Người lao động 'bước ra' từ dân lập cần được tôn trọng

Người lao động 'bước ra' từ dân lập cần được tôn trọng

Thứ 5, 20/06/2013 08:50

“Thay vì thái độ phân biệt trong tuyển dụng với loại hình đào tạo, nơi đào tạo, cần xây dựng cơ chế khách quan, tôn trọng ứng viên dù học từ bất cứ loại hình nào để tuyển chọn người lao động đáp ứng năng lực với vị trí công việc”…

Đây là phát biểu của đại biểu Quốc hội Phạm Thị Trung (Kon Tum) trong phiên thảo luận về dự án luật Việc làm tại nghị trường ngày 19/6.
 
Trước hết, bà Trung đề xuất quy định “người lao động có quyền bình đẳng về việc làm, không phân biệt đối xử với người lao động vì các lý do dân tộc, chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo”. Bà Trung bức xúc với việc thời gian qua dư luận bàn nhiều tới sự phân biệt trong tuyển dụng đối với loại hình đào tạo tại chức, từ xa.
Xã hội - Người lao động 'bước ra' từ dân lập cần được tôn trọng
Đại biểu Phạm Thị Trung: "Người học ở bất cứ loại hình, ngành nghề nào cần được tôn trọng, khách quan trong tuyển dụng".

Dẫn lại phiên trả lời chất vấn tuần trước của bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền khi đề cập đến những khó khăn của đối tượng lao động tốt nghiệp cao đẳng nghề, đại biểu cho rằng, phản ứng này cơ bản là do mặt bằng chất lượng đào tạo. “Tuy nhiên thay vì thái độ phân biệt, các nhà tuyển dụng phải có trách nhiệm xây dựng cơ chế tuyển dụng khách quan, tôn trọng người học dù bất cứ loại hình, ngành nghề nào để có thể tuyển chọn người lao động đáp ứng đủ năng lực đối với vị trí công việc” – bà Trung phân tích.

Với lý do đó, nữ đại biểu đề nghị dự thảo bổ sung hành vi cấm phân biệt về nơi đào tạo, loại hình đào tạo nhằm đảm bảo nguyên tắc công bằng trong tiếp cận cơ hội việc làm cho người lao động và thúc đẩy được quá trình xã hội, xây dựng xã hội học tập.

Cũng đi từ thực tế, đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp) khái quát, thị trường việc làm hiện nay chỉ chú trọng đến việc tạo ra nhiều việc làm mà chưa chú trọng đến chất lượng của công việc. Cả nước có đến gần 85% số người lao động đang làm việc chưa được đào tạo nghề. Theo ông Đức, đây là thách thức đối với người lao động trong việc tăng thu nhập và có cơ hội tiếp cận công bằng về việc làm và hoà nhập với xã hội.

Mặt khác, một công cụ để hỗ trợ người lao động là bảo hiểm thất nghiệp với mục tiêu quan trọng nhất là nhằm hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo lại tay nghề cho người lao động thất nghiệp để họ sớm tìm được việc làm. Tuy nhiên, qua 4 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đại biểu nhận xét, chức năng này thể hiện rất hạn chế. Các quy định pháp luật hiện hành về bảo hiểm thất nghiệp mới chỉ dừng ở việc hỗ trợ cho người lao động sau khi bị mất việc làm, giải quyết hậu quả thất nghiệp mà chưa có chính sách duy trì việc làm ngăn ngừa, giúp hạn chế thất nghiệp.

Ông Đức đề xuất bổ sung thêm chế độ hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế. Với lý do đó, đại biểu Đồng Tháp đề xuất xây dựng chính sách bảo hiểm việc làm thay vì chỉ bảo hiểm thất nghiệp để thể hiện tính chủ động trong việc phòng ngừa thất nghiệp chứ không chỉ đơn thuần là giải quyết hậu quả thất nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) cũng kiến nghị đánh giá lại toàn diện tình hình hoạt động của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để có sự điều chỉnh, bổ sung cần thiết.

“Tại sao năm 2012 Quỹ này kết dư tới hơn 4.000 tỷ đồng, kết dư tích lũy đến hết 2012 gần 22.000 tỷ đồng, nhưng trong 3 năm lại chỉ có 1% số người lao động thất nghiệp được đào tạo nghề nhờ Quỹ này?” – đại biểu đặt câu hỏi.

Bà Thu Anh phân tích, người lao động mất việc có tâm lý chỉ nhìn vào “con cá” là khoản tiền hỗ trợ được nhận mà không quan tâm đúng mức đến “chiếc cần câu” là công tác đào tạo nghề, điều kiện giúp họ có được nguồn thu nhập ổn định trong tương lai.

Tán thành hướng phân tích này, nhiều đại biểu gợi ý mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là cần thiết và là bước đột phá. Vì hiện nay có khoảng 67% lực lượng lao động không có quan hệ lao động. Do vậy, cần có những biện pháp để thu hút lao động thuộc nhóm này tham gia loại hình bảo hiểm thất nghiệp nhằm tăng tính bền vững cho việc làm của họ trong điều kiện thị trường lao động đang phát triển.

Đại biểu Ly Kiều Vân (Quảng Trị) “gật đầu” với hướng quy định lập Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với yêu cầu quỹ phải thật sự thúc đẩy chính sách việc làm.

Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) tán thành việc mở rộng diện đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. So với quy định hiện hành, bảo hiểm thất nghiệp chỉ áp dụng với người lao động có hợp đồng không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 12-36 tháng, với cơ sở có tối thiểu 10 lao động trở lên, bà Yến đánh giá, nới quy định áp dụng với cả nhóm lao động có hợp đồng dưới 12 tháng là một bước đột phá.

Theo Dân trí

> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.