liền với những tuyến đường, những con tàu và những chuyến đi. Gặp ông ở nhà người con (tại quận 1, TP.HCM), tôi bất ngờ vì đã 80 tuổi nhưng ông vẫn rất minh mẫn. Bằng chất giọng Hà Nội ấm, rõ ràng, ông kể lại những ký ức hào hùng về ngày tháng sống trong không khí gấp gáp, căng thẳng của cuộc họp bàn về việc thiết kế tàu không số. Với ông, nó như mới diễn ra ngày hôm qua.
Ông Xương nhớ lại, vào đầu năm 1961, hội nghị Trung ương họp bàn đưa ra nhận định Mỹ mở rộng quân sự ra miền Bắc, vi phạm hiệp định Giơ-ne-vơ. Chiến trường miền Nam đang vô cùng khốc liệt với sự leo thang quân sự của Mỹ - Ngụy. Địch đánh phá ác liệt tuyến đường Trường Sơn nhằm chặt đứt mọi con đường tiếp viện của quân, dân ta từ miền Bắc vào. Tình thế cấp bách, Đảng trực tiếp giao nhiệm vụ cho các đồng chí Phạm Hùng (lúc đó là phó Thủ tướng phụ trách công tác thống nhất, tướng Trần Văn Trà (Thứ trưởng bộ Quốc phòng), bộ trưởng Giao thông Vận tải Phan Trọng Tuệ, Cục trưởng Ngô Văn Năm.
Các đồng chí trên bình luận là làm sao phải thiết kế được một loại tàu có khả năng đáp ứng được yêu cầu của chiến trường. Đó là con tàu trăm tấn, chạy trên biển, chở được vũ khí hạng nặng, chịu được sóng gió cấp 8 - 9, nhiên liệu có thể chạy 20 - 30 ngày, chở được ít nhất được một tiểu đội tương đương 12 thuyền viên nhưng phải nhỏ gọn. Tàu đó đi ra ngoài hải phận, ven bờ đều an toàn, chạy nhanh...
Ông Trịnh Xương, trưởng nhóm thiết kế "tàu không số" vẫn nhớ như in những thời khắc khó khăn đó.
Trước đó, ông Trịnh Xương cùng 23 học sinh được cử sang học tại trường Đóng tàu chuyên nghiệp ở Thượng Hải (Trung Quốc). Sau 5 năm miệt mài học tập, ông cùng một số cán bộ kĩ thuật và kĩ sư hoàn thành nhiệm vụ, lần lượt trở về nước. Với những nhiệm vụ như thiết kế đưa ra, ông Trịnh Xương - khi đó đang làm việc tại phòng thiết kế Tàu thủy Việt Nam (tiền thân của viện Khoa học - Công nghệ Tàu thủy Việt Nam) - được tham gia bàn bạc về con tàu đặc biệt này.
Ông Xương kể lại: "Có một số nơi ghi thông tin nói rằng, tôi không biết thiết kế con tàu là gì. Thực tế các yêu cầu về trọng tải, về hình dáng được phó Thủ tướng Phạm Hùng đưa ra ngay khi họp các ngành, bộ phận liên quan. Những buổi bàn bạc nhiều lần được diễn ra ngay chính tại nhà của phó Thủ tướng Phạm Hùng. Tất cả các thành viên tham gia cuộc họp đều góp ý kiến về con tàu trăm tấn này. Lúc đóá tôi mới gần 30 tuổi. Đó là nhiệm vụ, là vinh dự, tự hào của người chiến sỹ cách mạng. Các đồng chí lãnh đạo giao cho tôi về nghiên cứu và trả lời về con tàu không số sau hai tuần".
Ông đã cùng các kỹ sư Lương Văn Triết, Đào Văn Hùng, Đinh Ngọc Liễn... thức trắng nhiều đêm loay hoay tìm lời giải cho hình dáng, kết cấu của con tàu. Những tiêu chuẩn về hình dáng con tàu phải nhỏ gọn, chịu được tải trọng hàng trăm tấn, liên tục thực hiện nhiệm vụ hàng hải trong cả tháng trời, tính hàng hải ổn định, chịu được lắc ngang, lắc dọc mà vẫn giữ được tốc độ khoảng 10 hải lý (18 km/giờ)... không dễ dàng gì trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn. Sau hai tuần ông cùng các đồng nghiệp đưa ra phương án về thiết kế con tàu 100 tấn. Ông Trịnh Xương lên bộ Quốc phòng gặp Thứ trưởng Trần Văn Trà trình bày phương án về tàu 100 tấn. Sau đó, ông và các cộng sự được giao hoàn thành thiết kế sơ bộ, thiết kế thi công tàu không số trong vòng một tháng. Thiết kế hình tuyến được chuyển khẩn cấp đến xưởng đóng tàu số 3 (Hải Phòng) thực hiện đóng. Cấu tạo chung của con tàu bao gồm 3 hầm (1 hầm lái và 2 hầm hàng). Công việc được triển khai nhanh, từ xưởng đóng tàu này, 6 chiếc tàu 100 tấn đã lần lượt ra đời.
Tàu không số hiên ngang trên biển. (Ảnh tư liệu).
Giây phút "nín thở" hạ thủy tàu không số
Đến tận ngày hôm nay, ông Trịnh Xương vẫn chưa quên cảm giác hồi hộp, lo lắng đến nghẹt thở khi đưa con tàu không số đầu tiên hạ thủy. "Ngày đó không có máy móc để vẽ, chúng tôi có duy nhất một chiếc thước tĩnh để đo đạc, mọi tính toán đều được làm thủ công. Từ lúc đưa ra ý tưởng đến hoàn thành con tàu đầu tiên là trong vòng 3 tháng. Lúc đưa tàu ra hạ thủy ở Hải Phòng, tôi và ông Đậu Kim Quang, giám đốc xưởng đóng tàu 3, gần như phải "nín thở". Chiếc tàu hạ thủy thành công và chuyến đi đầu tiên cập bến an toàn là thông tin tuyệt vời nhất trong đời mà tôi từng nhận được", ông Trịnh Xương tâm sự.
Những ngày tháng đó, ông gần như ăn nghỉ tại nhà máy đóng tàu để theo sát các khâu kỹ thuật, đảm bảo mọi thứ đúng như thiết kế. Từ chiếc thứ 7, khâu thi công được chuyển giao lại cho nhà máy đóng tàu Tam Bạc (Hải Phòng). Vỏ được kết cấu hoàn toàn bằng thép quy chuẩn, có thể chịu được gió bão cấp 8 - 9, đảm bảo tốc độ trong cả thời tiết xấu. Ông Xương kể tiếp, ông đảm bảo mọi thứ đến chiếc tàu 100 tấn thứ 13 - ở trong nước - thì di chuyển việc đóng tàu sang các xưởng tại Thượng Hải (Trung Quốc). Tất nhiên, ông vẫn phải trực tiếp sang đó theo dõi quá trình đóng tàu.
Toàn bộ những con tàu không số đóng xong được giao cho đoàn 759 phụ trách việc khai thác. Cũng nhờ đoàn tàu này mà một số lượng lớn vũ khí đã được chở vào chiến trường miền Nam phục vụ cho các chiến dịch, trận đánh tại mặt trận phía Đông và Tây Nam Bộ. "Nhiều lúc nghĩ lại, tôi vẫn không hiểu sao, tôi và mọi người lại có thể làm được một việc phi thường như thế. Có lẽ tuổi trẻ, lòng yêu nước, sự tin tưởng của các đồng chí lãnh đạo đã khiến chúng tôi làm được việc đó. Sau này, khi Mỹ công khai các báo cáo, tôi mới biết hải quân Mỹ đã từng mất 3 ngày truy đuổi một tàu không số của ta mà không bắt được", ông Xương tự hào chia sẻ.
Vào năm 1967, sau những chiến dịch thất bại, quân đội Mỹ - Nguỵ điên cuồng cho máy bay bắn pháo sáng để chặn đánh các thuyền vận tải từ miền Bắc (tại vùng biển Lạch Quèn, xã Quỳnh Tiến, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) chở vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam. Trước tình hình đó, ông Trịnh Xương đã đại diện cho nhóm thiết kế đề xuất với Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ cho đóng gấp rút loại thuyền vỏ gỗ (theo kiểu thuyền đánh cá Gò Công) có trọng tải 3 - 5 tấn, giả dạng là tàu đánh cá của ngư dân để chuyên chở vũ khí vào miền Nam hòng "qua mặt" các phương tiện dò xét tiên tiến của địch. Chiếc tàu này được thiết kế hai đáy. Đáy dưới dùng để giấu vũ khí, còn mặt trên vẫn được ngụy trang như một chiếc tàu đánh cá bình thường để “qua mặt” các cuộc kiểm tra của quân địch. Đề xuất của ông Xương và đồng đội một lần nữa được lãnh đạo chấp thuận.
"Lúc đó, ta đã huy động 12 tỉnh miền Bắc có nghề đóng tàu thuyền cùng tham gia chiến dịch này. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng nghìn chiếc tàu "đánh cá" mang trọng trách của một "chiến tàu" được hoàn thành và đưa vào phục vụ chiến đấu. Chiến dịch này mang tên "T5", và đội vận tải tiền phương bằng thuyền thô sơ chính thức ra đời. Trong khi địch vẫn đang tập trung đánh phá xe vận tải đường bộ, ta đã lén dùng thuyền "đánh cá" đưa vũ khí sâu vào tiền tuyến" - ông Xương cho biết.
Trong suốt 14 năm liên tục (1961-1975) tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, với những con tàu không số huyền thoại của bộ đội Hải quân Việt Nam đã thực hiện 1.789 chuyến, vận chuyển 150 ngàn tấn vũ khí và hàng ngàn lượt cán bộ, vượt qua hàng vạn hải lý, khắc phục hơn 4.000 quả thủy lôi, chống chọi hơn 20 cơn bão, chiến đấu hơn 30 lần với tàu địch, đánh trả 1.200 lần máy bay địch tập kích, bắn rơi 5 chiếc và bắn cháy nhiều tàu xuồng của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều chiến sỹ đã anh dũng hy sinh trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.
"Cha đẻ" của những ý tưởng có một không hai Không chỉ là trưởng nhóm thiết kế tàu không số, ông Trịnh Xương còn là "cha đẻ" của những thiết kế giao thông có một không hai - "cầu" ngầm - phục vụ cho các chuyến xe vận tải thời chiến. Đặc biệt là làm chiếc "cầu" ngầm qua sông ở Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Chiếc "cầu" này được giấu sâu xuống dưới nước, được kéo chìm xuống nước bằng dây cáp. Khi cần lưu thông thì quân dân ta mới kéo cáp cho nổi lên mặt nước. Khi người và các phương tiện đi qua, "cầu" lại được giấu xuống dòng nước. Với chiếc "cầu" ngầm có một không hai đó, phải mất 2 năm "nghiên cứu", dò tìm, địch mới phát hiện ra chiếc "cầu" đặc biệt này. |
Đỗ Thơm