Về làng vàng mã Duyên Trường, Thường Tín, Hà Nội những ngày đầu năm mới cảm giác rộn ràng, nhộn nhịp thế nào.
Men theo lối nhỏ vào làng, chúng tôi may mắn gặp được ông Nguyễn Văn Lâm – một người đã có gần 20 năm theo nghề vàng mã.
Ông chia sẻ: “Ngày trước, khi chưa có công ăn việc làm ổn định, tôi bắt đầu mày mò, tìm tòi làm vàng mã để đảm bảo cuộc sống rồi gắn bó luôn cho tới bây giờ.
Lúc đầu chưa quen, nhưng cứ làm nhiều rồi nghề nghiệp nó dạy mình. Lâu dần, ngoài việc sản xuất, nhà tôi cũng thuê thêm xưởng ở chợ Mơ để phân phối các sản phẩm cho khách hàng. Giờ đây, cũng chỉ có hai vợ chồng với thợ làm, còn các con học hành xong đều làm nghề khác chứ không theo nghề của bố mẹ”.
Cũng theo ông Lâm, nhu cầu và thị trường vàng mã mấy năm gần đây cũng có nhiều biến động hơn: “Trước đây, mọi người chỉ sắm vật lễ đơn giản là tiền vàng, áo mũ, còn bây giờ nhu cầu người ta lại khác rồi, kiểu “trần sao âm vậy” nên thị trường vàng mã đa dạng mẫu mã hơn.
Nhiều khách hàng yêu cầu làm mũ, ngựa, tivi, nhà lầu… thì chúng tôi lại phải đi tham khảo các mẫu mã rồi về làm. Thị hiếu của khách hàng thế nào, thì những người làm nghề như chúng tôi phải đáp ứng thôi”.
Nói về chi phí sản xuất những vật lễ mang tính chất tâm linh này, ông Lâm chia sẻ: “Thật ra, chi phí cho khâu nguyên liệu không đáng nhiều, mà chủ yếu là nặng về tiền thuê nhân công.
Hiện tại xưởng vàng mã của gia đình tôi ngoài 2 vợ chồng làm chính, còn thuê thêm 4 thợ làm trổ hoa văn, dán mô hình.
Hơn nữa, làm những vật lễ này tốn rất nhiều thời gian. Hầu như vật lễ nào cũng phải theo bộ, ví dụ đi kèm với ngựa còn có quần áo, hia, thế nên để hoàn thành cũng phải khá lâu”.
Tiết lộ về doanh thu bán vàng mã, ông Lâm nói: “Nói thật, nếu hôm nay làm mai đi chợ thì cũng chẳng ăn thua.
Ví dụ một cái mũ tính ra cũng chỉ lãi được 3 - 4 nghìn đồng. Riêng bộ ngựa vì cồng kềnh lại phải chịu thêm tiền chi phí vận chuyển.
Chở khoảng 10 bộ ngựa từ xưởng lên phố bằng ôtô, mỗi con lại phải chịu độ 35 nghìn tiền cước xe rồi, nên tiền lãi không đáng bao nhiêu”.
Trước nhiều ý kiến cho rằng, nên giảm hoặc bỏ đốt vàng mã, ông Lâm bày tỏ: “Nếu như thị trường không chấp nhận những mặt hàng, mẫu mã đó, thì người làm như chúng tôi làm ra cũng chẳng để làm gì.
Bởi vì, làm ra mà không bán được thì làm làm gì. Thế nên, tôi không cảm thấy lo lắng trước những thông tin cho rằng là sẽ giảm hay bỏ đốt vàng mã. Bởi nếu không làm nghề này thì mình sẽ chuyển sang nghề khác. Không tới mức làm giàu, nhưng để trang trải cuộc sống hàng ngày thì không quá khó để tìm được một công việc phù hợp”.
Ông Lâm cũng chia sẻ: “Cái khó nhất khi theo nghề này chính là tìm được đầu ra. Một khi đã tìm được đầu ra, có chỗ đứng trong thị trường rồi thì sẽ ổn định hơn.
Có thể nói, gần 20 năm theo nghề vàng mã, gia đình tôi đã có được “chỗ đứng” ổn định trên thị trường, thậm chí có những thời điểm không có hàng để giao cho khách, vì họ đặt rất nhiều”.
Ảnh: Thành Long