Bài hát Người thầy của nhạc sĩ Nhất Huy ra đời đã lâu lắm rồi. Tôi đã nghe và hát nhiều lần đến nỗi thuộc lòng từng chữ nhưng không hiểu sao cứ mỗi lần giai điệu ngọt ngào ấy cất lên, lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến.
Một cảm giác thật lạ, lạ lắm, giống như luồng điện chạy khắp cơ thể tôi, khiến tôi nhiều lần bật khóc.
Đến nay, tôi đã trưởng thành, trải qua nhiều thăng trầm, nhiều cung bậc của cuộc sống nhưng cảm giác ấy vẫn còn nguyên vẹn chẳng khác gì hồi tôi còn đi học...
Trong quãng đời học sinh, có lẽ mỗi người chúng ta ai cũng có những kỷ niệm vui, buồn về bạn bè, về thầy cô giáo. Và tôi cũng vậy, kỷ niệm trong tôi vẫn đong đầy dù 12 năm trời đã trôi qua.
“Dù thời gian có vô tình trôi mãi”, kỷ niệm đẹp như mơ ấy vẫn mãi nằm lại trong ký ức tôi về một cô giáo, người lặng lẽ dìu dắt tôi không chỉ những năm tôi đi học mà trong suốt cuộc đời này – Mẹ yêu dấu của tôi!
Có lẽ, tôi may mắn hơn bao người khác vì mẹ tôi là cô giáo. Mẹ đã dạy tôi không những về kiến thức, tác phong ăn nói, đi đứng mà còn truyền cho tôi tình yêu gia đình, quê hương xứ sở, cái tâm luôn hướng về chân – thiện – mỹ. Mẹ dạy tôi bằng chính cuộc sống và sự hy sinh thầm lặng của bà, bằng tình yêu thương bao la vô bờ bến của trái tim người mẹ.
Ngày tôi lên lớp 6, mẹ được ban Giám hiệu phân công làm chủ nhiệm và dạy môn Ngữ Văn của lớp tôi. Đến trường, tôi gọi mẹ như bao bạn bè cùng trang lứa - “cô giáo” dù có chút ngượng ngùng nhưng cũng đầy thú vị. Nhiều bạn cùng lớp nhìn tôi với con mắt ganh tỵ. Các bạn nghĩ có mẹ là cô giáo sẽ được mẹ che chở, ưu ái như: Có bài tập về nhà không làm cũng chẳng sao, đề kiểm tra thì biết trước hay chấm điểm sẽ được mẹ nương tay…
Với tôi mà nói, mẹ phê bình và cho điểm kém là việc bình thường, còn được mẹ khen trên lớp là một điều xa xỉ. Mẹ tôi hiền là thế, nhẹ nhàng là thế nhưng ở trường, mẹ lại rất nghiêm khắc với tôi. Không khi nào mẹ bao che những việc làm sai trái của tôi. Mẹ không thiên vị tôi bao giờ! Tôi buồn và giận mẹ lắm! Bởi thế, lớp tôi được phen hả hê và mẹ đã trở thành một cô giáo “vĩ đại” trong lòng lũ bạn tôi!
Tôi còn nhớ như in kỷ niệm ngày tôi học lớp 8, mẹ làm Trưởng nhóm Ngữ Văn nên phải làm đề kiểm tra cho toàn khối. Phải thú thật nhiều lần tôi lấy cớ mượn máy tính xách tay của mẹ để tìm thông tin phục vụ cho các tiết học, tôi tìm luôn các đề Văn và đáp án mẹ soạn. Dĩ nhiên, mẹ tôi không hề hay biết việc làm của tôi. Bởi thế, điểm kiểm tra của tôi lần nào cũng cao. Tôi lấy làm hãnh diện với chúng bạn.
Người ta thường nói, “đi đêm lắm có lần gặp ma” quả không sai và tôi cũng không ngoại lệ. Lần ấy, để có một bài kiểm tra Văn tốt, tôi lại “ngựa quen đường cũ” xem trộm đề Văn mẹ soạn. Tôi chắc mẩm đáp án Văn trong tay nên càng tự tin cho môn Văn thi học kỳ sắp tới. Trong khi đó cả lớp tôi, đứa nào đứa nấy cũng thấp thỏm lo âu, theo mẹ ôn bài từ sáng đến chiều.
Rồi ngày định mệnh ấy cũng đến, giờ kiểm tra, tôi cười khểnh khi thấy một vài đứa nhận đề trước tôi lắc đầu. Đứa thì gục đầu xuống bàn cái “cốp”. Sau khi nhận đề văn từ tay cô Hoàng Mai - một cô giáo già khó tính nổi tiếng là “Dũng sĩ diệt học sinh”, mặt tôi biến sắc, mắt tôi hoa đi, tim đập nhanh và không tin vào mắt mình nữa. Đề bài tôi cầm trên tay không phải tờ đề mẹ tôi đã miệt mài cả đêm để soạn. “Chao ôi! cái gì thế này”? Tôi chết lặng vài phút, cảm giác lúc ấy thật tệ.
Chẳng ngồi một chỗ, cô coi thi cứ đi đi, lại lại, ngó ngó, nhòm nhòm vào từng ngăn bàn mới chết chứ. Tôi lo lắng và hụt hẫng hơn bao giờ hết. 45 phút trôi qua sao mà nhanh quá! Lần kiểm tra đó tôi làm bài kém. Cuối buổi, dắt chiếc xe đạp ra về mà lòng tôi nặng trĩu. Đường về nhà tôi như dài hẳn, trong đầu tôi hiện lên muôn vàn câu hỏi tại sao. Nước mắt tôi ứa ra... Tôi giận mẹ!
Về tới nhà, tôi tránh cái nhìn của mẹ mà chạy thẳng vào phòng, nằm vật ra giường. Nghĩ đến việc mẹ đã ngầm thay đề kiểm tra để không bị “lộ” mà nước mắt tôi cứ trào ra. Tôi thấy ghét “cô giáo” của mình. Với tôi lúc ấy, mẹ thật ác!
Hơn ai hết mẹ là người biết rõ lý do vì sao tôi thay đổi thái độ. Nên sau khi ăn tối, cả nhà cùng dọn dẹp xong, mẹ gõ cửa vào phòng tôi. Mẹ nhìn tôi âu yếm lắm! Một cái nhìn thật bao dung và độ lượng.
Mẹ nhẹ nhàng nói, giọng buồn buồn: “Mẹ không mắng con dù bài thi lần này con có bị điểm kém. Mẹ chỉ muốn nhắc nhở con rằng sẽ không có sự thiên vị nào khi con là học trò của mẹ. Mẹ biết con đã xem trộm đề và đáp án. Điểm của con sẽ cao hơn các bạn nhưng đó không phải là thực chất.
Mẹ cần công bằng để con trở thành học sinh giỏi bằng chính khả năng của mình chứ không phải vì có mẹ làm cô giáo. Mẹ biết là con giận mẹ nhưng mẹ tin con gái mẹ sẽ hiểu và con sẽ thành công trong cuộc sống sau này”.
Và đêm ấy là đêm đầu tiên trong đời tôi mất ngủ vì câu nói của mẹ… Kể từ đó, tôi luôn ghi nhớ lời mẹ dặn và chăm chỉ học hành. Đó cũng là động lực giúp tôi vượt qua kỳ thi vào lớp 10. Tôi đã thừa điểm khi đỗ vào trường top đầu của thành phố. Tôi trở thành niềm tự hào của mẹ.
Mẹ tôi chăm chỉ làm việc, lo toan cho gia đình như con ong cần mẫn. Ngày ngày mẹ lên lớp, hết giờ mẹ đi chợ, cơm nước, tối tối mẹ lại bảo ban tôi học bài. Khi tôi say trong giấc ngủ cũng là lúc mẹ miệt mài soạn giáo án.
Có những đêm, tôi chợt thức giấc, nhìn đồng hồ đã hơn 2h sáng mà mẹ vẫn miệt mài chấm bài. Nhìn khuôn mặt vốn bầu bĩnh xinh đẹp của mẹ hằn sâu những vết chân chim, tôi thương mẹ vô cùng.
Năm tháng trôi đi sao mà nhanh đến thế! Nhanh như một cái chớp mắt vậy. Muốn mẹ được vui, tôi đã chọn theo nghề của mẹ - nghề giáo - làm người lái đò đưa các học trò sang những chân trời kiến thức.
Thế nhưng, dường như duyên nghề chưa đến, cuộc đời đưa tôi sang ngã rẽ khác. Dù vậy, mẹ không buồn mà còn hun đúc, tiếp thêm sức mạnh, động viên tôi gắn bó với nghề báo.
Giờ đây, tôi đã có gia đình riêng tại Sài Gòn và sống xa mẹ. Gần ba năm trời xa mẹ, tôi nhớ thương và biết ơn mẹ vô cùng.
Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, tôi không được về bên mẹ, không tặng cho mẹ - cô giáo đáng kính của đời tôi - một bó hoa nồng thắm. Những tâm tư này tôi viết thay cho lời tri ân xin được gửi tới mẹ, tới các thầy cô giáo của tôi lời chúc sức khỏe và lời cảm ơn chân thành nhất. Cầu chúc cho mẹ tôi luôn mạnh khỏe và bình an!
Tôi biết, dù cách xa hàng ngàn cây số nhưng không giây phút nào, mẹ không dõi theo từng bước tôi đi…